Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giải pháp cho hạt gạo Việt Nam vươn xa và phát triển bền vững

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 26-4-2024, tại TP.Cần Thơ, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP.Cần Thơ tổ chức Hội nghị (HN) đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I năm 2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới. HN nhằm trao đổi, bàn bạc để thực hiện tốt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2-3-2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.


Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh các nhiệm vụ và giải pháp để tiêu thụ lúa có lợi cho nông dân

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, gần 200 đại biểu từ các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong vùng ĐBSCL đã dự.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: Gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng tốt như EU.


Quang cảnh HN

Để đạt được kết quả trên, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp trọng tâm về điều hành xuất khẩu, phát triển thị trường trong năm 2023, trong đó đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và  duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân tổ chức các hội nghị để cùng thống nhất triển khai quyết liệt nhóm giải pháp để đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá lương thực trong nước và tạo thuận lợi, hạn chế rủi ro cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam trình bày biện pháp nhằm đảm bảo đủ gạo xuất khẩu và bình ổn lương thực trong nước, trước mắt là xuất khẩu hơn 4 tấn  gạo trong 6 tháng đầu năm 2024

Bộ Công thương cũng hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán,  thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế. Phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về những quy định của các cơ chế hợp tác đa phương và song phương mà nước ta đã ký kết để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam.

Năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức:  Nguồn cung gạo toàn cầu giảm (do tiếp tục chịu tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số thị trường như Ấn Độ, UAE, Nga và hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu, ở nhiều khu vực); tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (diễn biến tại Biển Đỏ ảnh hưởng tới các tuyến vận tải biển, căng thẳng Iran – Israel…)… dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I năm 2024 Việt Nam đã xuất khẩu gần 2,2 triệu tấn gạo với trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6 % về trị giá so với năm 2023.


Đoàn chủ trì HN

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, rà soát, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; hạn mặn tới hoạt động sản xuất, sản lượng thóc, gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa đến cuối năm cũng như nhận định nhu cầu thị trường, tín hiệu về động thái chính sách, thông tin từ các thị trường xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới. Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo báo cáo tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu gạo, đồng thời chia sẻ nhận định dự báo tình hình thương mại gạo thế giới trong thời gian tới; những cơ hội và thách thức đặt ra cho thương nhân trong những tháng cuối năm 2024; đề xuất những giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương nhân thu mua thóc, gạo, tổ chức sản xuất, chủ động phương án đàm phán giao dịch nâng cao hiệu quả xuất khẩu;  từ đó các đơn vị chức năng của Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan nắm bắt và trao đổi, giải đáp hoặc kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.


Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết giải pháp để Cần Thơ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp xanh và ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng hạt gạo

Để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, Thứ  trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh các nhiệm vụ chính mà các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công thương cùng triển khai để đảm bảo: Tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa;  bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả; nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường lương thực thế giới.

“Tôi đề nghị các bộ, ngành liên quan; các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng các thương nhân xuất khẩu gạo và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 2-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 25-3-2024 của Bộ trưởng Bộ Công thương về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới; trong đó chú trọng: Bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, bình ổn thị trường trong nước (bởi nước lấy dân làm gốc; dân lấy bụng làm trời); đồng thời tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất và kinh doanh, bảo đảm xuất khẩu gạo bền vững, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Theo dõi sát tình hình thời vụ và diễn biến thị trường thế giới để có kế hoạch sản xuất, thu mua, chế biến, cất trữ, bảo quản và xuất khẩu phù hợp, bảo đảm hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra. Xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với vùng trồng, người sản xuất và giữa các thương nhân với nhau để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá (theo phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình; muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Đồng thời, chú trọng mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, khẳng định và nâng tầm thương hiệu Gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)