Ngày 28-4-2021, tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng Thành ủy TP.Cần Thơ tổ chức “Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu giải pháp và kiến nghị để thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch –Đầu tư (KHĐT), Việt Nam có trên 7.500 doanh nghiệp (DN) chế biến nông lâm thủy sản (NLTS) gắn với xuất khẩu, và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Mỗi năm có khả năng chế biến, sơ chế bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu NLTS. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Tuy nhiên mới chiếm 1,95% giá trị nhập khẩu NLTS của thế giới, vì vậy thị trường tiêu thụ NLTS thế giới với 7,8 tỷ người sẽ còn nhiều dư địa để Việt Nam khai thác.
Qua một ngày làm việc, Hội nghị tập trung đánh giá tổng quan lĩnh vực chế biến và phát triển thị trường nông sản trong bối cảnh mới đan xen nhiều thách thức và cơ hội, đặc biệt trong sự biến đổi linh hoạt và nhanh chóng xu thế công nghệ chế biến của thế giới, vấn đề ứng dụng công nghệ số vào tối ưu hóa sản xuất, tài nguyên trong chế biến nông sản của thế giới và hướng tiếp cận với Việt Nam. Áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu…
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu những giải pháp và kiến nghị chung quanh chủ đề hội nghị, trong đó giao Cục Chế biến và phát triển thị trưởng Nông sản là đầu mối tham mưu lãnh đạo Bộ triển khai các giải pháp hỗ trợ DN vừa và nhỏ, và các hợp tác xã. Phối hợp các đơn vị của Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) triển khai Chương trình phát triển thị trường KHCN quốc gia, tập trung vấn đề ứng dụng chuyển giao công nghệ, thương mại hóa thị trường công nghệ phục vụ khâu sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản… Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội ngành hàng và các DN phối hợp để duy trì kênh phân phối, đi sâu vào nội địa, kết hợp mở rộng kênh tiêu thụ nông sản tại thị trưởng quốc tế. Trong đó cần giải quyết các nút thắt để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước, đặc biệt là các thị trường trọng điểm để gia tăng kim ngạch xuất khẩu; Đồng thời hợp tác giải quyết các khó khăn trong dịch vụ hậu cần logistic phục vụ xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hóa, thương mại điện tử để phát triển đa dạng loại hình kinh doanh, đáp ứng sự phát triển của công nghệ số hóa hiện nay.
Đan Phượng
Bình luận (0)