Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giải pháp nào đào tạo nhân lực chất lượng?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Việt Nam không thể có nguồn nhân lực chất lượng cao để cạnh tranh trong thị trường lao động hội nhập trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nếu các cơ sở đào tạo chưa cân bằng giữa kỹ năng và kiến thức chuyên môn.

Theo ông Aru David (Giám đốc vùng Tổ chức Assist) khó có nguồn nhân lực chất lượng cao nếu cơ sở giáo dục không cập nhật công nghệ mới. Trong ảnh: Sinh viên ngành công nghệ ô tô của Trường CĐ Nghề TP.HCM trong giờ học lý thuyết (ảnh minh họa)

Đây là đánh giá và cũng là cảnh báo của các chuyên gia trong và ngoài nước tại tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do ĐH Bang Arizona (Mỹ) tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Đến 2030: khoảng 33% lao động có kỹ năng

Trao đổi với các sinh viên tham dự tọa đàm, TS. Jim Garrison (Hiệu trưởng ĐH Ubiquity Clalifornia, Mỹ) cho rằng kỹ năng mềm không chỉ giúp công việc chuyên môn mà còn hỗ trợ nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Theo đó, công việc mang lại thu nhập nhưng để có thu nhập cao và bền vững đòi hỏi phải có kỹ năng. Tại Đông Nam Á, mỗi tháng có hơn 1 triệu người tìm việc nhưng chỉ có khoảng 50.000 người có việc làm và đa phần là nhờ vào kỹ năng mềm.

TS. Jim Garrison cho biết tại Mỹ có 94% người lao động phát triển sự nghiệp nếu có kỹ năng mềm; 85% thành công nhờ kỹ năng mềm và 93% nhà tuyển dụng cần kỹ năng mềm hơn chuyên môn. Nhiều tập đoàn lớn tuyển dụng không để ý đến bằng cấp mà quan tâm đến những tố chất và trải nghiệm đặc biệt. TS. Jim Garrison dẫn chứng Google thường tìm kiếm nhân lực qua các cuộc phỏng vấn và điều họ đánh giá cao không phải ở trình độ IT mà chỉ cần những người đã từng trải qua “đau khổ” (bệnh, tai nạn, sang chấn tâm lý…) để biết thấu hiểu và hòa đồng,  đồng thời biết kết hợp sức mạnh của đám đông. Khi đã tuyển dụng được nhân lực rồi mới tính đến chuyện đưa đi đào tạo, nghĩa là tiêu chí bằng cấp luôn đứng sau kỹ năng. “Dự báo đến năm 2030, thế giới chỉ có khoảng 33% người lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, còn lại 67% phải lo lắng về vấn đề mà họ chưa có kinh nghiệm, cụ thể là kỹ năng mềm. Có đến 94% doanh nghiệp hiểu tầm quan trọng của kỹ năng mềm nhưng chỉ có khoảng 6% trong số đó đang hành động để có sự thay đổi”, TS. Jim Garrison thông tin.

Cũng theo TS. Jim Garrison, một số trường ĐH trên thế giới hiện vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sinh viên ngồi nghe giảng thụ động, đó là thiệt thòi lớn đối với người học. Bản thân sinh viên phải hiểu kỹ năng quan trọng ngang, thậm chí cao hơn kiến thức, từ đó phân bổ thời gian hợp lý để cân bằng cả hai. “Thế giới đang thay đổi từng ngày, yêu cầu của thị trường lao động ngày càng khắt khe cả về kiến thức, kỹ năng và công nghệ cao. Nếu không có sự chuẩn bị để bước vào thế giới siêu phức tạp thì sẽ sớm bị đào thải”, TS. Jim Garrison cảnh báo.

PGS.TS Nguyễn Khánh Đức (giảng viên cao cấp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng tỏ ra lo ngại khi sinh viên tốt nghiệp đi tìm việc bị doanh nghiệp từ chối vì thiếu kỹ năng mềm. Nguyên nhân một phần do nhà trường chưa xây dựng được chương trình đào tạo bám sát yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đức, không quá khó khăn để sinh viên trang bị cho mình kỹ năng trong thời gian thực tập, thực hành ở doanh nghiệp – đó chính là môi trường thuận lợi để phát triển kỹ năng.

Nhà giáo chưa theo kịp công nghệ

“Sinh viên tốt nghiệp đi tìm việc bị doanh nghiệp từ chối vì thiếu kỹ năng mềm. Nguyên nhân một phần do nhà trường chưa xây dựng được chương trình đào tạo bám sát yêu cầu của doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Khánh Đức (giảng viên cao cấp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) nhìn nhận.

Ông John J.M.Vlaar (Giám đốc điều hành, sáng lập viên Electude) khẳng định: Dù học ở môi trường nào, trình độ nào, người học phải có tinh thần tự học là chính. Ngoài ra, bản thân người dạy phải nỗ lực hơn để theo kịp xu hướng công nghệ, từ đó thiết kế bài giảng mà người học là hoạt động chính. Có một thực tế chung là người dạy còn thụ động trong việc chờ sách mới, trong khi có thể tự tìm kiếm tư liệu từ nhiều nguồn ở nhiều quốc gia khác nhau. Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít người dạy không theo kịp sự thay đổi của công nghệ. Sách có độ trễ nhất định so với công nghệ, thông thường sau 5-7 năm mới có sách về công nghệ mới, trong khi nó đã được áp dụng tại các doanh nghiệp.

“Người dạy cũng gặp không ít khó khăn, vì theo họ, khó nhất là tạo động lực cho người học và khó nữa là chạy theo yêu cầu của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến sinh viên tốt nghiệp thiếu (thậm chí không có) kỹ năng hoặc trải nghiệm thực tế”, ông John J.M.Vlaar nhấn mạnh.

Ông Aru David (Giám đốc vùng Tổ chức Assist) cũng đề cập đến kỹ năng và tài năng của người lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên toàn cầu. Với Việt Nam, ông Aru David cho rằng sẽ rất khó có được nguồn nhân lực chất lượng cao nếu cơ sở giáo dục không cập nhật được công nghệ, đồng nghĩa với việc không cung cấp kiến thức cần thiết để hòa nhập thị trường lao động.

Để lao động Việt Nam bước vào cuộc cạnh tranh thị trường lao động thời kỳ hội nhập, ông Aru David thẳng thắn nhìn nhận: Sẽ là một thách thức lớn khi chương trình học chưa thay đổi theo hướng thực hành, ứng dụng. Một trở ngại lớn nữa là hiện nay chưa có nhân lực thông thạo công nghệ và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Điều cần thiết mà Việt Nam phải làm là xây dựng kỹ năng cho người lao động ngay từ khi bước vào trường ĐH.

“Các trường có thể liên kết, tiếp cận với doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ để hợp tác công – tư trong đào tạo chuyên môn cũng như phát triển kỹ năng, như vậy mới có nguồn nhân lực tốt trong tương lai”, ông Aru David gợi ý.

T.Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)