Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giải pháp nào chống ùn tắc giao thông?

Tạp Chí Giáo Dục

Kẹt xe ở Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (đường Nguyễn Văn Nghi, Q.Gò Vấp). Ảnh: M.TÂM

Việc hạn chế ùn tắc giao thông bằng cách áp dụng các khoản thu phí đối với xe cá nhân đã được Sở GTVT tham mưu cho UBND TP đề xuất từ năm 2003. Đến tháng 10-2008, UBND TP.HCM đề nghị với Bộ Tài chính một số chính sách tài chính để hạn chế sự gia tăng của xe cá nhân. Theo đó, thành phố đề nghị thu lệ phí lưu hành xe hằng năm theo hướng xe gắn máy thu 500.000 đồng/xe/năm, đối với xe ô tô 7 chỗ trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, đề nghị thu 10 triệu đồng/xe/năm.
Cần có sự đầu tư đột phá về hạ tầng giao thông
Vào ngày 15-7-2009, thành phố tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính tăng mức phí trước bạ, lệ phí đăng ký phương tiện giao thông cá nhân tại TP.HCM và nghiên cứu khoản thu từ người sử dụng phương tiện cá nhân trong cả nước để thành lập quỹ phát triển vận tải hành khách công cộng, cải thiện môi trường. Tại một hội nghị chuyên đề về giao thông đô thị gần đây, đại diện Sở GTVT tiếp tục kiến nghị thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển thực hiện đề tài nghiên cứu việc bố trí thí điểm hệ thống thu phí giao thông điện tử, góp phần hạn chế sử dụng mô tô, đồng thời kiến nghị Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất các chính sách về thu lệ phí đối với xe cá nhân, bao gồm: phí trước bạ, phí đăng ký, phí lưu hành… Những động thái đó của các cấp quản lý ở thành phố chứng tỏ sự quyết tâm trong việc cải thiện tình hình giao thông hiện tại. Nhưng trên thực tế, vấn đề này còn khiến nhiều người băn khoăn.
Trước tiên, phải nói đến tình trạng giao thông ùn tắc ở thành phố là do cơ chế quản lý của Nhà nước. Các trung tâm đô thị của chúng ta tiếp nối thành một chuỗi, không có sự phân tán ra xung quanh, chính điều này làm lượng xe cộ tập trung quá nhiều tại một nơi. Trong khi đó, các đô thị vệ tinh xây dựng chậm, lượng xe chưa phân tán đều, và nhiều khu công nghiệp nằm trong lòng các đô thị và các trục giao thông chính. Bên cạnh đó, thành phố có tỷ lệ tăng dân số cơ học cao, đi kèm theo đó là lượng xe đăng ký mới tăng nhanh, và đường sá thành phố thì như một “đại công trường” thi công của các dự án cấp thoát nước. Như vậy: Kẹt xe, ùn tắc giao thông là do quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông yếu kém, và quản lý gia tăng dân số không chặt chẽ.
Chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân
Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu HĐND TP, cho biết: Để giải quyết bài toán giao thông thì trước hết phải có sự đầu tư đột phá về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng , sau đó mới có thể tạo sức ép lên người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Phải tạo cho người dân có được sự lựa chọn, trước khi buộc họ phải nộp phí lưu thông. Ví dụ như trước hết phải bố trí đầy đủ các thùng rác công cộng, rồi sau đó mới tính đến chuyện xử phạt thật nghiêm những người xả rác bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị. Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cũng cho rằng, để cải thiện tình hình giao thông, thì phải đẩy nhanh việc thực hiện các dự án metro. Thành phố nên quy hoạch và nên tạo điều kiện cho hệ thống giao thông công cộng đang có là xe buýt, tăng thêm bến bãi. Hiện nay, chúng ta có 300 km đường nhưng chỉ có 4 bến xe liên tỉnh, 4 bến xe buýt, 9 bãi đỗ taxi, như thế là quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh, phải tăng quỹ đất dành cho giao thông, hiện nay đất dành cho giao thông ở thành phố mới chiếm 5% là quá ít.
Thu phí xe cá nhân có thể thực hiện, nếu hạ tầng và phương tiện giao thông được đầu tư, nâng cấp tương ứng. Trong việc này thì Nhà nước cần phải đi trước một bước. Đến một lúc nào đó, việc thu và tăng lệ phí trước bạ là cần thiết, nhưng phải có cơ chế quản lý tiền thu minh bạch, phải chứng minh cho người dân thấy tiền của dân đóng sử dụng vào mục đích gì, làm được gì, số tiền đó giải quyết ùn tắc giao thông ở những điểm nào, hiệu quả tới đâu. Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện tại, thành phố có thể sử dụng nhiều biện pháp để cải thiện tình hình giao thông, trong đó lấy con người làm nòng cốt. Và nhất thiết phải có một lộ trình phù hợp để người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng, chứ không nên đưa người dân vào tình thế không có lựa chọn nào khác, phải “bấm bụng” nộp phí lưu thông để được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Nếu áp dụng thu phí lưu thông cá nhân một cách cứng nhắc, thì sẽ tạo áp lực lớn về tài chính đối với một bộ phận không nhỏ người dân có thu nhập thấp ở thành phố hiện nay.
Thu Thảo

Bình luận (0)