- 1 Giải pháp nào để bảo vệ trẻ em khỏi sữa giả?
Khi vụ việc Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ gần 600 loại sữa bột giả được đưa ra ánh sáng, dư luận cả nước không khỏi hoang mang. Bởi không chỉ là hành vi gian lận thương mại, việc làm giả sữa – đặc biệt là sữa dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ – đã chạm đến ranh giới mong manh giữa sự sống và phát triển lành mạnh của thế hệ tương lai.

Hiểm họa cho sức khỏe của trẻ
Trong một buổi tư vấn tại Phòng khám Nhi và Tiêm ngừa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thạc sĩ – bác sĩ Hồ Ngọc Lợi cảnh báo: việc sử dụng sữa giả có thể gây ra những hậu quả không thể lường trước. Theo bác sĩ, đây là những sản phẩm không đảm bảo thành phần dinh dưỡng như đã công bố, thậm chí có thể chứa tạp chất hoặc phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm cho trẻ em. Trẻ uống sữa giả có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, thậm chí nhiễm độc nếu sữa chứa kim loại nặng hoặc chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép.
“Tôi từng tiếp nhận không ít trường hợp các bé bị tiêu chảy kéo dài và suy dinh dưỡng không rõ nguyên nhân. Sau khi khai thác tiền sử và kiểm định mẫu sữa phụ huynh mang theo, phát hiện sản phẩm có dấu hiệu bất thường, không đạt chỉ tiêu chất lượng – nghi ngờ là sữa giả”, bác sĩ Lợi kể lại. Trong các trường hợp như vậy, việc điều trị trở nên phức tạp hơn, cần kết hợp bù nước, điều chỉnh dinh dưỡng và theo dõi dài ngày để phục hồi.
Không chỉ dừng lại ở rối loạn tiêu hóa, hậu quả còn nghiêm trọng hơn khi nhìn về tương lai phát triển của trẻ. Sữa vốn là nguồn cung cấp năng lượng, chất đạm, vitamin và khoáng chất quan trọng cho quá trình lớn lên – cả về thể chất lẫn trí tuệ. Trẻ uống sữa giả sẽ thiếu các vi chất như sắt, DHA, choline – những thành phần thiết yếu cho phát triển nhận thức và hệ thần kinh trung ương. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng hiện tại, mà còn tạo ra rào cản vô hình trên hành trình phát triển lâu dài.
Trẻ sơ sinh, vốn là nhóm nhạy cảm nhất, lại càng dễ bị tổn thương bởi hệ miễn dịch và tiêu hóa chưa hoàn chỉnh. “Nếu bị tiêu chảy từ sữa kém chất lượng, bé rất dễ mất nước và rối loạn điện giải, đôi khi phải nhập viện cấp cứu”, bác sĩ Lợi cảnh báo thêm.
Sự bất an không chỉ tồn tại trong những buổi khám bệnh. Ngoài cánh cổng bệnh viện, trên khắp các diễn đàn của phụ huynh, mạng xã hội và các nhóm cộng đồng, nỗi lo về sữa giả đang lan rộng.

Chị Hồng Vân, mẹ của một bé gái 2 tuổi ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, tâm sự: “Thật khó tin khi một sản phẩm được bày bán công khai, quảng cáo là có đông trùng hạ thảo, yến sào… lại hóa ra là hàng giả. Mỗi lần pha sữa cho con, tôi luôn nghĩ đó là sự chăm sóc tốt nhất. Giờ thì hoang mang, vì không biết có từng cho con mình uống phải loại sữa đó chưa”.
Trong một siêu thị lớn tại Gò Vấp, anh Nam Trung – một phụ huynh thường xuyên mua sữa cho bé trai 3 tuổi – lặng người khi nhìn thấy tên một trong các nhãn hiệu trong danh sách nghi vấn từng có mặt trong giỏ hàng của mình. Anh nói nhỏ, giọng nghèn nghẹn: “Tôi không dám nghĩ tới chuyện con mình có thể từng uống thứ đó. Giờ tôi chỉ mua hàng ở siêu thị, kiểm tra kỹ từng hộp. Giá có cao cũng được, miễn là an toàn cho con”.
Những tâm sự ấy không còn là chuyện cá nhân. Chúng là hồi chuông báo động về cách người tiêu dùng đang ngày một mất niềm tin vào những sản phẩm vốn được xem là thiết yếu và an toàn.
Cảnh báo từ lực lượng chức năng
Theo thông tin từ Bộ Công an, nhóm đối tượng đã lập ra hai công ty có tên gọi gần giống với các tổ chức dược phẩm, dùng thủ đoạn đăng ký danh mục hơn 570 loại sữa bột với lời quảng cáo “chăm sóc chuyên biệt” cho người già, người bệnh, trẻ sinh non hay phụ nữ mang thai. Nhưng thực tế, các mẫu kiểm nghiệm cho thấy nhiều chỉ số dinh dưỡng thấp hơn 70% so với công bố – đủ cơ sở để xác định đây là hàng giả.
Dây chuyền sản xuất được đặt tại các kho xưởng ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, với thiết bị sơ sài, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, và nhãn mác in giả. Lực lượng chức năng đã thu giữ hàng trăm ngàn sản phẩm thành phẩm và nguyên liệu. Theo điều tra, các sản phẩm này đã được tiêu thụ trên toàn quốc trong suốt 4 năm, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng cho các đối tượng.
Vụ việc không chỉ gây rúng động vì quy mô, mà còn vì danh sách sản phẩm tiêu thụ trải dài từ sữa cho người lớn tuổi đến sữa công thức dành riêng cho trẻ sơ sinh – nhóm đối tượng không thể tự bảo vệ mình trước sự lựa chọn của người lớn.
Đừng để trẻ trở thành nạn nhân của sữa giả
Trước những rủi ro tiềm ẩn, bác sĩ Hồ Ngọc Lợi đưa ra khuyến cáo cụ thể cho phụ huynh: “Hãy chọn mua sữa tại các cơ sở uy tín, kiểm tra kỹ bao bì, mã vạch, tem chống giả và hạn sử dụng. Tránh những sản phẩm rao bán qua livestream, mạng xã hội hoặc có giá bán thấp bất thường. Việc tiết kiệm vài chục ngàn đồng có thể phải trả giá bằng cả sức khỏe của con trẻ”.
Một vài dấu hiệu có thể giúp phân biệt sữa giả bằng mắt thường: sữa thật thường có màu trắng ngà, bột mịn và tan đều trong nước ấm. Trong khi đó, sữa giả có thể có mùi lạ, màu sắc bất thường, vón cục hoặc để lại cặn. Bao bì của sữa giả thường bị in mờ, thông tin thiếu sót hoặc không rõ ràng.
Trong cuộc chiến chống hàng giả, đặc biệt là sữa bột – thứ nuôi dưỡng những năm tháng đầu đời của trẻ em – không chỉ lực lượng chức năng mà cả xã hội cần hành động. Vụ việc vừa qua là một lời cảnh báo đanh thép: sự chủ quan, dễ dãi trong lựa chọn sản phẩm có thể phải trả giá bằng chính sức khỏe của người thân yêu nhất.
Chúng ta không thể kiểm soát hết mọi gian lận đang âm thầm len lỏi ngoài kia, nhưng có thể kiểm soát sự tỉnh táo của chính mình. Một hộp sữa giả không chỉ là sự lừa dối về chất lượng, mà còn là sự đánh cắp cơ hội phát triển, sức khỏe và cả niềm tin của một đứa trẻ chưa thể nói thành lời. Đã đến lúc mỗi phụ huynh không chỉ là người chăm sóc, mà phải trở thành người bảo vệ – bảo vệ bằng hiểu biết, bằng sự cẩn trọng, và bằng chính lòng kiên định trước những lựa chọn dễ dãi.
Thủy Phạm
Bình luận (0)