Hiện nay lĩnh vực Hoá học đang được đào tạo theo xu hướng khoa học cơ bản và công nghệ. Vậy điểm khác biệt giữa hai xu hướng này là gì? Học khoa học cơ bản có thể làm ở lĩnh vực công nghệ?...
> Vật lý: Ngành học nhiều thú vị
Phòng thí nghiệm về môi trường của trường ĐHKHT- ĐH Quốc gia Hà Nội |
Để làm sáng tỏ vấn đề này, Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TSKH Lưu Văn Bôi, Chủ nhiệm khoa Hoá học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thưa PGS, có hai lĩnh vực đào tạo Hóa học hiện nay là lĩnh vực đào tạo theo xu hướng công nghệ và lĩnh vực đào tạo theo xu hướng khoa học cơ bản. Vậy điểm khác biệt nhất giữa hai xu hướng đào tạo này là gì?
Hóa học là đào tạo chuyên sâu về khoa học cơ bản. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chủ yếu có thể làm công tác ở các Viện nghiên cứu, giảng dạy trong các Trường Đại học, Cao đẳng, …
Còn Công nghệ hóa học là đào tạo sâu về các qui trình, thiết bị, nói chung là thiên về mặt kỹ thuật. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chủ yếu có thể làm việc ở trong các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất.
Hiện nay ở khối các trường kỹ thuật đào tạo rất nhiều các ngành liên quan đến lĩnh vực hoá học. Vậy đối với khối trường khoa học tự nhiên lĩnh vực Hóa học có nhiều ngành đào tạo không thưa PGS?
Trên thực tế thì ở khối trường kỹ thuật đào tạo ngành nào thuộc lĩnh vực Hóa học thì khối trường khoa học tự nhiên cũng có thể đào tạo các ngành đó. Chẳng hạn, một số trường kỹ thuật đào tạo các ngành về Công nghệ Vật liệu, Công nghệ Hữu cơ hóa dầu, Công nghệ chế biến thực phẩm,… thì các trường khối khoa học tự nhiên cũng có các ngành hóa học công nghệ tương ứng. Chẳng hạn, ngoài ngành Hóa học cơ bản thì Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cũng có ngành Công nghệ Hóa học, Công nghệ Vật liệu, Công nghệ Hoá sinh, Công nghệ Hoá dầu, Công nghệ Môi trường, Công nghệ Hoá dược…
Có một điều mà rất nhiều thí sinh quan tâm đó là khi theo học lĩnh vực Hoá học ở khối trường khoa học tự nhiên thì liệu sau này có thể làm các công việc chuyên sâu về kỹ thuật như sinh viên ở khối các trường khoa học kỹ thuật hay không?Vậy PGS có thể giải thích về điều này?
Tôi xin khẳng định là những người học Hoá học ở khối trường khoa học tự nhiên, đặc biệt là Công nghệ Hóa học vẫn có thể làm tốt các công việc chuyên sâu như sinh viên các trường kỹ thuật. Sở dĩ tôi khẳng định như vậy vì khi sinh viên theo học Hóa học ở khối trường khoa học tự nhiên được đào tạo lý thuyết Hóa học cơ bản và lý thuyết về các quá trình Công nghệ Hóa học rất vững. Bởi vì, kiến thức khoa học cơ bản vững là tiền đề để sáng tạo không những ở trong nghiên cứu khoa học mà còn trong việc phát triển lý thuyết, xây dựng và hoàn thiện các quá trình công nghệ, làm cho các quá trình công nghệ có tính khả thi và đạt hiệu quả cao hơn.
Điểm hạn chế của sinh viên khi học ở các trường khoa học tự nhiên là do thời gian học tập ngắn hơn (4 năm) so với các trường khoa học kỹ thuật (5 năm), vì vậy thời gian thực tập ở các nhà máy xí nghiệp sản xuất để tiếp cận với những dụng cụ máy móc cụ thể là ít.
Theo nhận xét của các nhà tuyển dụng, sinh viên học ở các trường khoa học tự nhiên với kiến thức khoa học cơ bản vững, khi làm việc ở các nhà máy xí nghiệp, họ rất nhanh chóng (khoảng 6 tháng – 1 năm) cập nhật được các máy móc thiết bị và các qui trình sản xuất, khi đó họ làm việc rất sáng tạo và có năng suất cao.
Hiện nay một trong những lĩnh vực Hóa học được rất nhiều thí sinh đặc biệt quan tâm đó ngành Hoá dược, vậy PGS có thể cho biết đôi nét về ngành học này?
Nói một cách ngắn gọn, lĩnh vực Dược có hai nhánh. Một nhánh đào tạo cán bộ nghiên cứu, chế tạo các hợp chất sinh học để làm thuốc tạm gọi là kỹ sư hoặc cử nhân Hóa dược; nhánh kia đào tạo ra Dược sỹ, là cán bộ để bào chế, hướng dẫn sử dụng thuốc.
Thưa PGS, Hiện nay ngoài trường ĐH Khoa học Tự nhiên có đào tạo ngành Hoá dược thì cũng có một số trường khác đào tạo ngành này như ĐH Dược HN, ĐH Bách Khoa. Vậy quá trình đào tạo giữa các trường có gì khác biệt không?
Về nguyên tắc nếu đã gọi là ngành Hoá dược thì dù đào tạo ở trường nào cũng phải có nền kiến thức chung như nhau, chỉ khác nhau về tỷ lệ giữa các khối kiến thức cơ bản và kỹ thuật cụ thể.
Theo tôi được biết thì trước đây trường ĐH Dược Hà Nội đào tạo cả hai nhánh là Dược sỹ và Kỹ sư Hóa dược. Sau đó thì bên Hoá dược ít được đầu tư (đầu tư cho ngành này là rất tốn kém) nên số kỹ sư Hóa dược được đào tạo ít đi, trường chủ yếu đào tạo Dược sỹ.
Còn trường ĐH Bách khoa thì cũng chỉ mới thành lập chuyên ngành Hoá dược trong vài năm trở lại đây thôi.
Đối với trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ngay từ khi thành lập (năm 1956) có rất nhiều chuyên ngành liên quan đến Hóa dược như: Tổng hợp hữu cơ, Hóa sinh hữu cơ, Hóa sinh vô cơ, Hoá học các hợp chất thiên nhiên, nghiên cứu mối liên quan giữa cấu trúc và hoạt tính của các hợp chất có hoạt tính sinh học,… Trong khoảng 150 cán bộ của Khoa Hóa học thì có hơn một nửa gồm rất nhiều Giáo sư, Tiến sĩ làm việc trong lĩnh vực này. Số đề tài dự án lớn trong lĩnh vực này đạt đến con số gần 100.
Tuy nhiên do nhu cầu của xã hội và đầu tư của Nhà nước thì đến nay trường mới xây dựng và đào tạo ngành Hóa dược (sinh viên được cấp bằng cử nhân Hóa dược) gồm 4 chuyên ngành: Dược liệu, Tổng hợp Hóa dược, Sinh tổng hợp Hóa dược, Cấu trúc và hoạt tính của các hợp chất có hoạt tính sinh học.
Như PGS đã phân tích ở trên thì các lĩnh vực về Hoá học rất là phong phú. Vậy khi theo học các ngành về Hoá học nói chung và của trường ĐH Khoa học Tự nhiên nói riêng thì có cần hội tụ những yếu tố nào ?
Khi đã xác định theo học về lĩnh vực Hóa học thì đòi hỏi người học trước hết phải yêu thích môn Hóa học, phải nắm vững kiến thức cả 3 môn tự nhiên Toán, Lý, Hoá.
Theo tôi, điểm khác giữa trường ĐH Khoa học Tự nhiên so với một số trường là ở chỗ chúng tôi rất chú trọng đến việc trang bị cho sinh viên các kiến thức khoa học cơ bản. Chẳng hạn, sinh viên khi theo học các ngành Hóa học (kể các Công nghệ Hóa học và Sư phạm Hóa học) sẽ được trang bị khối kiến thức cơ bản chung về Hóa học rất vững (70/140 tín chỉ).
Hiện nay, Khoa Hóa học chỉ tuyển chung 1 đầu vào cho tất cả các ngành. Toàn bộ khối kiến thức của ngành Hóa học được chia thành 3 Modun: Modun 1 là khối kiến thức cơ bản chung cho tất cả các loại cử nhân Hóa học, Công nghệ Hóa học, Sư phạm Hóa học và Hóa dược (70 tín chỉ). Sau khi học chung xong modun 1 sinh viên sẽ học modun 2 là kiến thức cơ sở của từng ngành (gần 40 tín chỉ) – chuyên sâu của từng ngành. Cuối cùng modun 3 là modun để sinh viên lựa chọn chuyên ngành (06 tín chỉ).
Hiện nay, một thực tế đó là chất lượng đầu vào ở cùng một lĩnh vực nào đó giữa các trường ĐH có sự chênh lệch tương đối lớn, đặc biệt là các ngành Hóa học, PGS đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Đúng là hiện nay chất lượng đầu vào của các trường có sự chênh lệch tương đối lớn. Tuy nhiên theo tôi thì chưa chắc nơi có đầu vào cao thì đầu ra đã cao. Sở dĩ tôi nói như vậy vì chất lượng đầu ra cao hay không còn phụ thuộc vào quá trình đào tạo của từng trường.
Nói chung chất lượng đào tạo phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trước hết nó phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ, phải có thầy giỏi thì mới có cơ sở để đào tạo có chất lượng cao và có nhiều trò giỏi, sau đó là chương trình đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ học tập và nghiên cứu.
Chính vì vậy mà một xu hướng hiện nay được xã hội thừa nhận đó là những trường có truyền thống đào tạo lâu đời, có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm thì thường có chất lượng đầu ra tương đối ổn định.
Chẳng hạn, như trường ĐH Khoa học Tự nhiên, sau khi tốt nghiệp sinh viên rất dễ xin việc và có thu nhập ổn định so với mặt bằng chung.
Hóa học có rất nhiều lĩnh vực, với kinh nghiệm của PGS thì những ngành nào trong tương lai sẽ được coi là “hot”?
Theo tôi với xu hướng xã hội hiện nay thì các ngành Hóa học đều có vẻ “hot”. Tuy nhiên, các ngành Hóa học liên quan đến lĩnh vực: Hóa dược, Hóa học vật liệu (vô cơ và hữu cơ), Hóa sinh, Hóa Môi trường, Hoá thực phẩm có vẻ “hot” hơn.
Xin cảm ơn PGS!
Nguyễn Hùng (Dan tri)
Bình luận (0)