Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giải pháp lệch giờ, lệch ca giảm ùn tắc

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2017 vừa qua, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc GTVT cho biết trong năm nay, TP.HCM sẽ thực hiện nhiều giải pháp chống ùn tắc. Trong đó, phương án thực hiện lệch giờ, lệch ca là một trong những giải pháp tối ưu. 

Phương án bố trí lệch giờ, lệch ca là một trong những giải pháp góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP

Một giải pháp thiết thực

Phương án điều chỉnh lệch giờ, lệch ca tại các KCX-KCN và các cơ quan, đơn vị trong khu vực trung tâm đã được ông Lê Văn Khoa (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nghiên cứu. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ báo cáo UBND TP nhằm có quyết định sau Tết Đinh Dậu sắp tới. Theo đánh giá của các chuyên gia, giải pháp này được xem là một trong những phương án thiết thực trước tình hình TP xảy ra ùn tắc ngày càng nghiêm trọng.

Theo thống kê của Ban ATGT TP, riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, TP đã xảy ra 12 vụ ùn tắc kéo dài. Thêm vào đó, lượng phương tiện cá nhân ngày càng tăng nhanh, với 180 xe ô tô và 1.000 xe máy đăng ký mới mỗi ngày. Trong khi quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông ngày càng thiếu so với quy chuẩn, nên tình trạng ùn ứ không giảm. Ngoài ra, nhiều công trình thi công cũng gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện. Điển hình như vụ kẹt xe vào sáng ngày 8-9-2016. Nguyên nhân do những lô cốt của dự án xây dựng cầu vượt Ngã Sáu che chắn tại nút giao thông này, khiến việc lưu thông của người dân rơi vào ùn tắc trong 4 tiếng đồng hồ, làm cho hàng ngàn người trễ giờ làm, giờ học. Đây được xem là vụ kẹt xe kinh hoàng nhất ở địa bàn này trong suốt 30 năm qua.

Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông lưu ý, tình trạng kẹt xe ở TP.HCM ngày càng nghiêm trọng, không chỉ xảy ra vào giờ cao điểm. Nguyên nhân do trước đây TP chỉ có một lõi trung tâm, còn hiện nay là đa trung tâm, nên người dân các quận như Gò Vấp, Tân Bình, quận 12… muốn đến quận 4, quận 7 phải đi qua các quận trung tâm gây ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng. Do vậy, phương án lệch ca, lệch giờ hiện là một trong những giải pháp thiết yếu góp phần kéo giảm ùn tắc trên địa bàn TP ở thời điểm này.

Ưu tiên khu vực trường học và nơi đông người

Theo góp ý của TS. Phạm Sanh, phương án bố trí lệch giờ, lệch ca chỉ nên thực hiện đối với HS THPT và SV các trường ĐH vì các em có thể tự túc đi lại. Hoặc áp dụng ở các trung tâm thương mại, bệnh viện, vì đây là những khu vực đông người. Tuy nhiên, ông Sanh cho rằng không nên thực hiện đối với cơ quan Nhà nước, vì sẽ rất phức tạp. Ông lưu ý, trước khi đi vào thực hiện phương án lệch giờ, lệch ca, TP nên khảo sát kỹ nhằm tránh gây xáo trộn cuộc sống cũng như công việc của người dân.

Bà Trần Thị Lý (ngụ phường 15, quận 10) có đề xuất nên áp dụng phương án này với cả HS của bậc THCS. Bà Lý cho biết, việc đưa đón con gái (đang theo học tại Trường THCS Trần Phú, quận 10) của vợ chồng bà thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tình trạng ùn tắc, vì giờ tan trường trùng với giờ tan sở của các công ty, doanh nghiệp. Đó là nguyên nhân khiến hàng trăm người và phương tiện do tránh kẹt xe ở đoạn CMT8 (từ chợ Hòa Hưng đến Công viên Lê Thị Riêng) đã lưu thông đổ dồn theo hướng từ Hồ Bá Kiện – Bắc Hải – Chấn Hưng để ra trở lại CMT8. “Lối thoát” này vô hình trung gây nên ùn tắc ở khu vực Trường THCS Trần Phú khiến phụ huynh đón con giờ tan học rất vất vả.

Ở thời điểm hiện tại, trước yêu cầu của UBND về giải pháp lệch giờ, lệch ca nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông cho TP, ông Nguyễn Minh (Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, đơn vị sẽ tiến hành khảo sát mong muốn, nhu cầu của phụ huynh và từng đối tượng cụ thể. Do vấn đề bố trí học lệch giờ cho HS thì dễ, nhưng có được phụ huynh chấp nhận hoặc nơi làm việc của phụ huynh có đồng thuận hay không cũng là vấn đề quan trọng. Sau khi có kết quả khảo sát từ thực tế, Phòng Công tác HS-SV sẽ có phương án tham mưu với TP, nhằm xây dựng giải pháp hiệu quả nhất.

Cùng đề xuất như bà Lý, ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX TP.HCM cho rằng việc thực hiện lệch giờ, lệch ca không nên áp dụng với công nhân, chỉ dành cho các doanh nghiệp, công nhân viên làm giờ hành chính. Theo ông Đô, mặc dù lượng công nhân tan tầm ở các KCN-KCX rất đông, nhưng công nhân thường đi làm sớm từ 5-6 giờ (để vào ca lúc 6-7 giờ), còn giờ tan ca dàn trải vào khoảng từ đến 19 giờ, nên không ảnh hưởng nhiều đến tình hình giao thông chung.

Sẽ khảo sát nhu cầu của phụ huynh

Được biết khoảng gần chục năm về trước, Sở GD-ĐT TP.HCM đã thực hiện phương án lệch giờ (giờ vào học và giờ tan trường) nhằm góp phần giữ gìn trật tự ATGT cổng trường ở các cấp học. Theo đó, giờ học và giờ tan trường được bố trí chênh lệch giữa các khối lớp trong cùng một trường, hoặc giữa các trường trên cùng một tuyến đường trong khoảng thời gian dao động từ 15 đến 30 phút, nhằm thuận tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón con. Cụ thể, HS mầm non vào học lúc 7 giờ 30 đến 8 giờ (tan học lúc 16 giờ), bậc tiểu học vào lớp lúc 7 giờ 30 (tan trường lúc 16 giờ 30), THCS-THPT vào học lúc 7 giờ (ra về lúc 17 giờ 15).

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)