Ngành du lịch TP.HCM cho rằng, để hút khách quốc tế trở lại TP.HCM cần có những chính sách mở, xem khách quốc tế như khách Việt Nam, không phân biệt đối xử, không “cứng nhắc” trong các quy định.
Các lễ hội lớn là cơ hội để TP.HCM hút khách du lịch
Xem khách quốc tế như khách Việt Nam
Trước thềm đón khách quốc tế trở lại TP.HCM, các doanh nghiệp đã có những đề xuất tạo lòng tin cho du khách.
Theo ông Võ Anh Tài (Phó Tổng Giám đốc Saigontourist), hiện nay TP.HCM đã đạt cấp độ “vùng xanh”. Để khách quốc tế trở lại, TP.HCM cần có chính sách đặc thù, đồng bộ, có sự liên kết, thống nhất với các địa phương, không để xảy ra tình trạng khách đến TP.HCM có quy định này, đến địa phương khác lại gặp quy định khác, gây xảy ra tình trạng “phân biệt đối xử” với khách quốc tế. Bên cạnh đó, TP.HCM cần đẩy mạnh quảng bá điểm đến, bởi trong các chuyến bay từ nước ngoài đến Việt Nam, không chỉ đơn thuần có hành khách đi du lịch, nghỉ dưỡng mà còn có những khách đến Việt Nam công tác, làm ăn, đầu tư. Cho nên, việc quảng bá điểm đến an toàn như thế nào, hấp dẫn ra sao để họ biết và tin điểm đến của TP đúng với tiêu chí đã đặt ra “TP.HCM là điểm đến an toàn, hấp dẫn”.
Một đoàn khách quốc tế đến Cần Giờ trong thời điểm TP.HCM thí điểm đón khách quốc tế
Trong khi đó, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng (Phó Tổng Giám đốc Vietravel) cho rằng, TP.HCM được mệnh danh là TP đêm nhưng thời điểm này TP chỉ “dừng lại” ở 22 giờ. Do đó, TP cần tính toán sao để các địa điểm vui chơi, giải trí có thể trở lại như trước đây, vẫn sáng đèn sau thời gian trên để phục vụ khách quốc tế. Ngoài ra, việc test PCR của du khách cũng cần được các cơ sở y tế, bệnh viện hỗ trợ. “Từ ngày 15-3, Chính phủ cho phép toàn ngành du lịch chính thức mở cửa. Lãnh đạo ngành du lịch TP cần làm việc với các cơ sở lưu trú, coi khách quốc tế như khách Việt Nam. Bởi trước khi đi du lịch đến nước ta, họ đã đủ điều kiện nhập cảnh như: tiêm 2 mũi vắc-xin, test PCR. Vậy chúng ta không nên bắt họ phải thực hiện thêm những quy định khắc khe khác gây khó khăn, phân biệt đối xử với họ”, bà Hoàng góp ý.
Nhiều sự kiện phục vụ du khách
Chia sẻ về sự chuẩn bị để đón khách quốc tế, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) cho biết, trước mắt, Sở du lịch TP tổ chức Lễ hội Áo dài và mời gọi các đại sứ, lãnh sự, nhân viên ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cùng tham gia, làm đại sứ để quảng bá, lan tỏa tình yêu áo dài cho bạn bè quốc tế. Thông qua Lễ hội Áo dài, ngành du lịch TP muốn quảng bá văn hóa, địa điểm, du lịch của Việt Nam nói chung và TP.HCM ra quốc tế. “Trong năm 2022, chúng tôi nhấn mạnh tôn vinh ẩm thực TP.HCM, xem đây là một thế mạnh quảng bá du lịch với các địa điểm trong khu vực và thế giới. Tháng 12, chúng tôi tổ chức giải chạy marathon, lễ hội khinh khí cầu và lễ hội ẩm thực, giúp du khách đến có thể tham gia được nhiều sự kiện cùng lúc”, bà Hoa bật mí.
Ngoài ra, Sở du lịch TP.HCM cũng tìm kiếm sự đồng hành từ các doanh nghiệp, để tăng cao trải nghiệm ở các hoạt động du lịch đã có, sáng tạo thêm nhiều trải nghiệm du lịch mới. Được biết, Sở du lịch đang làm việc với Hội Mỹ thuật TP, sắp tới sẽ có cuộc thi thiết kế các điểm check-in trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác đào tạo, để lực lượng nhân sự, dịch vụ du lịch có chất lượng, chiều sâu, từ đó cạnh tranh được với các nơi khác. “Chúng ta hãy sẵn sàng tâm thế phục vụ du lịch trở lại, kể cả du lịch trong nước và khách nước ngoài, phục vụ với tâm thế dịch vụ chất lượng, bằng cả tấm lòng, thiện chí, sự cởi mở của điểm đến TP. HCM trong sự trở lại lần này. Chúng tôi mong các doanh nghiệp lan tỏa tinh thần này đến từng nhân viên trong công ty mình, giúp du khách cảm nhận được sự cởi mở, họ thấy được sự chuyển biến rõ rệt, đạt mục tiêu đến năm 2020, TP.HCM trở thành một đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á. Chúng ta cần phải làm gấp 2, gấp 3 những gì đang làm để sớm đạt được mục tiêu đề ra”, bà Hoa cho biết.
Bà Nguyễn Thị Khánh (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM) kiên quyết: “Chúng tôi sẽ kiến nghị với Chính phủ khôi phục lại chính sách như trước dịch. Hiện tại chưa được nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị để hỗ trợ mở cửa du lịch hoàn toàn. Trong tình hình hiện nay, các khó khăn, kiến nghị đều dồn dập về phía cơ quan lập chính sách Nhà nước. Do đó tôi cũng mong muốn các cơ quan, sở, ban, ngành chủ động hơn để kiến nghị lên các cơ quan Nhà nước, dù là Chính phủ hay Tổng cục Du lịch”. |
Theo bà Hoa, trước mắt, bên cạnh các cạnh tranh về an toàn, y tế, chính sách thì ngành du lịch có thể làm được ngay là cạnh tranh về giá. Không phải giá rẻ, nhưng doanh nghiệp có thể đẩy mạnh bán hàng theo combo, các doanh nghiệp hãy chủ động liên kết với nhau, trở thành đối tác của nhau để giá dịch vụ được giảm, bán theo trọn gói. “Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều sự kiện để các doanh nghiệp có cơ hội gặp mặt, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác”, bà Hoa nhấn mạnh.
Với góc độ của mình, bà Nguyễn Thị Khánh (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM) cho rằng, trong khi chờ đợi các quy định, chính sách từ Chính phủ thì chính ngành du lịch TP.HCM nên chủ động để chuẩn bị trước, lập các kế hoạch sẵn sàng. “Các sự kiện gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác giao thương, chúng tôi nhận thấy rất cần thiết. Chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức để các công ty du lịch tìm kiếm được đối tác, nguồn cung cấp dịch vụ”, bà Khánh khẳng định.
Về nguồn nhân lực, bà Khánh thông tin, lãnh đạo ngành du lịch sẽ tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn và nâng cao. Các đối tác đào tạo như: Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn… Đây là lợi thế mà ngành du lịch sẽ khai thác. Thậm chí ngành du lịch cũng mong muốn đào tạo cho người dân địa phương ở các địa điểm, điểm đến.
Hồ Trinh
Bình luận (0)