Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giải mã chứng stress trước mùa thi

Tạp Chí Giáo Dục

Trong giai đoạn “văn ôn võ luyện”, stress là vị khách không mời nhưng thường xuyên tự đến. Thường do 3 nguyên nhân:

Một là, thí sinh (TS) không đảm bảo sức khỏe, “pin” cạn nhưng không được “sạc” đầy sẽ khiến thần kinh mệt mỏi dẫn đến tiếp thu kém, gây căng thẳng trong học tập. “Căn bệnh” phổ biến của TS khi ôn luyện là không ngủ đủ giấc, ít vận động cơ thể, hay lạm dụng cà phê và các chất kích thích chỉ để tỉnh táo tạm thời; Hai là ôn tập nhưng không có chiến lược. Nếu chỉ biết có gì học đó, nhắm mắt cố gắng học tới đâu hay tới đó thì hiệu quả không cao; Ba là, cha mẹ quan tâm con cái không đúng cách. Nhiều vị phụ huynh chăm chút cho con từng li từng tí, liên tục hỏi han khiến cho các sĩ tử nhiều khi cảm thấy… phiền phức vì bị quấy rối mất tập trung. Hơn nữa, sự chăm chút quá mức sẽ vô tình ám thị cho con rằng kỳ thi này là một cái gì đó rất ư là ghê gớm.

Ngoài ra, stress có thể khiến TS rơi vào trạng thái trầm cảm. Biểu hiện là mỗi ngày TS đều thể hiện sự sầu muộn, từ chối những nguồn vui vốn có cộng với một số trong các triệu chứng sau: Mất ngủ hoặc ngủ triền miên, kích động hoặc trở nên chậm chạp, mệt mỏi hoặc mất sức, giảm khả năng tập trung.

Để an tâm về kỳ thi sắp tới, TS nên có tầm nhìn thoáng hơn, đừng đặt mục tiêu quá cao. Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường dễ bị stress gấp nhiều lần những người biết chấp nhận rằng mình chưa hoàn hảo. Đừng xem việc thi cử là điều gì quá ghê gớm, cứ xem đống bài kia là một thử thách mà chúng ta cần cố gắng hết sức chứ đừng để tâm trí nghĩ rằng việc học là một món nợ sách đèn. Bên cạnh đó TS cần giữ sự giao tiếp với bạn bè, với người thân trong gia đình, đừng tự nhốt mình hay cách ly với mọi người để học. Họ có thể là những chỗ dựa tinh thần tuyệt vời và “tám” với mọi người cũng là liệu pháp xả stress cực kỳ hiệu quả. Cuối cùng, hãy ngủ nghỉ và ăn uống đủ giấc. Thỉnh thoảng thay món cho não bằng cách đi dạo, chơi thể thao hay vào bếp trổ tài nấu nướng chẳng hạn.

ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

(Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)

Dương Bình (ghi)

Bình luận (0)