Học sinh Trường THCS Đặng Trần Côn biểu diễn một tiểu phẩm về kỹ năng ứng xử |
Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường (BLHĐ) đau lòng ở nhiều địa phương trên cả nước mà nguyên nhân rất đơn giản: Học sinh dùng lời lẽ thô tục, hăm dọa, xúc phạm lẫn nhau…
Thực tế cho thấy BLHĐ đã để lại nhiều hậu quả đáng lo như gây thương tích, tinh thần hoảng loạn, chấn thương tâm lý cho học sinh. Xét về nguyên nhân, BLHĐ xuất phát từ nhiều mặt, do trẻ thích thể hiện cái tôi, thiếu kỹ năng sống, mức độ hiểu biết về pháp luật hạn chế, thiếu kỹ năng giao tiếp ứng xử, thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc; mê phim ảnh, game, mạng xã hội; thiếu sự quan tâm của gia đình và nhà trường…
Trước thực trạng đó, trường chúng tôi đã chú trọng đến việc xây dựng những giải pháp tích cực để phòng tránh BLHĐ. Cụ thể, nhà trường cho treo nhiều khẩu hiệu, danh ngôn, tranh vẽ tuyên truyền dọc hành lang các lớp học; xây dựng nội quy về tác phong, ngôn phong văn minh, lịch sự; quán triệt theo phương châm: “Nói không với BLHĐ”; tổ chức các giờ hoạt động ngoài giờ lên lớp dưới sân cờ để giáo dục học sinh nhiều kỹ năng sống cần thiết; khuyến khích đội ngũ giáo viên tăng cường phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực “thay chê bai bằng khen ngợi”; xây dựng hoạt cảnh, đố vui và mời chuyên gia tâm lý sinh hoạt giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giao tiếp giúp các em biết cách kiềm chế bản thân, tránh các hành vi có thể dẫn đến BLHĐ…
Tranh vẽ và khẩu hiệu phòng tránh BLHĐ ở hành lang |
Để góp phần phòng tránh các nguyên nhân dẫn tới BLHĐ một cách tối ưu, nhà trường còn kết hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong trường từ bảo vệ, phục vụ, giám thị, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, đội sao đỏ… để chấn chỉnh, giáo dục, ngăn chặn BLHĐ xảy ra. Trong đó, đội ngũ giám thị có vai trò đặc biệt quan trọng, xử lý học sinh vi phạm tới nơi tới chốn. Bất kỳ hành vi không đúng của học sinh đều được giám thị chấn chỉnh nghiêm túc ngay từ đầu, không buông lỏng, không du di nhằm ngăn chặn kịp thời những mâu thuẫn xung đột có thể xảy ra trong và ngoài nhà trường, cũng là để tạo ra thói quen, nếp tốt cho các em. Đặc biệt giám thị luôn giám sát những học sinh chơi theo nhóm, những nhóm nổi trội, ngỗ nghịch ngay đầu giờ, giờ ra chơi và cả giờ ra về. Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng kênh thông tin phản ánh của học sinh và khuyến khích các em khi gặp khó khăn vướng mắc, nên chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình và giáo viên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổng hợp những tin tức trên báo nhằm giúp học sinh cảnh giác, tránh xa những hành vi sai trái có liên quan đến BLHĐ.
Học sinh tự tin chia sẻ ý kiến về kỹ năng giao tiếp qua mạng xã hội |
Bằng nhiều biện pháp tích cực như trên, trong nhiều năm qua, nề nếp và kỷ luật của trường chúng tôi ngày càng đi vào ổn định và có nhiều hiệu ứng tích cực, học sinh chăm ngoan, học tập tiến bộ.
Phạm Thị Thanh
(Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Trần Côn, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Bình luận (0)