Việc học sinh ít tha thiết vào trường nghề, và học sinh trường nghề ngán học văn hóa là một hiện tượng phổ biến hiện nay. Từ đó cho thấy sự bất cập về việc đào tạo của các trường nghề…
Học sinh Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Q.12 (TP.HCM) trong giờ học nghề điện lạnh. Ảnh: T.Anh |
Là người có tham gia trực tiếp giảng dạy cho đối tượng này nhiều năm, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi có nhiều trường tuyển đầu vào với số lượng hàng trăm học sinh, nhưng khi học xong ra trường thì chỉ còn vài chục em. Người học rơi rụng rất nhiều trong suốt quá trình học. Để cứu nguy cho tình cảnh này, theo chúng tôi, đòi hỏi phải có một cái nhìn toàn diện và những giải pháp tích cực, trong đó gồm có các quy chế hợp lý hơn, đặc trưng riêng cho loại hình đào tạo này.
Chú trọng tư vấn nghề từ học sinh THCS
Trong những điểm đổi mới của giáo dục THPT, gắn liền với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ năm 2018 mà Bộ GD-ĐT ban hành có một điểm đặc biệt lưu ý. Đó là học sinh sau khi học xong THCS có thể có nhiều con đường để lựa chọn: học tiếp lên THPT, học nghề, hay ra đời vừa học vừa làm. Như tại TP.HCM, trong “Đề án phân luồng học sinh sau THCS giai đoạn 2016-2020” đưa ra chỉ tiêu 30% học sinh xong THCS theo học nghề.
Những điểm đổi mới mà Bộ GD-ĐT đưa ra chưa đến thời kỳ thực hiện, nên chưa hình dung những giải pháp thế nào và kết quả ra sao. Nhưng trước mắt, nhìn vào thực tế, việc đào tạo nghề có quá nhiều bất cập như trang thiết bị lạc hậu, chương trình còn nặng về lý thuyết, nghề đào tạo thiếu tính ứng dụng xã hội, thiếu sức hấp dẫn đối với người học, thất nghiệp sau khi học xong… Những lý do này khiến cho học sinh không mấy mặn mà, dẫn đến các cơ sở đào tạo cứ teo tóp dần theo từng năm.
Khi làm công tác tuyển sinh lớp 10, nhà trường cần tư vấn và giới thiệu nhiều hơn về trường nghề, trường TCCN, xem như đó là một hướng đi cho học sinh. Và cuối cùng, nên đưa thêm vào hồ sơ tuyển sinh lớp 10 mục lựa chọn nghề để học sinh đăng ký… |
Ngoài việc cần có các giải pháp để khắc phục những nguyên nhân trên, theo chúng tôi, cần phải có biện pháp tác động tích cực đến thái độ, nhận thức của người học. Cụ thể là cần có công tác tư vấn việc học nghề một cách chuyên nghiệp ngay trong trường THCS, xây dựng một đội ngũ giáo viên chuyên làm công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh. Khi làm công tác tuyển sinh lớp 10, nhà trường cần tư vấn và giới thiệu nhiều hơn về trường nghề, trường TCCN, xem như đó là một hướng đi cho học sinh. Và cuối cùng, nên đưa thêm vào hồ sơ tuyển sinh lớp 10 mục lựa chọn nghề để học sinh đăng ký…
Giảm áp lực việc học văn hóa
Phải nói rằng học sinh học trường nghề là đối tượng có năng lực rất hạn chế, phần lớn học yếu. Các em chọn theo học hệ này là do không có điều kiện vào học các trường có yêu cầu năng lực cao hơn. Mục đích học của các em là muốn có một nghề ổn định cho mình. Nhưng nhìn vào yêu cầu của việc học văn hóa, thì có thể thấy chương trình học của đối tượng này là quá nặng. Có trường liên kết đào tạo với một trung tâm GDTX để dạy văn hóa. Nếu nhìn vào nội dung chương trình thì không khác gì một học sinh bình thường học ở hệ GDTX. Thậm chí khi học xong chương trình lớp 12, các em phải tham dự kỳ thi chung THPT quốc gia để có điều kiện tốt nghiệp. Vì thế, trong quá trình học và thi cử, người học đuối sức. Từ đuối sức việc học dẫn đến chán nản, rồi vi phạm kỷ luật. Có em tự nghỉ học, một số không nhỏ bị buộc thôi học sớm… Nhiều em lại phải tìm nghề khác để theo học lại từ đầu. Rõ ràng đây là sự lãng phí rất lớn trong đào tạo.
Vì thế, nếu không muốn bị lãng phí thời gian và tiền bạc thì cần giảm nhẹ yêu cầu về việc học văn hóa, tăng cường học kiến thức tay nghề chuyên môn cho người học.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)