Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giải ngân vốn ODA: Chưa như kỳ vọng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong hai ngày 8 và 9-6, Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sẽ được tổ chức tại TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh). Theo thông lệ, tiến độ giải ngân và hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) luôn là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu tại hội nghị.
Nguồn lực quan trọng
Năm 2011, trong bối cảnh Việt Nam phải cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát, nguồn vốn ODA với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay kéo dài càng được coi là nguồn lực quan trọng để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việt Nam hiện có 51 nhà tài trợ, trong đó có 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương, đóng góp khoảng 3-4% GDP của Việt Nam trong thời kỳ 2006-2010.
Những năm gần đây, lượng vốn ODA cam kết năm sau đều cao hơn năm trước, lên tới khoảng 8 tỷ USD mỗi năm, thể hiện sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào khả năng phát triển (và trả nợ) của Việt Nam.

Đường Võ Văn Kiệt, công trình sử dụng vốn ODA, góp phần phát triển kinh tế xã hội TPHCM. Ảnh: THANH TÂM

Vốn ODA ký kết trong 5 tháng đầu năm nay cũng tăng rất cao. Tổng số vốn ODA ký kết thông qua các hiệp định đã đạt trên 1,66 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Diễn đàn Hiệu quả viện trợ (AEF) lần thứ 3 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh khẳng định: “Cùng với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và Kế hoạch 5 năm, việc hoàn thiện chính sách, thể chế về ODA thông qua việc xây dựng Đề án Định hướng thu hút sử dụng, quản lý nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của nhà tài trợ thời kỳ 2011-2015 cũng như nghiên cứu thay thế Nghị định 131/2006/NĐ-CP về quản lý, sử dụng ODA là yêu cầu bức thiết”.
Cũng như đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, không phải con số cam kết mà số vốn giải ngân mới cho thấy hiệu quả thực sự của nguồn vốn này trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Trong hai năm 2009-2010, giải ngân vốn ODA đều ở mức cao (3 – 4 tỷ USD/năm), thể hiện nỗ lực lớn của Việt Nam cũng như của các nhà tài trợ, nếu như so sánh với nhiều năm trước đó.
Trong 5 tháng đầu năm 2011, ước tính tổng giá trị giải ngân vốn ODA đạt 1,26 tỷ USD, bằng 52,5% kế hoạch giải ngân của cả năm. Năm 2010, các số liệu tương ứng là 844 triệu USD và 35% kế hoạch năm. Theo Bộ KH – ĐT, có khả năng vốn ODA giải ngân sẽ đạt khoảng 1,35 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2011, bằng 56,25% kế hoạch cả năm.
Điều phối chưa hợp lý
Tuy nhiên, nếu “bóc tách” các khoản giải ngân nhanh thì thực tế, tốc độ giải ngân vốn ODA chưa được cải thiện như mong muốn. Theo ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong tổng số 6 tỷ USD vốn ODA mà ADB cam kết dành cho Việt Nam mới chỉ có 1 tỷ USD được giải ngân. Không chỉ có vậy, nhiều dự án ODA triển khai khá chậm. Có dự án theo dự kiến ban đầu sẽ được triển khai trong khoảng 5 năm nhưng trên thực tế phải mất đến 10 năm mới hoàn thành.
Suốt 2 năm gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB), nhà tài trợ đa phương lớn nhất của Việt Nam thường xuyên phải phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam tổ chức các phiên thảo luận, các chương trình giám sát… để đẩy nhanh tiến độ 10 dự án “rùa”.
Về phía mình, ngay trước thềm Hội nghị CG, nhiều nhà tài trợ đã thẳng thắn chỉ rõ, tuy đã có sự phân công nhất định giữa các nhà tài trợ về lĩnh vực và địa bàn tài trợ, song chưa mang tính hệ thống và trong một số trường hợp vẫn tồn tại nghịch lý “vừa chồng chéo vừa dàn trải”.
Đơn cử, trong giai đoạn 2006-2010 có tới 64% vốn tài trợ chảy vào ngành giao thông vận tải nhưng giao thông đường thủy nội địa (ở một đất nước nhiều sông ngòi, chi phí rẻ) lại không nhận được khoản tài trợ nào đáng kể. Một nghịch lý khác là những vùng miền khó khăn như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc lại nhận được ít vốn ODA nhất trong cả thời kỳ 1993-2010.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, nhận định, để nâng cao hiệu quả vốn viện trợ, cần có những chương trình tổng hợp thống nhất, đi kèm với việc điều phối hợp lý hơn, làm sao để tận dụng thế mạnh riêng của từng nhà tài trợ. Về phía Chính phủ Việt Nam, để đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, “các bạn cần đảm bảo rằng, các dự án nhận tài trợ khi gửi lên Ban giám đốc của chúng tôi phê duyệt phải ở trạng thái có thể chuyển sang giai đoạn thực hiện ngay” – bà Victoria Kwakwa khuyến nghị.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án, một vấn đề nữa là năng lực quản lý dự án của các địa phương còn hạn chế. Do đó, giải pháp quan trọng là tăng cường năng lực cho các các cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường tính liên thông giữa trung ương và địa phương.
ANH THƯ / SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)