Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giải mã kỳ án: Lật tẩy trang hợp đồng ma mãnh

Tạp Chí Giáo Dục

Phân viện Khoa học hình sự phía nam (C54B) – Bộ Công an đã sử dụng các kỹ thuật nghiệp vụ, phân tích, đánh giá để lật tẩy thủ đoạn in thêm nội dung vào bản hợp đồng nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Hết yêu đòi bồi thường 10 tỉ đồng
Tháng 5.2016, TAND TP.Bạc Liêu đề nghị C54B trưng cầu giám định một hợp đồng cho thuê mặt bằng của ông N.X.P (chủ tịch HĐQT một công ty) với bà V.H.N (34 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) nhằm xác định hợp đồng này có bị chèn thêm nội dung để có lợi cho bà N. hay không?
Theo trình bày của ông P. tại tòa, ông P. và bà N. từng có quan hệ tình cảm với nhau. Sau một thời gian, bà N. ngỏ ý thuê mặt bằng của công ty ông P. để làm ăn. Thấy người tình có nhiều tham vọng và ý tưởng trong chuyện kinh doanh, ông P. quyết định làm một bản hợp đồng cho có để hợp lý hóa thủ tục ở công ty của mình để bà N. thuê.
Con dấu giáp lai ở tờ A4 cuối cùng trong hợp đồng ông P. (trái) và bà N. bị lệch /// Ảnh: Ngọc Lê
Con dấu giáp lai ở tờ A4 cuối cùng trong hợp đồng ông P. (trái) và bà N. bị lệch – Ảnh: Ngọc Lê

Hợp đồng ban đầu không có nội dung ràng buộc về pháp lý, đơn thuần là công ty ông P. cho bà N. thuê 33 ki ốt và mặt bằng nhà gỗ lưu niệm tổng cộng hơn 1.000 m2 ở một khu du lịch. Giá thuê mặt bằng là 20 triệu đồng/tháng trong 5 năm đầu tiên, 15 năm tiếp theo nếu tiếp tục thuê sẽ tăng giá 15%, hợp đồng 20 năm từ năm 2014 đến 2034…
Tuy nhiên, do cãi nhau, bất đồng quan điểm trong chuyện tình cảm, bà N. mở lời đề nghị chấm dứt tình yêu với ông P. Tức giận, ông P. đòi chấm dứt hợp đồng, lúc này bà N. đề nghị ông P. bồi thường 10 tỉ đồng và nhiều khoản bồi thường khác. Bà N. còn nói ông P. phải trả 200 triệu đồng/năm trong 20 năm tiền chênh lệch như bản hợp đồng nêu rõ. Ông P. ngã ngửa không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình.
Tìm ra sự thật
Một cán bộ C54B kể lại, hợp đồng này được lập làm 2 bản, nhưng vì lúc đó ông P. và bà N. có quan hệ tình cảm nên ông P. rất tin tưởng bà N., giao hết hợp đồng cho bà này cất giữ. Đòi lại được 1 bản hợp đồng cho thuê mặt bằng, cầm trên tay, ông P. tá hỏa khi phát hiện nội dung bản hợp đồng không còn như ban đầu!

Mâu thuẫn của hai người đi đến đỉnh điểm, không thể giải quyết được bằng lời nói, cuối năm 2015, ông P. quyết định viết đơn kiện bà N. gửi lên TAND TP.Bạc Liêu. Khi tòa án mời hai người lên làm việc, bà N. một mực khẳng định đó là bản hợp đồng gốc, có chữ ký của ông P. con dấu của công ty ông P. Nhưng ông P. tố rằng bản hợp đồng này chỉ có 4 tờ, mỗi tờ in một mặt nhưng bà N. đã in thêm nội dung ở 3 mặt sau của bản hợp đồng theo hướng có lợi cho bà N., bất lợi cho ông P.
Một cán bộ C54B kể lại: “Lúc cầm hồ sơ vụ việc cũng như 2 bản hợp đồng thì các cán bộ vẫn chưa xác định được hợp đồng là thật hay giả bởi nhìn bằng mắt thường không ai có thể nhận ra được. Xem qua hợp đồng thì chữ ký của ông P. là thật, còn có chữ ký nháy ở các tờ, có con dấu của công ty ông P. đóng giáp lai. Mặt trước và mặt sau của các tờ trong bản hợp đồng có nội dung rất logic, gắn liền với nhau khiến nếu không phải người trong cuộc thì khó phân biệt thật, giả. Chỉ có một vấn đề là khi đọc nội dung trong hợp đồng này thì đa số bất lợi cho ông P., kiểu vô lý”.
Sau thời gian giám định, phân tích, đánh giá toàn bộ nội dung vụ việc với quyết tâm tìm ra chân tướng sự thật, tháng 8.2016, các cán bộ C54B có kết luận giám định, xác định bản hợp đồng này một nửa là thật, còn một nửa là giả. Cụ thể, bản hợp đồng gốc có 4 tờ, mỗi tờ A4 chỉ có mặt phía trước là thật còn mặt sau của 3 tờ đầu tiên được “người khác” – nghi là bà N. gõ thêm nội dung mới, in thêm vào bản hợp đồng. Kết quả thấy rõ các chữ ở mặt trước và mặt sau không cùng phông chữ, không cùng mực in và 2 mặt của mỗi tờ được in khác loại máy in.
Điều đáng chú ý, trong hợp đồng có tổng cộng 4 tờ A4, các cán bộ C54B còn chứng minh được chỉ có 3 tờ A4 cùng một con dấu giáp lai là con dấu của công ty ông P., riêng tờ A4 cuối cùng trong bản hợp đồng bị lệch con dấu giáp lai. “Khi các cán bộ C54 đề nghị Tòa án TP.Bạc Liêu cung cấp thêm bản hợp đồng do bà N. đang giữ thì thấy bản hợp đồng của bà N. cũng bị lệch dấu giáp lai ở tờ A4 cuối cùng. Các cán bộ liền lấy 2 tờ A4 bị lệch con dấu tráo đổi thử cho nhau thì lúc này mới đúng là hợp đồng gốc như ban đầu”, cán bộ C54B kể lại.
Sau khi có kết quả giám định này, bà N. mới chịu thừa nhận trước tòa rằng trong quá trình in thêm nội dung ở các mặt sau trong 4 tờ hợp đồng thì khi bấm lại bà N. đã bấm nhầm tờ cuối cùng với nhau, bản hợp đồng chỉ có mặt phía trước là đúng với bản gốc, còn mặt sau bà N. đã tự nghĩ ra và in thêm để có lợi cho mình.

Ngọc Lê (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)