Muốn đạt kết quả tốt, người học phải chủ động, tự chủ không cần đợi nhắc nhở. Ảnh: Anh Khôi |
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục ở các bậc học, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học ngày càng cấp thiết; học sinh cần phải đổi mới phương pháp học tập nhằm phát huy khả năng tự học, chủ động, tích cực theo mục tiêu nhiệm vụ giáo dục đề ra.
Khái niệm tự học được hiểu theo nhiều quan điểm và chưa có sự thống nhất. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, tự học là không ai bắt buộc mình mà tự mình tìm tòi, học hỏi để hiểu biết thêm. Người tự học hoàn toàn làm chủ mình, muốn học môn nào tùy ý, muốn học lúc nào cũng được, đó mới là điều quan trọng.
“Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên” (khoản 2 điều 5 của Luật Giáo dục). |
Có người lại cho rằng, tự học là tự mình suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ và phẩm chất tâm lý để chiếm lĩnh một lĩnh vực khoa học nhất định. Trong khi đó, nhà khoa học Nguyễn Cảnh Toàn định nghĩa: “Tự học là tự mình dùng các giác quan để thu nhận thông tin rồi tự mình động não, suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ và có khi cả cơ bắp cùng các sản phẩm của mình để chiếm lĩnh một lĩnh vực hiểu biết nào đó của nhân loại, biến lĩnh vực đó thành sở hữu của mình”. Cụ thể hơn, tự học là hình thức học sinh học ngoài giờ lên lớp bằng nỗ lực cá nhân theo kế hoạch học tập chung và không có mặt trực tiếp của giáo viên.
Phương pháp tự học được coi là cách thức, con đường, phương tiện mà người học vận dụng trong quá trình tự học để đạt được hiệu quả học tập. Mạnh dạn tự mình đặt ra câu hỏi rồi tự mình tìm lấy câu trả lời cũng là một phương pháp tự học. Cải tiến phương pháp tự học chính là tác động tới phương pháp tự học hiện tại của học sinh nhằm nâng cao kết quả học tập, đạt được mục tiêu đào tạo đã đề ra. Trong hoạt động học, kỹ năng học tập nói chung và kỹ năng tự học nói riêng có thể hiểu là những khả năng hành động lựa chọn và vận dụng tri thức để thực hiện nhiệm vụ học tập. Để tự học có kết quả, người học phải có một số kỹ năng cơ bản như: kỹ năng ghi chép, kỹ năng đọc sách, kỹ năng ôn tập và kỹ năng hệ thống hóa bài học. Bên cạnh kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập kế hoạch học tập, kỹ năng tìm tài liệu phải có kỹ năng tự kiểm tra đánh giá và kỹ năng tự nghiên cứu.
Người học cần có kế hoạch khoa học, thời gian biểu hợp lý thì mới đem lại hiệu quả, chất lượng đồng thời góp phần thúc đẩy chất lượng tự học, tự nghiên cứu như mong muốn. Theo đó, lập kế hoạch học tập phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng môn học, phân bổ thời gian thật hợp lý, phù hợp với tâm sinh lý và khả năng tự điều chỉnh kế hoạch cá nhân. Ngoài kỹ năng ghi chép, đọc sách cũng là kỹ năng quan trọng trong tự học nhằm kiếm thêm tri thức ngoài lớp học. Việc đọc thêm tài liệu, sách giáo khoa trước khi lên lớp sẽ giúp sự tiếp thu trên lớp sau đó có hiệu quả hơn.
Rõ ràng trong mọi thời đại, tự học là một đòi hỏi tự nhiên của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu khám phá kiến thức rộng lớn từ bên ngoài. Dù là tự học ở bên ngoài xã hội hay tri thức trong nhà trường, có người hướng dẫn hay không có thì người học phải luôn tự nỗ lực rất nhiều và lựa chọn phương pháp, cách thức học tập phù hợp với bản thân. Để học tập có hiệu quả người học phải chủ động, tự giác không cần có sự nhắc nhở, thúc giục; đặc biệt chú trọng rèn luyện những kỹ năng tự học cho bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và mục tiêu giáo dục.
Rõ ràng chủ thể hoạt động học là người học chứ không phải ai khác, do đó phải biết lựa chọn phương pháp tự học phù hợp, thích nghi với môi trường và bản thân.
TS. Võ Thị Ngọc Lan
(Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM)
Bình luận (0)