Tuyên truyền những tấm gương tốt; đưa phòng tham vấn tâm lý lên online; cần có hệ thống nhận biết thông tin học sinh; giáo dục đạo đức, lối sống cho người trẻ… là đề xuất của chuyên gia tâm lý, người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm ngăn chặn tình trạng người trẻ phạm tội hiện nay.
Giáo dục toàn diện cho học sinh góp phần ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội
“Đau đầu” tình trạng người trẻ phạm tội
Tình trạng người trẻ phạm tội không phải là vấn đề mới nhưng thời gian gần đây loại hình vi phạm có đặc trưng riêng. Đa số đối tượng vi phạm không thuộc tổ chức đoàn thể nào, học hành không đến nơi đến chốn, nghề nghiệp bấp bênh, cha mẹ không có thời gian quan tâm hoặc sống trong một gia đình thường xuyên lục đục. Cùng với đó là sự phát triển của công nghệ thông tin, các video, phim ảnh bạo lực tràn lan trên mạng đã tác động đến suy nghĩ, hành động của các em.
Nếu trước đây, tình trạng người trẻ vi phạm chủ yếu là gây rối trật tự công cộng hay đánh nhau… ở mức độ nhẹ thì thời gian gần đây hành vi của họ côn đồ, nguy hiểm, gây bất ổn, bức xúc cho xã hội. Các đối tượng tập họp thành nhóm, có khi lên đến cả trăm người để tham gia gây rối, xúc phạm nhân phẩm, phá hoại tài sản của người khác… Điển hình như vụ “băng nhóm áo cam” xảy ra vào ngày 5-6-2020 tại quán Ốc Hương (Q.Bình Tân), nhóm này có hơn 100 đối tượng do Dương Đại Trí cầm đầu cùng những nghi phạm cộm cán kêu gọi bạn bè trên mạng xã hội và thuê mướn, trả tiền công cho nhiều thanh thiếu niên, trong đó có nhiều đối tượng dưới 18 tuổi.
Tình trạng này còn xảy ra đối với đối tượng học sinh trong môi trường giáo dục gây bất an trong dư luận. Không chỉ đánh hội đồng, đối tượng còn quay video tung lên mạng, những thành viên trong nhóm thì tung hô, cổ vũ mặc cho nạn nhân bị đánh đập, ức hiếp.
Tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội” tổ chức ngày 15-4 vừa qua, Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng (Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) cho biết, từ năm 2018 đến hết quý 1 năm 2021, Công an TP.HCM ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do 884 đối tượng dưới 18 tuổi thực hiện với các vi phạm như: giết người, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng, mua bán trái phép chất ma túy… Cụ thể đối tượng dưới 14 tuổi chiếm 3,6%; từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm 27,3%; dưới 18 tuổi chiếm 69,1%, trong đó đối tượng nam chiếm 96%, nữ là 4%. “Đây là hành vi đáng lo ngại, được mọi người quan tâm, các cơ quan chức rất đau đầu. Hiện ngành công an và ngành GD-ĐT TP cũng vất vả để tìm ra những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm kịp thời” – Thiếu tá Hùng cho biết.
Đông đảo các bạn trẻ tham gia tọa đàm “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội”
Tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An (Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý) cho biết, khi phỏng vấn nạn nhân bị bạo lực đa phần các em đều chia sẻ rằng, khi bị bạn đánh các em đều không bỏ chạy hay phản công mà chỉ đứng yên một chỗ với suy nghĩ “thà bị đục còn hơn chịu nhục”. “Ở lứa tuổi học sinh THCS, THPT cái tôi các em rất lớn do đó vấn đề là chúng ta cần phải đưa ra giải pháp do những đối tượng thấy mà không can ngăn, cần có quy định xử lý rõ ràng…” – tiến sĩ Hòa An chia sẻ quan điểm.
Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống
Về vấn đề này, ông Trần Văn Đạt (quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT) đúc kết: “Việc ngăn chặn tình trạng người trẻ phạm tội không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên việc xử lý vi phạm cũng cần linh hoạt, phải hiểu hoàn cảnh, điều kiện của người phạm tội, tránh tình trạng thù hằng dẫn đến những vụ việc tệ hại hơn…”. |
Việc ngăn chặn người trẻ vi phạm kịp thời rất cần sự phối hợp đồng bộ, nhất là phía nhà trường và gia đình. Theo tiến sĩ Hòa An, hiện nay các trường học đều có phòng tư vấn tâm lý cho học sinh, tuy nhiên các chuyên viên tâm lý mới ra trường lại không đủ kinh nghiệm để hỗ trợ hiệu quả còn các chuyên gia có kinh nghiệm lại không có thời gian và không làm việc một chỗ. Do đó, giải pháp hiệu quả nhất là đưa phòng tham vấn tâm lý lên online để học sinh có thể tương tác và nhờ sự giúp đỡ kịp thời, tránh những hành vi tiêu cực. Bên cạnh đó nhà trường cần tổ chức nhiều sân chơi để học sinh giải tỏa năng lượng cũng như nhà trường có thể nắm bắt được tình trạng của học sinh, giúp đẩy lùi những hành vi xấu.
Với góc độ của mình, ThS. Nguyễn Hồng Ân (quyền Trưởng bộ môn tâm lý học, Trường ĐH Hoa Sen) cho rằng, nếu chúng ta có hệ thống nhận biết thông tin học sinh, sinh viên, hệ thống cảnh báo… sẽ rất tốt vì qua đó sẽ nắm bắt được thông tin các em cũng như có những cảnh báo kịp thời. Bên cạnh đó nhà trường cũng cần tăng cường kết nối với học sinh, sinh viên. Từ những cuộc nói chuyện, trao đổi thầy cô cũng sẽ nắm được tình hình của các em, kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội. Nếu có thể, cơ quan, doanh nghiệp đầu tư ở các vùng ven để tạo công ăn việc làm cho người trẻ, tạo môi trường phát triển cho thanh thiếu niên.
Theo ông Trịnh Duy Trọng (Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM), để góp phần ngăn chặn tình trạng người trẻ phạm tội, nhà trường cần giáo dục toàn học sinh như: tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, kỹ năng sống; phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật; tổ chức hoạt động văn thể mỹ tạo sân chơi cho các em, qua đó rèn luyện học sinh trưởng thành… Song song đó phụ huynh cũng cần phối hợp với nhà trường trong việc quản lý, giúp đỡ, giáo dục học sinh theo quan điểm phòng trước. Từng thầy, cô, từng cha mẹ phối hợp chặt chẽ, nếu làm tốt mọi hành động học sinh có thể kiểm soát, hạn chế các hành vi vi phạm…
Bài, ảnh: Khánh Trinh
Bình luận (0)