Công cụ ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang gây sốt trên toàn cầu, mang đến nhiều kỳ vọng nhưng cũng rất nhiều lo ngại.
ChatGPT nằm trong số những công nghệ được phát triển bởi OpenAI, công ty với nhóm nhà sáng lập trong đó có tỉ phú Elon Musk và có khoản đầu tư từ Microsoft. Theo AP, đây là hệ thống AI thế hệ mới có thể chuyển đổi, tạo văn bản theo nhu cầu, tạo những hình ảnh và đoạn phim mới dựa trên những gì đã học được từ cơ sở dữ liệu khổng lồ về sách kỹ thuật số, bài viết trực tuyến và các phương tiện khác.
Hàng triệu người dùng đã thích thú trải nghiệm công cụ này, dùng nó để viết những bài thơ hay bài hát khác lạ, cố gắng khiến nó phạm lỗi hoặc vì các mục đích thực dụng hơn như soạn thư điện tử. Cùng với đó, tất cả những trải nghiệm trên đang giúp nó trở nên thông minh hơn.
ChatGPT làm được gì mà gây bão toàn cầu?
Theo AFP, Giáo sư Jonathan Choi tại Đại học Luật Minnesota (Mỹ) mới đây đã cho ChatGPT làm một bài thi vốn dành cho sinh viên, gồm 95 câu trắc nghiệm và 12 câu tự luận. Công cụ này đã đạt điểm C+. Nhìn chung, ChatGPT đủ khả năng vượt qua kỳ thi, nhưng vẫn đứng gần cuối lớp trong nhiều môn, và đôi khi chọn cùng lúc nhiều đáp án trong các câu hỏi liên quan toán học.
Một thử nghiệm khác do Giáo sư Christian Terwiesch tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) tiến hành cho thấy chatbot GPT-3, thế hệ trước của ChatGPT, vượt qua kỳ thi cuối của chương trình MBA với mức điểm giữa B- và B.
Công cụ ChatGPT đang thu hút hơn 40 triệu người dùng hằng ngày. AFP
Lợi và hại
Kết quả làm bài tốt đến mức các cơ sở giáo dục cảnh báo công cụ này có thể bị lợi dụng để gian lận, thậm chí cho rằng đây là dấu hiệu cảnh báo thời điểm kết thúc phương pháp giáo dục tại lớp. Giới chức TP.New York (Mỹ) và nhiều nơi khác đã cấm sử dụng ChatGPT trong trường học. Tuy nhiên, Giáo sư Choi cho rằng đây là một công cụ trợ giảng hữu ích. "Với sự phối hợp của con người, những mô hình ngôn ngữ như ChatGPT sẽ rất hữu dụng với các sinh viên luật dự thi hoặc thực tập", ông nhận định.
ChatGPT tỏ ra thận trọng dù trả lời rõ ràng và chính xác những câu hỏi liên quan tác động của AI. Theo BBC, khi được hỏi liệu AI có lấy mất việc viết lách của con người không, ChatGPT nói không và cho biết thêm “những hệ thống AI như tôi có thể giúp người viết bằng cách cung cấp những đề xuất và ý tưởng, nhưng chính con người mới tạo ra sản phẩm sau cùng”. Khi được hỏi về các tác động xã hội từ những công cụ AI, ChatGPT cho rằng điều đó “khó đoán”. Theo AP, khi được hỏi về việc học sinh dùng ChatGPT trong nhà trường, công cụ này đưa ra cảnh báo: “Theo nguyên tắc chung, sẽ không thích hợp nếu dùng ChatGPT hoặc bất cứ công cụ viết tự động nào khác, vì điều đó bị xem là gian lận và không có ích cho học sinh về lâu dài”.
Theo NBC, cũng như các công cụ tương tự, ChatGPT có thể tạo ra những nội dung thuyết phục, nhưng không có nghĩa là nội dung đó có thật hoặc hợp lý. Công cụ này không có nhiều hướng dẫn, ngoài việc cam kết sẽ thừa nhận khi nào bị sai, thách thức những vấn đề thiếu cơ sở và bác bỏ các đề nghị trả lời một cách phản cảm. Theo CEO Sam Altman của OpenAI, sẽ là sai lầm khi dựa vào ứng dụng này cho bất cứ điều gì đó quan trọng ở thời điểm hiện nay. "Chúng tôi còn nhiều điều phải làm về chuẩn hóa và đúng sự thực", ông cho biết.
Bên cạnh những lo ngại về khả năng lạm dụng, từ việc giúp học sinh gian lận cho đến việc viết các mã độc, ChatGPT cũng mang lại kỳ vọng cách mạng hóa nhiều lĩnh vực, kể cả tìm kiếm. Tờ The New York Times đưa tin công cụ này khiến Google báo động "mã đỏ" về lo ngại mất thị phần trong mảng tìm kiếm có doanh thu 149 tỉ USD/năm của mình. Google trước đó hoãn đưa ra sử dụng rộng rãi các công cụ AI như ứng dụng Imagen giúp tạo hình ảnh từ văn bản, với lý do "thách thức về đạo đức".
Theo chuyên gia Carly Kind tại Viện Ada Lovelace (Anh), những công cụ AI như ChatGPT đặt ra nhiều nguy cơ về đạo đức và xã hội. Theo bà, AI có thể duy trì thông tin sai lệch hoặc bị lợi dụng để viết các đơn xin việc, bài luận hoặc đơn xin tài trợ. Ngoài ra còn có những nguy cơ về vi phạm bản quyền và thông tin cá nhân. Tuy nhiên, bà cho rằng công cụ mới cũng có thể "đem lại những lợi ích xã hội thú vị và chưa được biết đến". Theo Bloomberg dẫn nguồn thạo tin, Hãng công nghệ Baidu của Trung Quốc cũng dự định đưa ra một chatbot tương tự như ChatGPT, nhúng vào dịch vụ tìm kiếm chính của mình từ tháng 3.
Theo Khánh An/TNO
Bình luận (0)