Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giải pháp nào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến đầu năm 2024?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các chuyên gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn từ nay đến đầu năm 2024 rất cần sự chủ động, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương nhằm tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa cơ hội từ cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế. Đặc biệt, giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn cho doanh nghiệp (DN) phải đến nơi đến chốn.


Giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn cho doanh nghiệp phải đến nơi đến chốn

Tập trung khai thác thị trường nội địa

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, với tình hình kinh tế khó khăn thời gian qua thì tiêu dùng nội địa, thương mại nội địa vẫn đang đóng vai trò quan trọng là trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong 10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 578.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Từ nay tới cuối năm và năm 2024, ngành công thương đã có giải pháp tham mưu UBND TP thực hiện. Cụ thể, thành phố sẽ chú trọng các nội dung về giá cả hàng hóa, lưu thông hàng hóa trên thị trường, lượng hàng bình ổn thị trường nhất là phục vụ Tết 2024.

TS Huỳnh Phước Nghĩa – Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng đầu tư công là một trong 3 động lực của tăng trưởng kinh tế. Ở phương diện rộng hơn, TP.HCM cần tư duy lại cách tiếp cận đầu tư công trong động lực tăng trưởng dài hạn. Theo đó, bên cạnh lĩnh vực hạ tầng, thành phố nên xem xét đầu tư công những ngành nghề mới mà thành phố đang thu hút đầu tư như công nghệ cao, tài chính, sản xuất công nghiệp…

Ngành cũng đã làm việc với các đơn vị để bình ổn thị trường. Theo đó, sẽ tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại; thực hiện các chương trình, kết nối cung cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa nhằm đem chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng. Ngành cũng tham mưu nhiều chương trình kích cầu, tổ chức các hội chợ, triển lãm để các DN giới thiệu nguồn hàng tronng nước và quốc tế. “Chúng tôi kỳ vọng lộ trình những tháng cuối năm và đầu năm 2024 sẽ tạo điều kiện cho DN thúc đẩy xuất khẩu với những con số tốt đẹp hơn”, bà Ngọc bày tỏ.

Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần chính sách kích cầu để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, trong đó cần tập trung khai thác thị trường nội địa. Thị trường nội địa cũng ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực DN nội địa, do đó giải quyết thị trường nội địa là cần hỗ trợ cho DN. Đây là điểm tất yếu, nếu xử lý được, cùng với đầu tư công sẽ tạo cho kinh tế Việt Nam có nền tảng vững chắc hơn. “Từ nay tới cuối năm nay còn khoảng 2 tháng, trong thời gian này, những cái gì gặt hái được chúng ta cũng đã làm, còn lại sẽ chuyển sang năm 2024. Chính phủ cũng có tinh thần, nỗ lực những tháng cuối năm để tạo lan tỏa cho sang năm”, ông Thiên nói.

Tháo gỡ điểm nghẽn cần có giải pháp căn cơ

Các nhà quản lý, các chuyên gia đều nhận định hiện nay tình hình kinh tế còn khó khăn, có thể kéo dài đến năm 2024. Nhìn tổng thể, khó khăn nhiều hơn nhưng trong bối cảnh chung của quốc tế thì Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng có nhiều điểm tích cực, đó là nỗ lực chòi đạp, chống chịu của DN trong nhiều lĩnh vực, nỗ lực hỗ trợ từ Chính phủ, TP. Những giải pháp không nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt mục tiêu đề ra mà nhằm tạo nền tảng phục hồi, tăng trưởng mạnh hơn trong giai đoạn 2024-2025.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu thì các giải pháp hỗ trợ phải thực sự hiệu quả, đến được với DN. Ông Nguyễn Chánh Phương – Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TP.HCM cho rằng, trong nội địa, phải ghi nhận nỗ lực xúc tiến thương mại của các sở, ngành địa phương nhưng ngành gỗ cũng chịu tác động rất lớn từ thị trường bất động sản. Phần lớn DN nội thất giảm 40-50%. TP.HCM có ngân sách đầu tư công rất lớn nhưng giải ngân không được bao nhiêu. Ngay việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng chưa thúc đẩy được tăng trưởng kích cầu nội địa.

Đề xuất một số kiến nghị, cũng là định hướng của các DN trong hiệp hội bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức – Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, ngành bán lẻ quy mô khoảng 140 tỷ USD, nếu có những chính sách tích cực, ngành bán lẻ sẽ tác động trực tiếp người tiêu dùng. 

Cụ thể, các chính sách sau giai đoạn Covid-19 như giảm 2% thuế giá trị gia tăng tập trung nhiều vào người tiêu dùng cá nhân thì thời gian tới cần tập trung vào DN nhiều hơn để giúp DN tồn tại và phát triển. Những chính sách cần có những hoạch định, áp dụng sớm hơn và mang tính liên tục, dài hơi hơn để các DN có thể tồn tại, phát triển cung ứng của mình.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2023, kinh tế TP tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhất là về công nghiệp và thương mại, dịch vụ, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường.  Dù vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đầu tư toàn cầu sụt giảm, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thì kinh tế TP.HCM không tránh khỏi khó khăn chung. Đơn cử, tình hình xuất khẩu đã sụt giảm đáng kể, 10 tháng năm 2023 giảm 13,4%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng giảm về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 35% kế hoạch vốn được giao,…

Để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm trong các tháng còn lại, UBND TP đã đề ra loạt giải pháp trọng tâm. Trong đó, TP tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2023; triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15; nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.  TP cũng triển khai đồng thời các hoạt động kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường, phát triển du lịch dịp cuối năm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản…

Ngoài ra, ông Đức còn đề xuất quy hoạch tổng thể lại cung cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi. Cần có sự liên kết của các ngành, các hiệp hội để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành. Ví dụ, du lịch hợp lực với thương mại để phát triển. Cần bàn tay vĩ mô để cấu trúc lại để DN quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng.

Trước những điểm nghẽn hiện nay, TS Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng việc tháo gỡ các điểm nghẽn cần đến nơi đến chốn. Ông hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước có nhiều nỗ lực giảm lãi suất nhưng để hiệu quả cần rà lại tất cả các gói tín dụng. “Nếu nhìn trước Covid-19, tình hình có khó khăn nhưng trong bối cảnh thế giới chung hiện nay, chúng ta có nhiều cơ hội. Vì vậy, cần tận dụng cơ hội khi DN  còn sức lực, còn chống chịu được. Muốn vậy, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản ở cả cung và cầu, bởi lĩnh vực này có tác động tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế; cần củng cố thị trường tài chính để tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế”, ông Lịch nói; đồng thời ông cho rằng: “Năm nay có thể không đạt mục tiêu nhưng quan trọng là thể chế chính sách tạo được nền tảng cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo”.

Minh Phương

 

Bình luận (0)