Sau những trận kẹt xe kinh hoàng đường ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất khiến người dân phải rời xe chạy bộ cho kịp giờ bay, Sở GTVT TP.HCM và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cùng các cơ quan hữu quan đã có buổi họp bàn và đưa ra nhiều giải pháp chống ùn tắc như mở thêm làn đường, xây cầu vượt, phân luồng, đầu tư hạ tầng kết nối…
Hướng vào sân bay trên đường Bạch Đằng là một trong những tuyến đường thường xảy ra ùn tắc. Ảnh: Lê Quân |
Vật vã với những vụ ùn tắc 2-3 giờ
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM lưu ý, trong khi chờ hoàn thành và đưa vào sử dụng Sân bay Long Thành, cần bố trí hợp lý việc kết nối hạ tầng toàn bộ khu vực Tân Sơn Nhất, mở thêm đường trên cao và nhà ga mới, thêm điểm trung chuyển khu vực ngã sáu Gò Vấp, đầu tư thêm trục giao thông song song đường Cộng Hòa, xây 2 cầu vượt khu vực cửa ngõ. Đó là dự án cầu vượt Phạm Văn Đồng – Nguyễn Kiệm và cầu vượt chữ Y ngay tại khu vực sân bay để xe đi vào khu vực cảng hàng không quốc tế và nội địa không bị giao cắt. |
So với những địa bàn khác, khu vực ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất trong nhiều năm qua thường xảy ra nhiều lần ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài 2-3 giờ đồng hồ. Vụ kẹt xe gần nhất xảy ra vào lúc 11 giờ 30 ngày 6-8 vừa qua khiến các hướng ra vào sân bay đều ùn tắc, hàng ngàn xe ô tô, xe taxi, tải và xe máy chen chúc, chịu trận. Trên đường Trường Sơn xe cộ nhích từng chút một, ở đường Trần Quốc Hoàn (hướng từ Sân bay Tân Sơn Nhất về đường Cộng Hòa) giao thông hỗn loạn, đường chật như nêm, còn trên đường Cộng Hòa (hướng từ Sân bay Tân Sơn Nhất về An Sương và ngược lại) dòng xe ngột ngạt giữa trời nắng gắt, nhiều tài xế ngáp dài, gục đầu trên vô lăng chờ đợi.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra vào cùng cung giờ trong ngày 4-8, các tuyến đường nội bộ sân bay và các tuyến đường kết nối bên ngoài như Cộng Hòa, Hoàng Minh Giám, Trường Sơn, Hoàng Văn Thụ, Phổ Quang… xảy ra cảnh ùn tắc nghiêm trọng, bất thường hơn 2 giờ liền. Trước đó 3 ngày, sau cơn mưa lớn vào chiều ngày 1-8, các tuyến đường nối từ trung tâm ra sân bay lâm vào cảnh ùn tắc từ lúc 16 giờ 30. Các tuyến đường nối vào sân bay như Trường Sơn – Trần Quốc Hoàn (hướng về đường Cộng Hòa), khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả… dòng xe ô tô gần như không thể “nhúc nhích” trong khi hàng ngàn xe máy nối đuôi nhau chen chúc mọi ngóc ngách hòng tìm lối thoát kẹt. Lực lượng CSGT ra sức điều tiết, phân luồng nhưng phải đến khoảng 19 giờ tình hình mới bắt đầu giảm dần.
Như vậy, tính ra chỉ trong 6 ngày, khu vực cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất đã xảy ra 3 vụ ùn tắc nghiêm trọng. Nhưng so ra lần kẹt xe vào chiều 29-4 mới là lần khiến nhiều người nhớ đời vì phải rời xe taxi, lỉnh kỉnh đồ đạc chạy bộ tới sân bay cho kịp giờ “check in”. Đây là thời điểm người dân bắt đầu về quê nghỉ lễ 30-4 khiến nhiều nơi bị rối loạn, giao thông tê liệt. Các tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện… gần Sân bay Tân Sơn Nhất lâm vào cảnh ùn tắc giao thông kéo dài. Ngay cả các nhóm hướng dẫn viên hàng không cũng phải xuống xe đi bộ bởi không thể đợi hàng ngàn phương tiện từ hướng đường Hồng Hà, Bạch Đằng vào sân bay đang khốn khổ chen nhau từng chút một.
Những giải pháp thiết thực
Cửa ngõ vào sân bay bị ùn tắc nghiêm trọng. Ảnh: Lê Quân |
Được biết, trong năm 2015, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 26,5 triệu hành khách. Dự kiến, con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và những năm tới. Do đó, các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong khu vực gần sân bay luôn là mối quan tâm hàng đầu của thành phố. |
Giải thích về tình trạng ùn tắc lối ra vào cửa ngõ sân bay vào tuần đầu tháng 8, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cho biết, nguyên do không liên quan đến tần suất khai thác của sân bay, mà phụ thuộc vào yếu tố khách quan khi phương tiện quá đông dẫn đến ùn tắc kéo dài. Nhằm khắc phục tình trạng trên, Sở GTVT TP.HCM và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đại diện Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đã có buổi họp bàn và đề ra những giải pháp chống ùn tắc khu vực quanh sân bay. Theo đó, các bên đã thống nhất phương án mở thêm một làn đường trên đường Hoàng Văn Thụ (khu vực gần công viên) nhằm kéo giãn lưu lượng xe cho toàn khu vực. Bên cạnh phương án tối ưu này, lãnh đạo cảng hàng không cũng đề xuất phương án hạn chế một số loại phương tiện vào một vài khung thời gian nhất định trong ngày, giảm lượng xe buýt lớn lưu thông trên đường Trường Sơn, chỉ ưu tiên cho xe buýt đưa đón khách vào sân bay. Mặt khác, đại diện Khu quản lý giao thông đô thị số 1 cũng kiến nghị CSGT Tân Bình phối hợp với cảng vụ hàng không phân luồng hợp lý khu vực trong và đường ra vào sân bay, đồng thời tăng cường biển hướng dẫn, phân luồng từ xa, mở các nhánh đường lưu thông phụ nhằm giảm tải cho những tuyến đường chính…
Được biết, trong năm 2015, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 26,5 triệu hành khách. Dự kiến, con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và những năm tới. Do đó, các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong khu vực gần sân bay luôn là mối quan tâm hàng đầu của thành phố. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM lưu ý, trong khi chờ hoàn thành và đưa vào sử dụng Sân bay Long Thành, cần bố trí hợp lý việc kết nối hạ tầng toàn bộ khu vực Tân Sơn Nhất, mở thêm đường trên cao và nhà ga mới, thêm điểm trung chuyển khu vực ngã sáu Gò Vấp, đầu tư thêm trục giao thông song song đường Cộng Hòa, xây 2 cầu vượt khu vực cửa ngõ. Đó là dự án cầu vượt Phạm Văn Đồng – Nguyễn Kiệm và cầu vượt chữ Y ngay tại khu vực sân bay để xe đi vào khu vực cảng hàng không quốc tế và nội địa không bị giao cắt.
Phương Vũ
Bình luận (0)