Tại buổi hội đàm diễn ra ở London hôm qua, các chuyên gia tài chính (Anh) đã thống nhất chỉ tập trung giải quyết các món nợ của 4 đội bóng hàng đầu như Chelsea, M.U, Arsenal và Liverpool. Họ cũng lý giải số nợ của các đội bóng khác đã, đang và sẽ thi đấu ở Premier League mùa tới là không đáng ngại, thậm chí “một đội bóng mắc nợ sẽ phản ánh được đẳng cấp của chính đội bóng đó…”, Peter Wright, một thành viên của buổi hội đàm phát biểu trên The Times.
M.U là đội bóng có số CĐV khổng lồ nhất thế giới hiện nay |
Tổng kết mùa 2008-2009, Premier League nợ khoảng 3,1 tỷ bảng. Và tính riêng “tứ đại gia” đã chiếm 2/3 tổng số nợ nói trên. Chelsea là đội nợ “dữ dội” nhất: 710,5 triệu bảng, lần lượt đến M.U, Arsenal và Liverpool xếp cuối (trong 4 đội) với 299,8 triệu bảng.
Cũng xin nói lại về những món nợ của 4 đội bóng này. Mỗi đội đều có những trường hợp riêng, nhưng không phải là không thể cứu vãn. Như trường hợp của Chelsea, ai cũng biết Roman Abramovich lắm tiền không đời nào để đội bóng của mình “chết chìm” và hơn nữa, tỷ phú Nga chính là chủ nợ của Chelsea. Vì vậy chỉ có trường hợp khi Abramovich hết tham vọng, còn bằng không Chelsea sẽ tiếp tục nợ, vì sao? Lương, sắm cầu thủ… để “mua” chiến thắng!
M.U đứng thứ 2, nhưng đó là tín hiệu lạc quan. Kể từ năm 2005 đến nay, đây là mùa đầu tiên Quỷ đỏ về nhì về khoản nợ. Trước nay, M.U luôn đứng nhất về mọi mặt, đội bóng có thu nhập cao nhất TG, xếp hạng cao nhất và nợ cũng nhiều nhất… Sở dĩ vẫn mắc nợ nhưng các chuyên gia tài chính vẫn đánh giá cao khả năng trả nợ của M.U là nhờ vào thành tích tốt trong vài năm qua.
Nếu M.U không vượt qua vòng bảng Champions League hay có nguy cơ rớt hạng ở Premier League, thì chắc chắn món nợ kia sẽ rất kinh khủng, nó sẽ ảnh hưởng cực lớn không chỉ riêng đội bóng này mà cả Premier League. Còn đằng này, M.U vừa trải qua 2 năm liên tục vào chung kết Champions League (1 lần vô địch), 3 năm liền vô địch Premier League… thành thử nói về lực hút, nguồn thu, đội chủ sân Old Trafford đều có tiềm lực cao hơn bất cứ đội bóng nào. Theo bản công bố mới nhất của công ty tư vấn tài chính thể thao Deloitte, chỉ tính riêng nguồn thu từ Champions League trong 2 mùa bóng vừa qua, M.U đã thu từ tiền thưởng xấp xỉ 100 triệu bảng. Đó là chưa tính tiền bán vé, bản quyền truyền hình…
Cũng vậy với Arsenal. Mặc dù liên tục trắng tay trong các mùa gần đây, nhưng nhờ vào tài “liệu cơm gớp mắm” của Arsene Wenger, mức chi tiêu cho chuyển nhượng của đội bóng thành London này cực thấp nhưng hiệu quả đem lại thì rất cao. Bằng chứng là họ luôn nằm trong tốp 4 và ở châu Âu, họ cũng thường xuyên có mặt ở vòng tứ kết, bán kết.
Bên cạnh đó, Arsenal mang nợ vì xây sân vận động mới và khu liên hợp Emirates kề cận. Cho nên, về lâu dài khả năng hoàn vốn rồi có lãi chỉ là chuyện không sớm thì muộn. Trong tốp 4, Liverpool là đội nợ ít nhất và dù ngôi vô địch Premier League vẫn chưa đến với họ nhưng việc liên tục xuất hiện ở châu Âu cũng đem lại cho họ nguồn thu khá.
Khi đem so sánh với các đội bóng đang mắc nợ lớn ở châu Âu khác sẽ thấy việc “tứ đại gia” không phải là các trường hợp cá biệt. Vì vậy có thể nói, đội bóng lớn thì nợ lớn và khả năng thắng của họ cũng rất lớn. Và một khi họ thắng nhiều, tiền vào túi cũng nhiều!
Sơn Tùng (theo thanhnien)
Bình luận (0)