Những ngôi nhà siêu 'tí hon' chỉ vài ba mét vuông nép mình cạnh các tòa cao ốc giữa trung tâm thành phố phồn hoa. Nơi đó, có những gia đình ba thế hệ quây quần bên nhau một cách kỳ diệu.
Ba thế hệ trong một nhà
Con hẻm 165 Cống Quỳnh (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) dài ngoằn ngoèo là nơi của hàng chục ngôi nhà "tí hon" rộng chỉ 4 – 8m2 nằm san sát bên nhau. Hầu hết đều có hình hộp diêm chỉ một cổng đủ một người
|
bước vào. Nơi đây, mỗi ngày tìm chút nắng, luồng gió mát cũng khó.
Trong đó, nhà của ông Hồ Văn Ngọ (63 tuổi, ngụ 165/14A Cống Quỳnh) được xem là nhỏ nhất, vỏn vẹn 6m2, nhưng đến hơn 10 người thuộc ba thế hệ cùng ở.
Mọi sinh hoạt chật chội, làm gì cũng chạm mặt nhau. Vật dụng và đồ dùng sử dụng trong nhà được chọn cũng nhỏ, xếp đều vào các góc tường. Giữa nhà là nơi sinh hoạt, nấu ăn và cũng là chỗ mọi thành viên cùng chợp mắt mỗi tối.
Ông Ngọ là người gốc Campuchia. Trong những năm 1968, người dân Campuchia dính phải nạn diệt chủng của Pol Pot. Cả làng trong đó có gia đình ông bị sát hại. Riêng ông bỏ chạy được và vượt biên sang Việt Nam làm đủ thứ nghề ở chợ Cổ Cò (Sóc Trăng) để lánh nạn.
Sau 1975, ông lưu lạc lên Sài Gòn làm bốc vác ở chợ Cầu Muối và gặp bà Lê Thị Bạch (61 tuổi, vợ của ông hiện giờ) người con gái bán cá ở chợ, gốc Sài Gòn. Hai người tìm hiểu và đến với nhau.
Sau nhiều năm tích góp, hai vợ chồng mua mảnh đất nhỏ rộng 6m2 đất ở P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1), cất nhà, cùng con cái ở đến bây giờ.
Khi mới cất, căn nhà cũng nhỏ như vậy nhưng từ mái đến tường đều lợp bằng lá dừa nước. Ngày mưa nước giọt lỗ chỗ, phải lấy thau hứng khắp nơi. Sau này, nhà mới được xây lại bằng tường gạch và lợp tôn.
“Con cái dù đã lớn nhưng công việc khó khăn, chưa thể mua nhà riêng nên ban ngày đi làm, tối về cùng nhau quây quần và nằm sắp lớp bên nhau ngủ. Cả gia đình từ vợ chồng, con cái đến cháu cũng 14 người. Mọi sinh hoạt đều chật chội, nhưng lâu ngày cũng quen. Những hôm trời nóng, mấy đứa con phải ra ngoài thuê trọ ở qua đêm đến sáng về đi làm”, ông Ngọ chia sẻ.
Cách đó không xa là nhà bà Nguyễn Thị Màu, chỉ 6m2, là nơi tá túc của bà và con cháu hơn 7 thành viên. Bà cho biết, con cháu ban ngày đều đi làm và học, tối mới về. Xe máy mỗi đứa một chiếc nhưng phải gửi ở bãi xe ngoài mặt đường Cống Quỳnh, mỗi tháng gần 1 triệu đồng. Dù có tiền nhưng gia đình muốn mua một cái tủ lạnh, máy giặt, tivi lớn cũng khó vì không còn chỗ để.
“Mấy đứa nói cố gắng làm việc, để mua một căn hộ hay nhà rồi ra riêng nhưng giá địa ốc giờ mắc quá, không có khả năng, nên tạm thời cứ sống vậy. Những hôm trời nóng quá, tui phải ra đầu hẻm ngồi chơi đến khuya mới về ngủ, để cho mấy đứa nhỏ sinh hoạt”, bà Màu nói.
Ngủ phải xếp lớp
Nằm khuất sâu trong con hẻm 360 Nguyễn Thị Minh Khai (P.5, Q.3) là căn nhà siêu nhỏ chỉ rộng 1,2m và dài 2,2m của chị Nguyễn Thị Dung (37 tuổi). Căn nhà chật chội với một gác lửng hiện là nơi tá túc của 6 mẹ con.
Hằng ngày, từ tờ mờ sáng chị phải rời nhà đến một quán cơm đầu hẻm tất bật dọn dẹp và rửa chén. Tối đến lại đi làm tạp vụ tại quán nhậu, mỗi ngày thu nhập gần 200.000 đồng về lo 6 đứa con đang tuổi ăn học. Đứa lớn nhất hiện học lớp 12 và đứa nhỏ đang học lớp 4.
Chị Dung cho biết, trước đây chị ở với cha mẹ trong một căn nhà rộng lớn ở khu vực này. Tuy nhiên, gia đình gặp khó khăn nên phải bán căn nhà lớn, chỉ chừa lại một cái kho chứa đồ. Do thiếu chỗ ở, chị tận dụng cái kho này và xây lên căn nhà nhỏ chỉ rộng 4m2 để mấy mẹ con sống qua ngày.
“Nói là xây nhưng thực chất chỉ có vài mảnh tôn ghép tạm để ở, trời mưa nước giọt và ngập, mấy mẹ con phải đi ở nhờ. Cách đây 3 năm, chính quyền hỗ trợ xây lại và lắp cánh cửa, tô tường, lắp la phông nên chỗ ở cũng gọn gàng và ổn định hơn. Mỗi ngày tôi chỉ nấu một bữa sáng, buổi trưa mấy đứa con ra chỗ chị làm trước đầu hẻm ăn cơm và tối ăn mì gói”, chị Dung chia sẻ.
Nhà nhỏ nên sinh hoạt gì cũng khó. Chị Dung kể, những hôm nấu ăn xong, con cái đông nhưng nhà nhỏ nên không thể dọn ra ngồi cùng một chỗ mà phải xúc cơm mỗi đứa một tô bưng đi từ trong nhà ra tới ngoài hẻm. Đứa nào hết thì vào xúc tiếp. Đến chỗ ngủ cũng phải chia nhau và xếp lớp nằm.
Nhà vệ sinh quá nhỏ, mỗi sáng chị phải chia thời gian cho các con ra vào lần lượt theo thứ tự để đảm bảo giờ đến trường vào lớp. Qua thời gian dài sinh hoạt nên các con cũng giữ được thói quen, không xảy ra lộn xộn.
“Dù nghèo khổ nhưng tôi cũng luôn cố gắng hết sức đi làm để nuôi các con ăn học đầy đủ để sau này có con chữ đi ra với xã hội. Thành thử đứa nào tôi cũng ép học, dù có thiếu cũng phải tìm mọi cách lo tiền cho con. Cha mẹ đã khổ rồi, nên không muốn con cái bị thua bạn bè trang lứa”, chị Dung nói.
An Huy (TNO)
Bình luận (0)