Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giải pháp cứu… đường bộ “phạm quy”

Tạp Chí Giáo Dục

Đường bộ xuống cấp, hư hỏng nhiều do không được bảo trì, sửa chữa kịp thời.Băn khoăn nhiều nhất trong buổi thảo luận về dự án luật Giao thông đường bộ của UBTV QH ngày 26/9 là dự kiến thành lập Quỹ bảo trì đường bộ. Nhiều đại biểu cho rằng dự luật “phạm quy” phải tán thành để giải quyết bài toán… thực tế.

Đường xuống cấp, luật phải… xoay

Thảo luận về dự án luật giao thông đường bộ sửa đổi, Chủ nhiệm UB Quốc phòng – an ninh của QH Lê Quang Bình nêu 3 vấn đề lớn còn có nhiều ý kiến khác nhau khi soạn thảo luật. Theo đó, vấn đề thành lập Quỹ bảo trì đường bộ, tăng quyền hạn cho CSGT và việc huy động lực lượng cảnh sát khác và công an xã hỗ trợ CSGT trong nhiều trường hợp

Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn tán thành phương án thành lập Quỹ bảo trì đường bộ ở TƯ, nguồn quỹ trang bị từ ngân sách nhà nước, các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ (nguồn thu từ sử dụng, khai thác công trình đường bộ; đăng ký phương tiện; cho phép lưu hành phương tiện quá tải trọng; cấp phép lắp đặt biển quảng cáo…) và các nguồn thu khác theo quy định.

Tuy nhiên, ông Đàn tỏ ý lo lắng, sẽ phải có bao nhiêu Ban quản lý đường bộ để “chạy” việc quản lý, bảo trì hệ thống đường tới tận huyện, xã.

Ông Đàn đề nghị xem xét lại việc phân cấp, nhà nước quản lý các tuyến quốc lộ nhưng đường cấp tỉnh, huyện thì lại do Chủ tịch quản lý. Chủ nhiệm văn phòng QH cho rằng đó là điều kiện phát sinh “xin-cho”. “Rồi đến lúc Chủ tịch tỉnh và Giám đốc Sở GTVT phải mặc áo dài đi xin kinh phí bảo trì đường?” – ông Đàn đặt câu hỏi.

Trong khi đó, Chủ nhiệm UB dân tộc Ksor Phước lại nêu quan điểm ủng hộ phương án xây dựng quỹ không “lẹm” vào ngân sách. Ông Phước lý giải, nếu “quy cứng” về một mối, không khéo sẽ triệt tiêu tính năng động của người dân (cá nhân, tổ chức) trong việc làm đường.

Chủ nhiệm UB Văn hoá, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cũng phản ứng việc chỉ lập quỹ ở cấp TƯ. Ông Thi cho rằng nếu chỉ có quỹ TƯ, không tỉnh thành nào muốn huy động nguồn thu để nộp lên TƯ rồi ở trên lại phân về cho những địa phương khác ít nguồn thu hơn. Như vậy là hạn chế tính tự nguyện và hiệu quả đóng góp của cơ sở cho công tác quản lý, bảo trì đường sá.

Chủ nhiệm UB tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển còn giữ quan điểm, không nên hình thành loại quỹ này mà tất cả các chi phí bảo trì đường xá đều do ngân sách đảm nhiệm, còn việc thu được bao nhiêu, từ những nguồn nào thì cũng tập trung cả vào ngân sách.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng thẳng thắn, về nguyên tắc, việc thành lập quỹ là trái với luật Ngân sách nhà nước, không nên có. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế nguồn kinh phí từ ngân sách để cấp cho công tác bảo trì hiện rất hạn chế (hệ thống quốc lộ mới đạt 40 – 50%, hệ thống đường tỉnh, huyện còn thấp hơn nhiều) nên mới phải tính huy động các nguồn khác để tăng tuổi thọ công trình, tiết kiệm kinh phí đầu tư.

Tăng quyền… hạn chế, “khoanh” nguồn huy động

Về vấn đề giao thêm quyền hạn cho CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính để bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và các hành vi vi phạm khác xảy ra trên đường bộ, đại diện ban soạn thảo dự án luật, Chủ nhiệm UB Quốc phòng – an ninh Lê Quang Bình thống kê, hầu hết các ý kiến góp ý đều đề nghị không quy định nội dung này.

Chủ nhiệm UB dân tộc Ksor Phước cũng “gật đầu”, việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ đã giao cho UBND phường, xã. Lực lượng CSGT, nếu có, chỉ nên phối hợp vì không đâu có thể đủ lực lượng cảnh sát “rải” khắp địa bàn như thế và quy định như vậy cũng dễ dẫn tới chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng cho rằng, CSGT có thể tham gia phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm nhưng vấn đề xử lý thì chắc chắn “mắc”. Trong trường hợp “phối hợp” xử lý thì khó phân xử, đơn vị nào sẽ là người ra quyết định xử phạt, thẩm quyền như vậy là chồng chéo.

Chủ nhiệm UB kinh tế Hà Văn Hiền phân tích thêm, không cần thiết tăng quyền hành cho CSGT vì nếu có việc vi phạm hành lang an toàn đường bộ mà cần huy động thêm lực lượng giải toả thì phải lấy cảnh sát địa phương chứ không phải CSGT.

Về việc huy động lực lượng cảnh sát khác và công an xã tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng có nhiều ý kiến bất nhất. Quy chế huy động được xây dựng từ yêu cầu thực tế, lực lượng CSGT hiện rất mỏng, để duy trì trật tự, an toàn giao thông trong mọi tình huống thì cần tăng thêm hàng vạn biên chế và việc này khó mà thực hiện.

Trưởng ban Dân nguyện phản ứng ngay: “Vì thiếu CSGT nhưng không muốn tăng biên chế nên mới điều lực lượng khác sang hỗ trợ. Như vậy chứng tỏ biên chế các loại cảnh sát khác là thừa? Vậy thì cớ gì không chuyển lực lượng dư thừa này sang làm CSGT luôn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệm vụ thêm để làm hẳn việc này?”.

Ông Ksor Phước lại “dung hoà” hơn, có thể huy động nhưng nên khoanh lại, ví như chỉ quy định huy động cảnh sát bảo vệ và công an xã tham gia cùng. Ông Đào Trọng Thi cũng tán thành việc huy động các lực lượng “phụ giúp” CSGT với điều kiện hạn chế nội dung tham gia và quyền hạn xử lý của những lực lượng này.

Các ý kiến khác cũng đóng góp thêm cho dự luật phải đưa thêm vào những quy định cụ thể trong trường hợp nào là khẩn cấp có thể huy động thêm “người ngoại đạo” và những lực lượng nào có thể cùng tham gia.

P.Thảo (dantri.com.vn)

Bình luận (0)