Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giải Oscar 2022: Phim gia đình lên ngôi

Tạp Chí Giáo Dục

Phim "Drive my car" của đạo diễn người Nhật Bản Ryusuke Hamaguchi đoạt giải Oscar hạng mục Phim quốc tế xuất sắc nhất là phần thưởng lớn dành cho điện ảnh châu Á

Tại lễ trao Giải Oscar lần thứ 94 – 2022 diễn ra tại Nhà hát Dolby ở TP Los Angeles, bang California – Mỹ hôm 27-3, phim "CODA" ("Giai điệu con tim") đã thắng ở hạng mục Phim xuất sắc nhất. Kết quả này mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả theo dõi cuộc đua Oscar năm nay bởi ngay từ đầu, "CODA" không phải là ứng viên nổi bật nhất.

Thông điệp từ "CODA"

Trong 10 tác phẩm có tên ở hạng mục Phim xuất sắc nhất, "CODA" nhận ít đề cử nhất nhưng thắng 3/3 đề cử. Trước khi được phát hành rộng rãi, "CODA" có màn ra mắt ấn tượng tại Liên hoan Phim độc lập Sundance hồi tháng 1 năm nay, thắng 4 giải, trong đó có "Đạo diễn xuất sắc" và "Giải thưởng lớn của ban giám khảo" cho hạng mục Chính kịch Mỹ. 

Nhà sản xuất cảm ơn Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) vì đã chọn tôn vinh một bộ phim nhẹ nhàng, có chủ đề gia đình trong bối cảnh thế giới có không ít diễn biến phức tạp.

Giải Oscar 2022: Phim gia đình lên ngôi - Ảnh 1.

Từ trái qua: Ê-kíp phim “CODA”, nữ đạo diễn Jane Campion, nữ diễn viên Jessica Chastain và nam diễn viên Will Smith. Ảnh: Reuters

Chiến thắng của "CODA" càng củng cố nhận định "dòng phim gia đình lên ngôi" ở thị trường điện ảnh khắp thế giới. Điều này thật ra không mới khi phim gia đình luôn chiếm tỉ lệ lớn trong lựa chọn của nhiều nhà làm phim. Thế nhưng, chủ đề phim gia đình sẽ chẳng bao giờ cũ khi mạch cảm xúc của những phim này luôn có sức thuyết phục lớn đối với người xem. "CODA" là một ví dụ điển hình.

Tên phim "CODA" là từ viết tắt của "Child Of Deaf Adults" – nói về đứa trẻ bình thường được nuôi dạy trong gia đình người khiếm thính. Trong phim, nhân vật này là Ruby Rossi – một thiếu nữ 17 tuổi. Bộ phim kể về một gia đình khiếm thính nhưng trọng tâm không phải là nỗi khổ của người khuyết tật mà là tâm tư của người duy nhất có thể nghe nói bình thường trong gia đình ấy. Bốn thành viên gia đình không thể nghe giọng nói của nhau nhưng tình cảm chưa bao giờ phai nhạt.

Ngoài Rossi, các thành viên khác trong gia đình đều có không gian để tỏa sáng. Dù khiếm thính, họ luôn mỉm cười với cuộc sống, toát ra năng lượng tích cực. Cha Frank (Troy Kotsur) và mẹ Jackie (Marlee Matlin) thuộc mẫu phụ huynh hiện đại. Cả hai không ngăn cấm mà còn ủng hộ con gái quen bạn trai, theo đuổi ca hát. Anh trai Leo (Daniel Durant) bề ngoài lạnh lùng nhưng rất thương em, không muốn Rossi hy sinh tuổi trẻ vì mọi người. Gia đình nghĩa là "lắng nghe" nhau, đó chính là thông điệp "CODA" gửi đến người xem.

Giải thưởng cho người xứng đáng

Hình ảnh vừa như găng-tơ vừa dạt dào cảm xúc nghệ sĩ của tài tử Will Smith tạo nhiều tranh cãi và hứng thú cho khán giả. Cầm tượng vàng Oscar trên tay, Will Smith nói: "Tôi hành xử như một ông bố điên rồ giống Richard Williams trong phim. Tình yêu sẽ khiến bạn làm những điều điên rồ". Ông kết thúc bài phát biểu với câu đùa rằng hy vọng AMPAS sẽ mời mình trở lại trong các sự kiện tiếp theo.

Trong khi đó, Jessica Chastain được gọi tên ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn trong phim "The Eyes of Tammy Faye". Nhà làm phim New Zealand Jane Campion đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất nhờ tác phẩm "The Power of the Dog". Bà là người phụ nữ đầu tiên 2 lần được đề cử tại hạng mục này – lần đề cử đầu tiên là với phim "The Piano" năm 1994 nhưng không chiến thắng mà đoạt giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất. 

Trên sân khấu, nữ đạo diễn sinh năm 1954 cảm ơn nhà sản xuất, AMPAS và nhà văn Thomas Savage – tác giả cuốn tiểu thuyết truyền cảm hứng cho bộ phim. Việc Jane Campion thắng giải Oscar thứ 2 là sự kiện truyền cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là những phụ nữ chọn phim trường là nhà, chọn công việc mà trước đây dường như chỉ dành cho nam giới.

Đại diện đến từ châu Á, "Drive my car" của đạo diễn người Nhật Bản Ryusuke Hamaguchi không giành chiến thắng ấn tượng như mong đợi. Dù vậy, tượng Oscar "Phim quốc tế xuất sắc nhất" cũng là phần thưởng lớn dành cho điện ảnh châu Á. 

Thông điệp chính của phim là sự giải thoát cho tâm trí bị đè nặng bởi những mất mát, tổn thương vốn đã khóa chặt từ quá khứ. Nhân vật Kafuku được xây dựng với hình ảnh từ tốn, nhẹ nhàng và tử tế. Anh chưa nổi giận với bất kỳ ai, lịch thiệp với cả những người liên quan đến mất mát của mình. Thế nhưng, ẩn sau vẻ bề ngoài mà anh cố gắng duy trì là một tâm trí ngổn ngang.

"Drive my car" được chiếu ra mắt tại Liên hoan Phim Cannes 2021, nhận giải Kịch bản xuất sắc. Tác phẩm tiếp tục thắng giải Phim nước ngoài hay nhất tại Giải Quả cầu vàng 2021. Riêng tại Giải Oscar năm nay, phim nhận 4 đề cử gồm Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và Phim quốc tế xuất sắc nhất. 

Giải Oscar lần thứ 94 – 2022 để lại nhiều nuối tiếc cho người hâm mộ nữ diễn viên Kristen Stewart. Khi Jessica Chastain ôm mặt nức nở không tin vào tai mình khi được gọi tên ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thì đó cũng là lúc Kristen Stewart đánh mất cơ hội được tôn vinh. Vai diễn công nương Diana trong bộ phim “Spencer” được đánh giá là bước ngoặt trong sự nghiệp của cô.

Chính Stewart cho biết cô có những xúc cảm lạ thường khi đảm nhận vai này. Nữ diễn viên này cũng luôn tự hỏi liệu công nương Diana quá cố có thể nhìn thấy mình đang hóa thân thành bà trong bộ phim điện ảnh mới này hay không.

Theo Thùy Trang/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)