Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn của các ĐBQH liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 

Đồng chí La Ngọc Thoáng – Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng chất vấn:

Chất lượng giáo dục ở các vùng miền núi rất thấp do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất yếu kém? Vấn đề này đã đề cập nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết. Đề nghị cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này?
Đại biểu Siu Hương – Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai chất vấn:
Trong thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều nỗ lực triển khai nhiệm vụ được giao, song hiện nay, chất lượng giáo dục tiểu học và phổ thông ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước.
Trước thực trạng nêu trên, đề nghị Bộ trưởng giải trình các vấn đề sau:
– Trách nhiệm của Bộ đối với tình hình chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập là gì và ở khâu nào?
– Giải pháp của Bộ trong thời gian tới như thế nào để củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nư
ớc nói chung?
Bộ Giáo dục & Đào tạo trả lời :
Từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu để Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và chỉ đạo các địa phương thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục như: Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011-2015(Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ), Đề án tăng cường đầu tư xây dựng ở mỗi tỉnh có ít nhất 1 trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và một số trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú nhằm thu hút được tất cả trẻ trong độ tuổi đến trường; Quyết định ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, các chính sách ưu tiên cho phát triển giáo dục dân tộc(Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010); Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015; Thực hiện công bằng trong xã hội và một số chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay đi học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo nhiều nhóm giải pháp như tăng thời lượng dạy tiếng Việt, sử dụng tài liệu công nghệ giáo dục, dạy học song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ, nhân viên hỗ trợ giáo viên, xây dựng môi trường sử dụng tiếng Việt trong dạy học và hoạt động tập thể…
Với những giải pháp trên, giáo dục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa từng bước phát triển: Số lượng học sinh học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú tăng lên; hầu hết các em học sinh dân tộc nội trú có phẩm chất đạo đức tốt, giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời tiếp thu các nét đẹp văn hóa ứng xử văn minh, tiên tiến thông qua các hoạt động của nhà trường; chất lượng dạy và học ở các tỉnh miền núi và dân tộc ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên chất lượng giáo dục chưa ngang bằng với vùng thuận lợi.
Để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, vùng dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp lớn như sau:
– Nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc, bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục; Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với học sinh dân tộc thiểu số, giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc; Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
– Một số giải pháp:
+ Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường phổ thông và trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú theo hướng đồng bộ, hiện đại.
+ Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, chính sách tín dụng sinh viên, hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn; Tiếp tục thực hiện "3 đủ" đối với mỗi học sinh.
+ Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lí và giáo viên đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, tăng dần tỷ lệ giáo viên người dân tộc, người địa phương; Thực hiện tốt các chế độ chính sách cho giáo viên, người học vùng dân tộc, miền núi; Có chính sách thỏa đáng thu hút nhà giáo đến làm việc cở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; Chỉ đạo việc dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số; Bảo đảm đủ nhà công vụ cho nhà giáo.
+ Chú trọng chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng dạy và học; Thực hiện có hiệu quả việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
+ Cung cấp miễn phí hoặc giảm giá sách giáo khoa, học phẩm, đồ dùng học tập cho học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiếu số và các đối tượng chính sách xã hội.
+ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu đề xuất chính sách đối với giáo dục dân tộc cho phù hợp tình hình mới, trên tinh thần quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Theo Bộ GD&ĐT
(GD&TĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)