Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giải pháp thu hút học sinh vào trường nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức sửa chữa xe gắn máy trong một tiết thực hành
Cơ cấu nguồn nhân lực cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng hiện không đồng đều, hầu hết phụ huynh đều mong muốn con mình vào ĐH, CĐ; nhiều em học TCCN được một năm lại tiếp tục thi vào ĐH. Vậy làm thế nào để thu hút học sinh (HS) vào trường nghề?
Đó là vấn đề được ông Phạm Ngọc Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – đặt ra tại hội thảo “Phân luồng HS sau trung học tại TP.HCM giai đoạn 2013-2020” do Sở GD-ĐT tổ chức tại Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm (ngày 16-7).
Đẩy mạnh hướng nghiệp ở phổ thông
Nhằm giảm tình trạng HS bậc THPT bỏ – nghỉ học, đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong thời gian tới, Sở GD-ĐT TP.HCM đã lập đề án “Phân luồng HS sau trung học từ năm 2013-2020”. Theo đó, đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2013 đến 2015, sẽ có 15% HS tốt nghiệp THCS, 50% HS nghỉ – bỏ học ở bậc THPT, 60% HS tốt nghiệp THPT và bổ túc trung học vào giáo dục nghề nghiệp (GDNN); giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020, sẽ có 30% HS tốt nghiệp THCS, 70% HS nghỉ – bỏ học ở bậc THPT, 70% HS tốt nghiệp THPT và bổ túc trung học vào GDNN.
Để thực hiện những mục tiêu trên, ông Lâm Văn Quản – Trưởng phòng GDCN-ĐH (Sở GD-ĐT TP.HCM) – cho biết: “Một trong những giải pháp cơ bản của đề án là nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp phân luồng cho HS trong nhà trường, trong đó yếu tố tiên quyết là mỗi trường phải có một giáo viên chuyên trách công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS, nếu chưa tuyển được có thể cho giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm”. Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – chia sẻ: “Tôi đã đến các trường hướng nghiệp cho HS, nhưng thấy rằng lực lượng tư vấn hiện nay còn mỏng và yếu, phần lớn người làm công tác này chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn thì làm sao có thể tư vấn tốt? Vì thế, vấn đề cấp bách là các trường phổ thông cần phải có người tư vấn hướng nghiệp được đào tạo bài bản”. Trong khi đó, ThS. Đặng Văn Sáng – Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng – đặt vấn đề tính điểm giáo dục hướng nghiệp cho HS. “Ở bậc phổ thông, giáo dục hướng nghiệp nằm trong chương trình ngoại khóa, không tính điểm nên HS cũng xem như “cưỡi ngựa xem hoa”. Vì thế, chúng ta nên tính điểm để các em coi trọng môn học này hơn”, ThS. Đặng Văn Sáng đề nghị.
ThS. Phạm Đăng Khoa – Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai – nêu lên thực tế: “Một số trường chưa thực hiện triệt để các nội dung cơ bản trong giáo dục hướng nghiệp như tổ chức câu lạc bộ hướng nghiệp (có đến 31% trường không thực hiện bao giờ), tổ chức các diễn đàn (20% trường chưa thực hiện), thành lập phòng tư vấn tâm lý (15,7% trường chưa thực hiện)… nên HS chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc hướng nghiệp”. Từ những hạn chế này, ThS. Phạm Đăng Khoa đưa ra một số đề xuất: Các trường thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu với những cá nhân thành đạt trong nghề, đặc biệt là cựu HS của trường cũng như những người thành công mà chưa qua ngưỡng cửa ĐH; thường xuyên tổ chức cho HS đến tham quan các trường ĐH, CĐ, TCCN, công ty, xí nghiệp… để các em có cái nhìn toàn diện về ngành nghề mình sẽ lựa chọn”.
Những giải pháp từ trường nghề
Bên cạnh việc đẩy mạnh phân luồng ở bậc phổ thông, đại diện các trường TCCN còn đưa ra rất nhiều giải pháp đã thực hiện tại trường để thu hút HS sau THCS vào học nghề.
Ông Hà Thế Vinh – Giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện (Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm) – cho biết: “Từ năm 2006, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm đã mở một cơ sở vệ tinh là Trường THPT Đa Phước. Đến nay trường đã mở thêm 3 cơ sở vệ tinh là Trung tâm GDTX Q.6, Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè để đào tạo tại chỗ cho HS các quận/huyện. Sau khi hoàn tất công tác xét tuyển, nhà trường sẽ chuyển danh sách cho cơ sở vệ tinh để quản lý và phối hợp trong việc gọi nhập học, theo dõi quá trình học tập của HS. Năm đầu mới thành lập chỉ có 101 HS, đến nay đã có gần 500 HS học tại các cơ sở vệ tinh”.
Trong khi đó, Trường CĐ Viễn Đông luôn thay đổi chương trình đào tạo. Ông Lại Quý Văn – Thư ký Ban giám hiệu nhà trường – cho biết: “Từ năm 2012, Trường CĐ Viễn Đông đã được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo liên thông từ TC nghề lên CĐ chính quy. Đây là một hướng đi mới và sau hơn 10 khóa tuyển sinh, chúng tôi nhận thấy HS TC nghề thực sự có tay nghề vững vàng, hiệu quả học tập nhiều khi còn cao hơn cả CĐ chính quy. Từ hiệu quả này, chúng tôi thấy nên để HS không phải thi chuyển tiếp từ TCCN, TC nghề lên CĐ chính quy nhằm khuyến khích các em yên tâm trong quá trình phân luồng. Ngoài ra, đối với HS sau THCS vào học nghề, việc học các môn văn hóa thay vì tập trung trong một năm thì nên chia thành ba gói học kỳ để các em cảm thấy nhẹ nhàng hơn”.
Việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định liên thông cũng hạn chế sức hấp dẫn vào trường nghề của HS. ThS. Đặng Văn Sáng cho rằng: “Việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định liên thông, trong đó quy định “HS muốn thi liên thông ngay thì phải thi các môn văn hóa cùng với kỳ thi chung, còn nếu không thi phải chờ đến 3 năm sau” đã làm nản lòng HS. Một số HS không học nghề nữa mà quyết tâm ôn thi ĐH vào năm sau đã gây lãng phí trong đào tạo, và thị trường lao động cũng thiếu hụt nguồn lao động qua đào tạo”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc đưa HS tham quan các cơ sở sản xuất hay trường nghề mỗi năm vài lần sẽ không đem lại nhiều hiệu quả mà nên có những chính sách để HS có thể thực tập vài tháng ở các lĩnh vực nghề nghiệp mình muốn tham gia để các em hiểu rõ về nghề. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)