Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giai đoạn trầm lắng của tranh Đông Dương

Tạp Chí Giáo Dục

Tháng 4/2021, nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông (Trung Quốc) đã gõ búa chốt giá 3,1 triệu USD (hơn 72,7 tỉ đồng) cho bức Chân dung cô Phương của danh họa Mai Trung Thứ. Con số này xô đổ kỷ lục mà bức Khỏa thân của Lê Phổ lập được vào năm 2019 (1,4 triệu USD).

Bước sang năm 2022, tranh Đông Dương tiếp tục tạo tiếng vang trên sàn đấu giá khi tác phẩm Dáng hình trong vườn của Lê Phổ được chốt với giá 2,29 triệu USD (hơn 53 tỉ đồng). Năm 2023, nhà đấu giá này chốt bức Gia đình trong vườn của danh họa Lê Phổ với mức 2,37 triệu USD (hơn 55 tỉ đồng).

Kỷ lục về giá tranh Việt thuộc về Mai Trung Thứ nhưng Lê Phổ mới là danh họa có nhiều tác phẩm vượt mốc triệu USD nhất. Trong nhóm “Tứ kiệt trời Âu”, ngoài Mai Trung Thứ và Lê Phổ còn có Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu. Họ là 4 trong số những họa sĩ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tác phẩm của các họa sĩ tốt nghiệp trường này liên tục tạo được “những đốm sáng” lớn, nhỏ trên thị trường.

Người xem trong nước chăm chú trước bức Lặng thiền (năm 1958)  của Mai Trung Thứ - ẢNH: DIỄM MI

Người xem trong nước chăm chú trước bức Lặng thiền (năm 1958) của Mai Trung Thứ. Ảnh: Diễm Mi

Lúc tranh Đông Dương của họa sĩ Việt “gây bão” trên sàn quốc tế, giới mộ điệu hội họa trong nước cũng được dịp “hưởng ké” khi năm 2022, nhà đấu giá Sotheby’s lần đầu mang tranh của “Tứ kiệt trời Âu” về triển lãm trong nước. Sang năm 2023, Sotheby’s tạo thêm điểm nhấn mới khi mở cuộc triển lãm tác phẩm mỹ thuật Đông Dương lớn nhất tại Việt Nam.

Thắng lợi về giá trị và tạo được tiếng vang nhưng sau giai đoạn đỉnh điểm, tranh Đông Dương đang đến thời chững giá. Chia sẻ với báo chí tại buổi ra mắt sách Nghệ thuật hiện đại Đông Dương ở TPHCM, tác giả Charlotte Aguttes-Reynier – con gái người sáng lập nhà đấu giá Aguttes (Pháp), hiện là Chủ tịch Hiệp hội Nghệ sĩ châu Á tại Paris – nói việc giá tranh Đông Dương đang đi ngang, thậm chí có dấu hiệu đi xuống là biểu hiện hoàn toàn bình thường của thị trường. Bà Charlotte Aguttes-Reynier nói trước đây, tranh Đông Dương chưa có giá cao như hiện tại. Cho đến năm 2014-2015, giá tranh tăng mạnh, đỉnh điểm là năm 2022. Nhưng đến năm 2023 và bước sang năm 2024, bà Charlotte Aguttes-Reynier nhận định thị trường biến động, sẽ khó có giá cao như trước. Một phần do nhiều người cho rằng có dấu hiệu tranh bị “thổi” giá, phần khác do thực trạng có người đấu giá thành công nhưng không thanh toán. Theo bà Charlotte Aguttes-Reynier, những người tham gia đấu giá tranh Đông Dương đa phần là các nhà sưu tập gốc Việt.

Việc giá tranh tăng phi mã trong khi đội ngũ đấu giá quốc tế còn nhiều sai sót trong nghiên cứu văn hóa, lịch sử mỹ thuật Việt Nam cũng dẫn đến không ít ồn ào. Tính xác thực của nhiều tác phẩm bị bỏ ngỏ đang tạo ra những lo ngại nhất định. Đáng nói như trường hợp nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông thông báo sẽ đưa lên sàn “tác phẩm tương đương” Nhà tranh gốc mít của danh họa Nguyễn Văn Tỵ. Ngay khi thông tin được công bố, con gái của họa sĩ khẳng định đó là sản phẩm đạo nhái. Vụ lùm xùm thu hút sự chú ý rất lớn của truyền thông trong nước và quốc tế.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, quan sát thị trường, dù giá tranh Đông Dương đang đứng và có không ít ồn ào xảy ra, nhưng với giá trị của các tác phẩm, nhu cầu của nhiều nhà sưu tầm, thị trường có khả năng sôi động trở lại rất nhanh. 

Theo An Trịnh/PNO

 

Bình luận (0)