Tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, báo cáo chính trị đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của ngành y tế TP. Đó là vẫn còn nhiều bệnh viện (BV) chuyên khoa, đa khoa lớn quá tải… Theo đó, để đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân, ngành y tế TP đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp chấm dứt tình trạng quá tải.
Xung quanh vấn đề này, TS. Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết: Ngành y tế TP đang và sẽ thực hiện 10 giải pháp giảm tải. Giải pháp thứ nhất là tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả đề án “BV vệ tinh”, “Khoa vệ tinh”, “Phòng khám vệ tinh” của các BV chuyên khoa, đa khoa TP cho các BV quận, huyện và BV tuyến tỉnh. Tới thời điểm này các BV TP (như: Chấn thương Chỉnh hình, Nhi đồng 1 và 2, Ung bướu, Hùng Vương, 115, Gia Định, Từ Dũ) đã mở 23 phòng khám và 7 khoa vệ tinh tại BV quận, huyện (Q.2, 4, 5, 6, 9, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè)…
Giải pháp thứ hai là tiếp tục triển khai đề án luân phiên bác sĩ (BS) từ các BV TP xuống các BV quận, huyện còn gặp khó khăn về nguồn nhân lực; BS từ BV quận, huyện xuống các trạm y tế đảm bảo mỗi trạm có ít nhất 1 BS và phấn đấu có 2 BS trong thời gian tới. Đến nay có 17 BV TP và quận, huyện cử 595 BS luân phiên xuống tuyến dưới.
Với 2 giải pháp này, trong năm 2015, nhiều BV quận, huyện đã giảm được số lượt bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên. Điển hình như BV Q.Gò Vấp giảm được 40%, Q.11 – 31%, Q.2 – 22%. Trong khi số lượt điều trị nội trú của các BV quận, huyện tăng 3% so với năm 2014 (349.159 lượt), các BV chuyên khoa TP giảm 3,1%…
Giải pháp thứ 3 là giảm tải ngay ở từng BV bằng cách tăng bàn khám, kê thêm giường, ứng dụng công nghệ thông tin rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, tăng giờ làm việc kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động điều trị ngoại trú, như phẫu thuật trong ngày, giường lưu; chuyển ngược bệnh nhân đã được chẩn đoán, điều trị ổn định, với kế hoạch điều trị tiếp theo cho BV tuyến dưới tiếp tục điều trị.
Giải pháp thứ 4 là tăng cường phối hợp công – tư, sử dụng nguồn giường bệnh hiện chưa sử dụng hết công suất tại các BV ngoài công lập, nghiên cứu các cơ sở pháp lý triển khai thí điểm để các BV đang quá tải có thêm cơ sở 2. Chẳng hạn như BV Nhân dân 115 – BV Thành Đô…
Giải pháp thứ 5 là triển khai quy trình chủ động phối hợp và hỗ trợ các BV TP với BV quận, huyện; BV quận, huyện với các trạm y tế xã, phường. Triển khai quy trình “Phản ứng nhanh” trong cấp cứu người bệnh tại mỗi BV và liên viện. Quy trình này đã được triển khai tại một số cơ sở y tế, kết quả bước đầu đã cứu sống được nhiều trường hợp bệnh nặng. Qua đó tạo niềm tin cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh tại một số BV quận, huyện.
Giải pháp thứ 6 là tăng số lượng giường và chất lượng giường bệnh. Nhiều dự án, công trình đang được triển khai: Xây mới BV Nhi TP, Ung bướu (cơ sở 2); Cải tạo, xây mới lại các BV hiện hữu như BV huyện Bình Chánh, Củ Chi, Gò Vấp; BV Đa khoa khu vực Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức; Từ Dũ, Bình Dân, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, An Bình, Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương…
Giải pháp thứ 7 là tăng số lượng và năng lực nguồn nhân lực y tế cả về nhân lực chuyên môn lẫn quản lý. Cụ thể, tăng quy mô đào tạo BS của Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch, trong vài năm nữa mỗi năm TP sẽ có thêm 1 ngàn BS; chuẩn hóa năng lực chuyên môn BS – định hướng các BS đang công tác tại cơ sở khám chữa bệnh đào tạo sau ĐH theo chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, các BS tham gia giảng dạy theo hướng thạc sĩ, tiến sĩ…
Giải pháp thứ 8 là tăng năng lực và chất lượng khám chữa bệnh tại các BV quận, huyện và trạm y tế. Như: Chuyển giao kỹ thuật cho các BV quận, huyện; định hướng cho các BV quận, huyện đảm bảo bao phủ mô hình bệnh tật phổ biến của địa phương, phát triển thêm các chuyên khoa sản, nhi, ung bướu…; phát triển mô hình BS gia đình tại các trạm y tế…
Hòa Triều (ghi)
Bình luận (0)