Khá nhiều loại nước ngọt có gas chỉ dễ gây viêm họng, háo nước chứ khó giải nhiệt bởi thường chứa một hàm lượng cafein vừa gây kích thích vừa gây lợi tiểu
Bình thường, ngoài lượng nước được bổ sung qua thức ăn thì một người lớn trung bình cần ít nhất 1-1,5 lít nước/ngày. Với thời tiết nóng bức như những ngày qua thì lượng nước bình quân cho nhu cầu mỗi người phải tăng 2-3 lít/ngày khiến chúng ta phải nghĩ đến các thức uống để giải nhiệt. Tuy nhiên, cần chú ý để bảo đảm vừa giải được nhiệt vừa an toàn cho sức khỏe.
Nước ép trái cây tươi rất tốt cho sức khỏe – Ảnh: Hồng Thúy
Không phải nước đá mau hạ nhiệt
Nhiều người có thói quen uống món gì cũng cho thêm nước đá vào vì nghĩ sẽ mau hạ nhiệt. Thói quen này hoàn toàn không tốt vì cơ thể sẽ có những phản ứng sai do cảm giác tức thời khi sử dụng nước đá hoặc nước quá lạnh, hệ thống điều khiển của cơ thể bị hiểu sai và tự động co mạch làm hạn chế khả năng giải nhiệt nên cơ thể sẽ càng nóng hơn chứ không hạ nhiệt.
Nước đá cũng chứa rất nhiều nguy cơ gây rối loạn hệ tiêu hóa, viêm họng, viêm bàng quang… nếu được sản xuất hay chứa đựng không hợp vệ sinh.
Đang mệt chớ uống nước dừa
Giải khát với nước dừa cũng là cách thường được nhiều người lựa chọn. Do tính bình, không độc lại giàu các chất khoáng, nước dừa có tác dụng trừ tiêu chảy, giải nhiệt độc. Tuy vậy, nước dừa có nhiều thấp khí nên sẽ gây trở ngại cho hoạt động của tạng tì.
Đó là lý do vì sao khi đang ho suyễn, vừa mới đi ngoài trời nắng, lúc cơ thể suy yếu, đói, mệt, sốt, ớn lạnh… và những người thuộc chứng âm hư (người nặng nề, ăn ít, da xanh tái, tay chân lạnh, dễ bị tiêu chảy, tay chân bải hoải…) thì không nên dùng. Ngay với người khỏe mạnh cũng không nên uống quá nhiều nước dừa vì sẽ gây rối loạn chức năng hoạt động bình thường của cơ thể.
Nước ngọt có gas dễ gây mất nước
Các loại nước ngọt có gas ướp lạnh được rất nhiều người sử dụng vì cảm giác mang lại có vẻ rất dễ chịu. Thực tế, nhiều loại nước có gas uống vào chỉ dễ gây viêm họng, háo nước chứ khó có thể gọi là giải khát bởi trong nước ngọt có gas thường chứa một hàm lượng cafein vừa gây kích thích vừa gây lợi tiểu khiến cơ thể dễ mất nước khi uống nhiều. Nước ngọt có gas còn chứa nhiều đường hoa quả nên nếu uống nhiều sẽ không tốt cho cơ thể, nhất là những người bị bệnh đái tháo đường.
Các loại nước sâm chế biến sẵn bày bán dọc đường có thể sẽ không an toàn cho sức khỏe vì nguy cơ nhiễm khuẩn cao lại thường được người bán sử dụng hóa chất tạo màu, mùi, vị, đường hóa học… Các loại nước sương sâm, sương sáo, hạt é, đười ươi chỉ nên dùng với ít đường hoặc không đường.
Nước trái cây ép mới nhiều dinh dưỡng
Nếu chịu khó, chúng ta có thể tự chế biến nhiều loại nước uống giải nhiệt cho gia đình, vừa ngon, rẻ vừa an toàn cho sức khỏe. Trà xanh là thức uống giải nhiệt rất tốt. Nước trái cây (cam, chanh, dưa hấu, bưởi, thơm, thanh long…) cũng là những lựa chọn tuyệt vời vì vừa giúp giải nhiệt vừa cung cấp các vitamin thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, lưu ý là chỉ có nước trái cây ép mới có nhiều chất dinh dưỡng chứ nước giải khát hương trái cây thì hầu như không có giá trị gì.
Trộn chung hoa cúc, hoa sen và hoa lài rồi ngâm với nước nóng, để nguội, uống mỗi ngày cũng rất có tác dụng giải nhiệt; dùng quả mơ ngâm với nước nóng và đường cát, để 10 phút rồi uống vừa thanh nhiệt, giải độc lại chống ho và tiêu chảy. Nước nấu từ rễ cỏ tranh, mía lau, khổ qua, trộn chung để uống cũng có tác dụng mát gan, giải nhiệt.
|
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)