Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Giải đáp thắc mắc mục 2 và 3 trong hồ sơ ĐKDT

Tạp Chí Giáo Dục

Có được làm hai hồ sơ vào trường không tổ chức thi và trường tổ chức thi? Trường nào tuyển ngành kinh tế bưu chính viễn thông? Ngành thiết kế thời trang thi khối nào, trường nào tuyển? Thí sinh tự do có được hưởng điểm ưu tiên? ĐH Bách khoa TP.HCM tuyển kỹ sư tài năng ngành nào?… là những thắc mắc tuyển sinh 2009 thí sinh gửi về Tuổi Trẻ Online.

Tôi đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH ở trường THPT đang học. Vậy nộp hồ sơ vào Trường CĐ Du lịch Hà Nội và CĐ Ngoại thương Hà Nội có nộp cùng đợt với nộp hồ sơ thi ĐH bây giờ không? (Bùi Hương Giang, giangbh91@…)

– Trường CĐ Du lịch Hà Nội không tổ chức thi mà lấy kết quả thi ĐH năm 2009 của thí sinh để xét tuyển. Không có Trường CĐ Ngoại thương Hà Nội, mà chỉ có hệ CĐ của Trường ĐH Ngoại thương. Hình thức tuyển sinh cũng lấy kết quả thi ĐH.

Theo đó, nếu muốn học trường không tổ chức thi theo NV1, bạn phải mượn một trường để dự thi. Khi đó mục 2 ghi tên trường có tổ chức thi (chính là trường mà bạn sẽ dự thi để có kết quả), ghi ký hiệu trường, khối thi, không ghi mã ngành. Mục 3: ghi tên trường không tổ chức thi mà bạn có nguyện vọng theo học (ghi đầy đủ). Lưu ý khối thi ghi ở mục 2 và 3 phải giống nhau. Trong trường hợp này, bạn dự thi tại trường ghi ở mục 2, nhưng nếu đạt điểm chuẩn trúng tuyển theo quy định thì sẽ học tại trường ghi ở mục 3.

Đối với thí sinh có NV1 học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của các trường ĐH hoặc trường CĐ thuộc các ĐH, hồ sơ có thêm một bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 (không được đồ hay ghi thêm gì vào bản photocopy này). Bản photocopy này sẽ được các sở GD-ĐT chuyển cho các trường không tổ chức thi cùng với ảnh và địa chỉ đã dán tem sẵn của thí sinh, để các trường này có đầy đủ thông tin của thí sinh như những trường tổ chức thi.

Còn nếu không muốn đăng ký theo NV1 như trên thì bạn dự thi vào một trường ĐH có tổ chức thi (khai đầy đủ mục 2, không khai mục 3). Khi không trúng tuyển trường ĐH đó nhưng có điểm thi từ điểm sàn trở lên, không có môn nào bị điểm 0, cùng khối thi, trong vùng tuyển và có điểm thi thỏa điểm xét tuyển của trường muốn nộp hồ sơ xét NV2 thì nộp hồ sơ xét tuyển.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời hạn nộp hồ sơ ĐKDT tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 như sau: học sinh đang học lớp 12 THPT, bổ túc THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ và lệ phí ĐKDT tại trường đó, không nộp tại các điểm thu nhận hồ sơ của sở GD-ĐT, trong thời gian từ ngày 10-3 đến hết 10-4. Trong thời gian trên, thí sinh chưa kịp nộp hồ sơ có thể nộp trực tiếp tại trường mà mình ĐKDT, từ ngày 11 đến 17-4.

Thí sinh tự do, thí sinh vãng lai nộp hồ sơ ĐKDT tại các điểm thu nhận hồ sơ do sở GD-ĐT của từng địa phương quy định, từ ngày 10-3 đến 10-4. Sau thời hạn trên, thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường mình ĐKDT đến hết ngày 17-4 như đối với học sinh đang học lớp 12.

* Tôi có thể làm hai hồ sơ, một vào trường không tổ chức thi tuyển và một vào trường tổ chức thi tuyển. Cả hai trường tôi đều chọn NV1 và cùng thi vào một khối thi. Nếu trúng tuyển cả hai trường thì tôi có thể chọn một trong hai trường được không? (angel_lovely_qb@…

– Hai hồ sơ của bạn cùng vào một khối thì đến ngày thi, bạn chọn giấy báo dự thi nào đến trường thi thì đó là quyết định cuối cùng của bạn (vì cùng khối sẽ thi cùng ngày). Như đã nói ở trên, muốn có NV1 vào trường không tổ chức thi thì phải mượn một trường để dự thi, khi đó phải ghi cả mục 2 và mục 3. Còn có NV1 ở trường tổ chức thi thì chỉ ghi mục 2, không ghi mục 3.

Và do đó, không thể xảy ra trúng tuyển NV1 cả hai trường ĐH cùng khối. Điều này chỉ xảy ra khi đó là một trường ĐH và một trường CĐ.

Bạn có thể làm hai hồ sơ, một vào trường không tổ chức thi tuyển và một vào trường tổ chức thi tuyển với điều kiện cả hai trường này không cùng khối thi, không cùng đợt thi (ở các trường ĐH). Theo quy định các trường ĐH khối A, V thi ngày 4 và 5-7; còn khối B, C, D và các khối còn lại thi ngày 9 và 10-7. Riêng các trường CĐ chỉ có một đợt thi duy nhất vào ngày 15 và 16-7 cho tất cả các khối.

Tựu chung lại, sau khi đã xem lịch thi các khối, bạn cần nhớ như sau: kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 thí sinh được thi ba trường gồm hai trường ĐH và một trường CĐ (trong đó luôn luôn nhớ hai trường ĐH phải khác khối, khác đợt thi).

* Có ngành kinh tế bưu chính viễn thông không? Nếu có thì trường nào đào tạo? Ngoài ra, tôi có thể thi ngành nào mà sau khi ra trường tôi có thể làm nhân viên trong bưu điện (không phải về kỹ thuật)? (tan_thanh898@…

– Ngành kinh tế bưu chính viễn thông đào tạo kỹ sư kinh tế có khả năng nghiên cứu, phân tích thị trường, xây dựng chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành bưu chính viễn thông; có kỹ năng về tổ chức quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh; có kỹ năng về nghiên cứu, phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời gian đào tạo là bốn năm, ngoài phần kiến thức đại cương, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ sở về kinh tế ngành, các phương pháp nghiên cứu và phân tích thị trường, xây dựng chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành bưu điện. Trong thời gian học, sinh viên được đi thực tập tại các cơ sở sản xuất, cuối khoá học làm và bảo vệ đồ án tốt nghiệp.

Kỹ sư tốt nghiệp ngành kinh tế bưu chính viễn thông có thể làm việc tại các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bưu chính viễn thông, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông.

Ngành kinh tế bưu chính viễn thông hiện chỉ có Trường ĐH Giao thông vận tải tuyển sinh. Cơ sở phía Bắc tại Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội (mã trường GHA) và cơ sở phía Nam ở TP.HCM tại 450 Lê Văn Việt, quận 9, TP.HCM (mã trường GSA) đều có mã ngành 402, khối A. Điểm chuẩn năm 2008 phía bắc là 17, năm 2007 là 19,5, năm 2006 là 20… Điểm chuẩn năm 2008 phía Nam là 13,5, năm 2007 là 15, năm 2006 là 13…

Học các ngành như quản trị kinh doanh, kinh tế, ngoại thương, marketing, tiếng Anh, kế toán… (không thuộc các ngành kỹ thuật) bạn có thể công tác trong ngành bưu điện, quan trọng là bạn có kiến thức và khả năng hay không.

* Tôi đang học lớp 12, tôi không biết ở TP.HCM có những trường ĐH, CĐ nào có tuyển sinh ngành thiết kế thời trang, thi khối nào? Xin giúp tôi sớm để tôi hoàn tất hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ. Thi năng khiếu ngành thiết kế thời trang của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thi như thế nào, có qua sơ tuyển không? (Phan Nguyễn Hồng Diễm, pnhdiem@…; petrangthanh@…

– Ngành thiết kế thời trang một số trường đào tạo riêng biệt (có mã ngành riêng), nhưng nhiều trường khác ngành thiết kế thời trang là một chuyên ngành của ngành mỹ thuật công nghiệp. Theo đó, ngành này trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành liện quan đến lĩnh vực may mặc, thiết kế thời trang. Cụ thể: công nghệ may, màu sắc, chất liệu các loại nguyên phụ liệu, kỹ thuật may, mỹ thuật trong thiết kế, quản lý công nghệ may…

Sinh viên ngành này có năng lực cụ thể: phác họa mẫu và ứng dụng thiết kế mẫu; thu thập, phân tích và tổng hợp và thể hiện ý tưởng trên mẫu mới; tìm hiểu, so sánh, chọn lọc và phát triển các xu hướng thời trang thế giới kết hợp hài hòa với văn hóa mặc dân tộc Việt Nam; nắm vững nguyên tắc vẽ và phương pháp thiết kế các sản phẩm may; nắm vững nguyên tắc tổ chức và quản lý sản xuất mặt hàng thời trang; có khả năng thiết lập mạng lưới kinh doanh hàng thời trang.

Cử nhân ngành thiết kế thời trang có thể đảm nhiệm các công việc tại các doanh nghiệp may, thiết kế thời trang hoặc các cơ sở đào tạo ngành thời trang, viện nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực thời trang; có khả năng tự tổ chức quản lý sản xuất những cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực may mặc.

Ngành thiết kế thời trang tuyển khối V, H (tùy trường). Bạn có thể đăng ký dự thi vào các trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH dân lập Công nghệ Sài Gòn, ĐH dân lập Kỹ thuật – công nghệ TP.HCM, ĐH dân lập Văn Lang, CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, CĐ Công nghiệp dệt may thời trang TP.HCM, CĐ Công thương TP.HCM (trước đây là CĐ Kinh tế kỹ thuật công nghiệp 2)…

Khối V của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thi toán, lý (đề thi khối A), vẽ trang trí màu nước (hệ số 2). Sau khi làm bài thi môn toán, lý cùng với khối A vào ngày 4-7 thì sáng ngày 5-7, thí sinh thi khối V sẽ thi vẽ trang trí màu nước, còn thí sinh thi khối A thi môn hóa. Khối V của trường không qua sơ tuyển. Thí sinh phải đến trường dự thi, không thi tại cụm (nếu thuộc diện thi tại cụm).

* Thí sinh tự do có được hưởng điểm ưu tiên không? Tôi muốn thi vào ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Nha Trang thi phải học những gì? (anhhungtuonghai@…

– Tất cả trường ĐH, CĐ trong cả nước đều tính điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng cho thí sinh đăng ký dự thi vào trường mình. Theo quy chế, hiện tại không còn tính ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú mà tính theo thời gian thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó.

Nếu trong ba năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.

Trừ các trường hợp sau đây được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú: học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh các trường, lớp dự bị ĐH; học sinh các lớp tạo nguồn được mở theo quyết định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc UBND cấp tỉnh; quân nhân, công an nhân dân được cử đi dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn, nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ.

Thí sinh thuộc khu vực 1 được hưởng 1,5 điểm, khu vực 2 nông thôn hưởng 1 điểm, khu vực 2 hưởng 0,5 điểm, khu vực 3 không hưởng ưu tiên. Như vậy, dù bạn đã tốt nghiệp THPT bao lâu đi nữa thì vẫn được hưởng ưu tiên theo quy định khi thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Nha Trang tuyển sinh hai khối A và D1. Khối A thi môn toán, lý, hóa; khối D1 thi môn văn, toán, tiếng Anh.

* Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đào tạo những ngành nào của chương trình kỹ sư tài năng? Tiêu chuẩn về điểm thi như thế nào để có thể được học kỹ sư tài năng? (Nguyễn Ngọc Quang, quanglavigne@…

– Năm 2009, chương trình kỹ sư tài năng tuyển 213 sinh viên giỏi từ các ngành hoặc chuyên ngành: kỹ thuật chế tạo, tự động hóa, công nghệ hóa học, xây dựng dân dụng và công nghiệp, công nghệ thông tin. Trường tuyển chương trình kỹ sư tài năng từ những sinh viên giỏi đang theo học (còn Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM – tuyển từ năm thứ nhất, có nguyện vọng và có kết quả tuyển sinh cao).

* Tôi có hộ khẩu tại TP.HCM nhưng đang học THPT tại một trường của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tôi muốn nộp hồ sơ ĐKDT vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhưng trường tôi học không nhận hồ sơ của tôi. Vậy tôi phải nộp hồ sơ như thế nào? Tôi có thể nộp qua đường bưu điện được không? (Thái Tùng Sinh, thaitungsinh@…

– Có lẽ vì Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM nên trường bạn học tại Bà Rịa – Vũng Tàu không nhận hồ sơ của bạn, dù bạn có hộ khẩu tại TP.HCM.

Để nộp được hồ sơ, bạn nên nhờ người quen đến nộp trực tiếp tại trường, nhận lại đầy đủ phiếu số 2 và biên lai đóng tiền lệ phí. Bạn lưu ý là không được gửi hồ sơ ĐKDT qua đường bưu điện. Vì khi nộp hồ sơ trực tiếp bạn sẽ được cán bộ thu nhận hồ sơ xác nhận và giao lại tờ phiếu số 2 đã có đầy đủ chữ ký của người thu hồ sơ, biên lai nộp lệ phí ĐKDT và lệ phí dự thi.

Nộp hồ sơ trực tiếp còn có lợi ích là cán bộ thu nhận sẽ kiểm tra lại, kịp thời hướng dẫn bạn chỉnh sửa những sai sót trong các nội dung khai trong hồ sơ. Ở đây, phiếu số 2 rất quan trọng, bạn phải giữ phiếu số 2 trong suốt quá trình dự thi và cả sau này, coi đó là biên lai đã nộp hồ sơ. 

QUỐC DŨNG (Theo TTO)

Bình luận (0)