Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giải pháp chống kẹt xe

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ khi xây cầu vượt, ngã tư Hàng Xanh ít khi xảy ra tình trạng kẹt xe
Trước đây, TP.HCM luôn được xem là “điểm nóng” về vấn nạn kẹt xe, bây giờ nỗi ám ảnh đó đã giảm dần. Sở dĩ có sự biến chuyển ấy là nhờ vào việc xây dựng cầu vượt bằng thép ở những nút giao thông trọng điểm đã phát huy hiệu quả.
Nỗi khổ kẹt xe
Khoảng 3 năm về trước, kẹt xe là nỗi ám ảnh thường trực của người dân mỗi khi ra đường. Nằm ở cửa ngõ phía Đông của TP.HCM, ngã tư Thủ Đức (Q.Thủ Đức) và ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh) được xem là hai nút giao thông huyết mạch với lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông đông đúc nên thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc giao thông. Vào dịp lễ, tết, hình ảnh hàng ngàn phương tiện rồng rắn nối đuôi nhau, chật vật di chuyển tại hai điểm giao thông trên  khiến người dân ngán ngẩm.
 Không chỉ xảy ra ở ngoại thành mà ngay trung tâm thành phố, các tuyến đường như Điện Biên Phủ, 3 Tháng 2, CMT8, Trường Chinh, Cộng Hòa… cũng thường xuyên diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông cả trong và ngoài giờ cao điểm. Điều này không những gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn kìm hãm sự phát triển nền kinh tế của thành phố.
Mặc dù các ban ngành chức năng đã liên tục đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để chấm dứt thực trạng trên như: Phân luồng, hạn chế xe máy, tăng lệ phí lưu thông xe ô tô cá nhân, quy định ngày được lưu thông xe ô tô theo số biển kiểm soát chẵn lẻ… nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng  kẹt xe.
Theo các chuyên gia giao thông, để giải bài toán kẹt xe ở TP.HCM hiện nay chỉ còn cách là nhờ vào các hệ thống tàu điện ngầm (metro), xe điện mặt đất, đường trên cao… Tuy nhiên, theo quy hoạch thì đến năm 2020 các dự án trên mới bắt đầu được đưa vào sử dụng và đến năm 2016 TP.HCM sẽ có tuyến metro đầu tiên.
Hiệu quả từ cầu vượt bằng thép
Hiện nay, chưa có con số thống kê đầy đủ về thiệt hại do nạn kẹt xe gây ra. Nhưng có thể khẳng định rằng thiệt hại đó là vô cùng nghiêm trọng và về mọi mặt: Kinh tế, xã hội, môi trường. Do đó, để hạn chế những thiệt hại trên, vào tháng 7 và 10 năm 2012, UBND TP.HCM đã khởi công xây dựng lần lượt 2 cầu vượt tại ngã tư Thủ Đức và ngã tư Hàng Xanh và sẽ tổ chức thông xe vào ngày 27-1-2013.
Sau khi đưa vào sử dụng, về cơ bản hai cây cầu này đã giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trên trục đường giao thông huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông Bắc, nối liền TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc.
Chú Nguyễn Văn Bảy, người dân ngụ ở ngã tư Hàng Xanh chia sẻ: “Trước kia, ở đây kẹt xe dữ lắm, ngày nào cũng ùn xe hết. Khi xây cầu vượt xong thì người dân mới thư thả lưu thông. Từ ngã tư Hàng Xanh mà đi về bốn hướng Thị Nghè, Bình Triệu, Thủ Đức, Đa Kao thì xe cứ bon bon mà chạy”. Cùng tâm trạng, anh Lê Văn Tín, tài xế lái xe của một doanh nghiệp vận tải cho biết: “Tôi thấy xây cầu vượt ở ngã tư Thủ Đức là hợp lý vì nhu cầu lưu thông của xe ô tô ở đây rất cao. Mỗi khi kẹt xe là xe xếp hàng cả cây số, mà tài xế chúng tôi ngại nhất là kẹt xe. Bây giờ lưu thông qua đây, chúng tôi bớt lo ách tắc giao thông rồi”.
Sau hơn 2 tháng thi công, ngày 27-4-2013, cầu vượt thép tại vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) cũng đã được thông xe để giảm ùn tắc cho điểm nóng cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM. Đây là nút giao thông đầu mối nối liền Q.12, huyện Củ Chi, Hóc Môn và đường Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố nên thường xuyên xảy ra ùn xe.
Vừa qua, 3 cây cầu vượt thép tại các điểm nóng ùn tắc giao thông cũng được khởi công. Đó là tại giao lộ Nguyễn Tri Phương – 3 Tháng 2 – Lý Thái Tổ (quận 10); bùng binh Cây Gõ (quận 11); và Hoàng Hoa Thám – Cộng Hòa (Q.Tân Bình) với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Cả 3 cây cầu trên được dự kiến đưa vào sử dụng sau 5 tháng thi công, dành cho ô tô dưới 9 chỗ và xe buýt lưu thông.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả của những cây cầu vượt bằng thép thì mỗi người dân cần phải tự giác nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Có như vậy, tình trạng ùn xe mới được giải quyết một cách triệt để và những cây cầu vượt bằng thép mới phát huy hiệu quả tối ưu.
Bài, ảnh: Hoàng Thuận
Theo báo cáo của Ban ATGT TP.HCM, trong quý 1 năm 2013 trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ùn xe nào kéo dài hơn 30 phút. Kết quả này cho thấy, 3 cầu vượt tại Hàng Xanh, Thủ Đức và vòng xoay Lăng Cha Cả đã phát huy hiệu quả rõ rệt. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)