Liên hoan “Thanh niên thi đua dạy tốt – học tốt” lần 1 năm 2012 do Thành đoàn TPHCM tổ chức vào sáng 22-12. Để chống “học vẹt”, TS Nguyễn Bá Hải, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, đưa cuốn sách 200 trang yêu cầu sinh viên tóm lược nội dung lại thành 5 trang giấy.
Cũng có khi thầy “đẩy” sinh viên vào một vấn đề, buộc người học phải động não suy nghĩ, không còn thời gian… ngủ gật! Theo thầy Hải, giảng viên phải trở thành huấn luyện viên, biết đưa ra các yêu cầu để sinh viên tự kiểm soát sách vở, luôn phát huy khả năng chuyên môn, các kỹ năng mềm và năng lực phục vụ xã hội; dạy cái người học và xã hội cần chứ không “ru ngủ”.
Trước yêu cầu “với giá thành dưới 1 triệu đồng, hãy làm bất cứ sản phẩm gì đó có ích cho người dân TPHCM”, sinh viên của trường đã thu hoạch rất nhiều ý tưởng: máy hút bụi đường phố, robot tự phục vụ…
Từ phương pháp giảng dạy thông qua mô hình nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn như thế, một thiết bị hỗ trợ người khiếm thị có hình dáng như chiếc nón bảo hiểm đã hoàn thành. “Chiếc nón kỳ diệu” như đôi mắt dẫn đường cho người khiếm thị, chiếc nón sẽ rung lên khi có vật cản phía trước người khiếm thị. “Có công ty đã đòi mua bản quyền 1 tỷ đồng nhưng thầy và trò không bán. Giờ đây, nhóm nghiên cứu đã có được 3 tỷ đồng sản xuất hàng trăm “chiếc nón kỳ diệu” để tặng cho các Hội Người mù” – thầy Nguyễn Bá Hải chia sẻ về cách dạy học tích cực và hiệu quả của phương pháp này.
Đ.LOAN (SGGP)
Bình luận (0)