Cuộc họp hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ “Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS” vừa được tổ chức tuần qua. Đây là đề tài cấp quốc gia do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì thực hiện.
Học sinh đặt câu hỏi tại hoạt động tư vấn hướng nghiệp, chọn nghề
Theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan (chủ nhiệm đề tài), phân luồng học sinh là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
Nghiên cứu này là cần thiết
Theo bà Loan, mặc dù được thực hiện từ lâu và đã có những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, nhưng phân luồng học sinh ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do chưa thực hiện đồng bộ, triệt để công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS. Vì vậy nghiên cứu “Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS” đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 là một vấn đề cần thiết, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn cao.
Được biết, sau 3 năm triển khai đề tài đã có 12 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế (1 bài trên tạp chí SCOPUS); một bài trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế; đang hoàn thiện sách chuyên khảo… Kết quả nghiên cứu còn được chuyển tải trong tài liệu giảng dạy chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành “Quản lý giáo dục” của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và được các nghiên cứu sinh tham khảo sử dụng. |
Với mục tiêu xác lập luận cứ khoa học về phân luồng học sinh sau THCS từ đó đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện phù hợp, đề tài tập trung nghiên cứu một số nội dung cốt lõi. Trong đó, các vấn đề về cơ sở lý luận và thực trạng, cơ hội và thách thức, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam… được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đề tài cũng xác định cơ sở tâm sinh lý, cơ sở giáo dục và cơ sở kinh tế – xã hội của phân luồng học sinh sau THCS; các yếu tố ảnh hưởng; làm rõ các mối quan hệ giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học sinh, phát triển nguồn nhân lực, cũng như nhu cầu học tập suốt đời và thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong giáo dục.
Nhóm nghiên cứu đã đặt bài toán phân luồng học sinh sau THCS trong bối cảnh học tập suốt đời theo khung tiếp cận các kỹ năng hướng tới việc làm và năng suất nhằm phân luồng hiệu quả. Đây là cách tiếp cận tổng thể theo quan điểm học tập suốt đời, có sự chuẩn bị tốt về các kỹ năng cần thiết trước phân luồng và sau phân luồng, nhằm tạo cơ hội, động lực để người lao động nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi ngành nghề theo yêu cầu công việc, điều kiện cụ thể của cá nhân. Đây chính là điểm mới của đề tài so với các nghiên cứu trước đây.
Khảo sát trên 5 đối tượng tại 6 tỉnh thành
Khi thực hiện đề tài, nhóm tiến hành điều tra, khảo sát trên 5 đối tượng, gồm: Cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ bộ/ngành, đoàn thể, học sinh, cha mẹ học sinh, tại các trường THCS, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên ở 6 tỉnh thành đại diện cho các vùng miền của Việt Nam (gồm: Lai Châu, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Kiên Giang, Hà Nội, TP.HCM).
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phân luồng học sinh sau THCS, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Cụ thể một số giải pháp như: Truyền thông nâng cao nhận thức; thu hút và khuyến khích học sinh tham gia học nghề; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả phân luồng học sinh. Đề tài đồng thời đề xuất công cụ quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông, trong đó có: Bộ tiêu chí đánh giá thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới; khung năng lực giáo dục hướng nghiệp của giáo viên làm công tác hướng nghiệp THCS; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục hướng nghiệp đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Học sinh tìm hiểu thông tin về hướng nghiệp, ngành nghề tại một ngày hội được tổ chức tại TP.HCM
Được biết, sau 3 năm triển khai đề tài đã có 12 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế (1 bài trên tạp chí SCOPUS); một bài trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế; đang hoàn thiện sách chuyên khảo… Kết quả nghiên cứu còn được chuyển tải trong tài liệu giảng dạy chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành “Quản lý giáo dục” của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và được các nghiên cứu sinh tham khảo sử dụng.
Các thành viên Hội đồng tư vấn đã bàn thảo, đánh giá kỹ lưỡng báo cáo kết quả. Nhóm nghiên cứu được đề nghị hoàn thiện tiếp một số nội dung. Trong đó, tập trung rà soát, hoàn chỉnh lại cơ sở lý luận của việc phân luồng học sinh sau THCS đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và yêu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp.
Đặc biệt, quan trọng là phần giải pháp; cần bổ sung những đề xuất chính sách phân cấp phù hợp, giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan thực hiện việc phân luồng này nhằm tạo cơ hội để học sinh sau THCS có sự phân luồng chất lượng.
Sau khi nhóm nghiên cứu hoàn thiện lại báo cáo, hội đồng sẽ đánh giá, bỏ phiếu nghiệm thu.
T.Trân
Bình luận (0)