Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Giải pháp nào cho thực trạng thất nghiệp của công nhân?

Tạp Chí Giáo Dục

Khủng hoảng kinh tế thế giới làm điêu đứng không chỉ các nước phát triển mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nền kinh tế mới nổi. Theo số liệu thống kê mới công bố của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, đầu năm nay, hơn 20 triệu người di cư từ các vùng nông thôn lên thành phố đã mất việc làm phải tìm về cố hương. Được biết trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp xuất khẩu đã đóng vai trò hết sức quan trọng đưa tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này lên 2 con số và cung cấp vô số việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã làm hàng loạt các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu ở Trung Quốc phải đóng cửa, đẩy người lao động vào tình cảnh thất nghiệp.

Việt Nam không thoát khỏi vòng xoáy nghiệt ngã ấy. Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2008, cả nước có gần 30 ngàn lao động làm việc trong các doanh nghiệp bị mất việc do suy giảm kinh tế. Dự báo trong năm 2009, số người thất nghiệp sẽ lên tới 150 ngàn. Còn theo tính toán của Tổ chức LĐ quốc tế (ILO), cùng với sự sụt giảm GDP vào năm 2009, số công nhân thất nghiệp sẽ chiếm khoảng 0,65%, tương đương với 300 ngàn người trong tổng số 45 triệu công nhân lao động ở nước ta.

Theo SGGP, lãnh đạo LĐLĐ TP HCM cho biết, đầu năm nay trên địa bàn thành phố có 46 doanh nghiệp bị giải thể hoặc thu hẹp sản xuất khiến 10.726 công nhân rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Các doanh nghiệp bị giải thể chủ yếu liên quan đến sản xuất các mặt hàng xuất khẩu như may mặc, giày da, đồ gỗ, điện tử, thực phẩm…

Tại ĐBSCL, các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản xuất khẩu chỉ hoạt động với 30% công suất. Vào những ngày này hàng năm, công nhân đã tấp nập trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết, nhưng năm nay không ít nhà máy, doanh nghiệp đóng cửa im ỉm vì chưa ký được hợp đồng dẫn đến chưa có việc làm cho công nhân. Những ngày này, trụ sở công ty Orion Hanen tại KCN Sài Đồng (Hà Nội) chỉ còn khoảng 20 người với nhiệm vụ thu dọn lại những “tàn tích” và giải quyết công nợ…

Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp thực hiện chính sách giữ chân công nhân, chờ nguồn nguyên liệu dồi dào trở lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì bức tranh kinh tế năm 2009 là hết sức ảm đạm.

Với những người rơi vào tình cảnh thất nghiệp thì những chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng chỉ là những giải pháp tạm thời. Công nhân mất việc chỉ còn con đường về quê chờ đợi. Trước cơn bão của cuộc khủng hoảng, khả năng đứng vững của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp “ăn theo” là rất mong manh. Những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp như hạ lãi suất ngân hàng (2,5-4% đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu), giảm thuế hay cho vay ưu đãi thông qua gói kích cầu của Chính phủ cũng chỉ tạo thuận lợi được phần nào, điều cơ bản là các doanh nghiệp phải có những nỗ lực vượt bậc trong giai đoạn khó khăn này. Và điều nữa, công nhân cũng phải biết chia sẻ những khó khăn cùng doanh nghiệp, bởi họ đang bơi chung trên một con thuyền. Theo ý kiến của các chuyên gia thì gói kích cầu của Chính phủ nên đầu tư cho việc tái đào tạo nghề cho công nhân, nhất là nguồn nhân lực có tay nghề bậc cao. Thực tế cho thấy, lao động có tay nghề bậc cao ở nước ta vẫn thiếu trầm trọng và lĩnh vực này đang bị cạnh tranh bởi nguồn nhân lực nước ngoài.

Năm 2009 là năm khó khăn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Không phải ngẫu nhiên mà trong phiên họp thường kỳ tháng 1/2009 của Chính phủ, chính sách trợ giúp cho người lao động mất việc làm được đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn khó khăn này, Chính phủ thông qua Bộ lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐ cùng các doanh nghiệp và người lao động phải đồng sức đồng lòng để tìm ra giải pháp nhằm ổn định thị trường lao động. Có như thế, vấn đề an sinh xã hội, một trong những mục tiêu của gói kích cầu thời khủng hoảng mới phát huy hiệu quả.

Thụy Anh (GD&TĐ)

Bình luận (0)