Từng làm việc nhiều năm tại Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng có nhiều công trình nghiên cứu về phong tục tập quán, văn hóa dân gian Nam bộ. Trong bài viết này, ông sẽ giải mã điệu múa hẩu và hình ảnh kỳ lân bằng góc nhìn rất thú vị của mình.
Hai điều cấm kỵ trong múa hẩu
Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng đã xuất bản nhiều đầu sách về phong tục tập quán, văn hóa dân gian Nam bộ như: Nghìn năm bia miệng – Sự tích và giai thoại dân gian Nam Bộ, Câu chuyện văn hóa, Thần Đất – ông Địa và thần Tài, Khảo luận về tết, Đồng dao và trò chơi truyền thống…
Theo ông, múa hẩu là điệu múa trong văn hóa của người Hoa Phúc Kiến ở Bình Dương, gắn liền với tín ngưỡng thờ Huyền Thiên Thượng Đế. Hàng năm vào ngày 25-2 (âm lịch), người dân sẽ tiến hành nghi lễ vía Đức Huyền Thiên Thượng Đế và múa hẩu sẽ được diễn ra trong những ngày lễ này.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giải thích, hẩu là vật cưỡi của các vị Bồ Tát, có người gọi là sư tử, có người lại gọi là hẩu, nhưng phổ biến nhất là tên gọi sư tử hẩu. Theo đó, mặt con hẩu thường được làm bằng cái sàng hay cái nia có đường kính khoảng 6 tấc. Trên mặt hẩu, nghệ nhân đắp mắt mũi. Phần thân hẩu được làm từ một khúc vải dài và nối liền với mặt hẩu qua vành nia. Khi múa, một người cầm mặt hẩu và người còn lại quấn vạt vải thân hẩu vào sau chân mình rồi thực hiện động tác nhảy múa theo nhịp nhạc.
Ở Bình Dương, cộng đồng người Hoa Phúc Kiến cư trú ở 4 địa phương gồm Bà Lụa, Búng, Lái Thiêu, Tân Phước Khánh. Mỗi nơi có một đền thờ Huyền Thiên Thượng Đế cùng các vị thần khác của người Hoa Phúc Kiến. Mỗi năm, người Hoa Phúc Kiến tổ chức lễ cúng các vị thần bảo hộ ở một nơi, luân phiên tại 4 địa phương trên. Trong lễ cúng, người dân sẽ rước kiệu tượng thần về tiến hành làm lễ. Khi diễu hành rước kiệu tượng thần thì có linh vật hẩu dẫn đường. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết thêm: “Họ đi quanh tất cả cộng đồng người Hoa Phúc Kiến để dùng thế lực của thần linh và linh vật hẩu nhằm thị uy, đánh đuổi những cái xấu xa, để cộng đồng được an lành. Do đó, chức năng của hẩu là để thị uy trừ tà”.
Múa hẩu có hai điều cấm kỵ. Một là không được phép ngửa mặt hẩu lên trời vì hành động này được cho là thách thức với các vị thần thánh trên cao, vi phạm nghi lễ. Hai là người múa hẩu không được leo trèo. Khác với hẩu, lân có thể leo trèo để lấy lộc nhưng hẩu thì tuyệt đối ở dưới đất.
Với những nét đặc trưng về mặt ý nghĩa, múa hẩu đã và đang giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người Hoa Phúc Kiến ở Bình Dương, góp phần làm phong phú thêm bức tranh lễ hội của Nam bộ.
Hình ảnh kỳ lân trong văn hóa dân gian Việt Nam
Múa lân là hình thức nghệ thuật truyền thống phổ biến trong các dịp lễ hội và là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.
Trong văn hóa tâm linh của người Việt xưa cũng như của nhiều dân tộc châu Á, lân – sư – rồng biểu trưng cho chính nghĩa với sức mạnh phi thường, đủ sức trấn áp những điều xấu, vận rủi… Từ một loại hình nghệ thuật dân gian được cho là xuất hiện đầu tiên từ thế kỷ III tại Trung Hoa, múa lân sư rồng dần dần trở thành hoạt động văn hóa khá phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Tây Tạng, Indonesia, Malaysia, Triều Tiên… Tại Việt Nam, từ bao đời nay, múa lân sư rồng đã được xem là một bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc và hiện vẫn được duy trì phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh thành trong cả nước.
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, lân là một linh vật không có thật nhưng mang điềm lành, báo hiệu “thiên hạ thái bình” hoặc có thánh nhân ra đời. Do đó, giai thoại về Đức Khổng Tử tương truyền khi vị thánh nhân này viết kinh Xuân Thu thì người dân bắt được một con lân què chân ngoài đồng. Khi ấy, Đức Khổng Tử than rằng, đạo của ông đến lúc cùng, không còn phát triển, bèn chấm dứt quyển kinh Xuân Thu từ đó. Về sau, kinh Xuân Thu còn được gọi là Lân kinh.
Ông cho biết thêm, lân là một biểu tượng cổ đại. Trong tâm thức cổ đại, kỳ – lân, phụng – hoàng, là cặp đôi lưỡng thể, có ý nghĩa vũ trụ. Đây là biểu tượng cho tính toàn thể thống nhất, chứa đựng cả hai yếu tố âm dương. Đời sau, các cặp đôi lưỡng thể phân biệt ra âm – dương, đực – cái, chẳng hạn như kỳ lân thì “kỳ” là con đực, “lân” là con cái, đối với phụng hoàng thì “phụng” là con mái, “hoàng” là con trống.
Ngày nay ngoài múa lân còn có cả múa sư tử. Với cộng đồng người Hoa, đoàn múa thường kết hợp múa lân sư tử hay lân – sư – rồng và họ đội lốt linh vật bằng lông, không phải bằng giấy. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết múa sư tử có xuất xứ và ý nghĩa khác so với múa lân.
Bởi trước đó, sư tử là loài vật không có ở Trung Quốc mà chỉ tồn tại ở các quốc gia như Ấn Độ, châu Phi hay phương Tây và được xem là vua của muôn loài. Phải đến thời hậu Hán khi các nước Tây Vực tặng cho vua Hán hai con sư tử thì người dân Trung Quốc mới tận mắt nhìn thấy loài vật này. Từ đó, sư tử trở thành biểu tượng của quyền lực và sự mạnh mẽ, được tôn sùng trong văn hóa tín ngưỡng nghệ thuật của Trung Quốc.
Được biết, vào tháng 6-2022, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động.
Sau gần 10 tháng, Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam lần đầu tiên được ra mắt với sự ủng hộ của trên 140 tổ chức doanh nghiệp, cá nhân cùng đông đảo những người yêu mến lân sư rồng trên cả nước.
Không chỉ cam kết dồn hết tâm huyết cho việc phát triển lân sư rồng trong nước cũng như trên đấu trường quốc tế, Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam và các ban ngành liên quan còn đang xúc tiến việc đề nghị UNESCO công nhận múa lân sư rồng là di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)