Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 11-7-2023, tại TP.Cần Thơ, Hội đồng liên kết vùng tổ chức Ngày hội chuyển đổi số du lịch TP.Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL với chủ đề “Chuyển đổi số du lịch – Động lực phát triển bền vững”. Tại ngày hội, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi số trong ngành du lịch.


Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại ngày hội

Diễn ra trong một ngày, sự kiện bao gồm nhiều hoạt động: Tổ chức không gian triển lãm, trưng bày giới thiệu các nền tảng công nghệ trong du lịch, xúc tiến thương mại trực tiếp giữa các đơn vị công nghệ và du lịch. Giao thương giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch với các doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ công nghệ để tìm kiếm cơ hội hợp tác triển khai các ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, kinh doanh du lịch… Tổ chức phiên tọa đàm chuyên đề 1: Xu hướng công nghệ du lịch mới và thực tiễn ứng dụng công nghệ vào du lịch tại Việt Nam; Động lực tăng trưởng bằng công nghệ số cho ngành du lịch, Chuyển đổi số để tăng trưởng bền vững và Tọa đàm chuyên đề 2:  “Thúc đẩy du lịch ĐBSCL thông qua chuyển đổi số: Nền tảng kết nối hệ sinh thái du lịch theo hành trình khách hàng”.


Các đại biểu dự ngày hội

Diễn đàn đã mang đến góc nhìn tổng thể về chuyển đổi số (CĐS), đặc biệt là trong du lịch, cùng với những giải pháp nền tảng là xây dựng cơ sở dữ liệu… TS. Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam) nêu các giải pháp tổng thể về CĐS trong du lịch. Theo đó, việc số hóa, khi tiến tới sự phổ cập toàn bộ, vô hình chung đã tạo ra “một thứ ngôn ngữ toàn cầu” (giống như tiếng Anh hiện nay), vượt qua mọi không gian – thời gian, vượt qua mọi đường biên giới, rào cản văn hóa, đặc thù, đẳng cấp, thế hệ… CĐS trước hết là về tư duy, để hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới do những chuyển biến mà số hóa tạo nên. Do vậy, CĐS trong du lịch là cách thay đổi phương thức tiếp cận, trải nghiệm, thanh toán… cho du khách. Từ chỗ khách du lịch bị động trong các tour, du khách có thể trải nghiệm thực tế ảo về điểm đến, tự lên lịch trình và thanh toán trực tuyến trước các chuyến đi của mình.

Các địa phương cần chú trọng vào 3 vấn đề chính: Chuyển đổi nhận thức về CĐS ở cấp lãnh đạo. Nguồn nhân lực phục vụ CĐS cần được đào tạo bài bản, trang bị đủ kỹ năng để làm chủ được công nghệ. Các địa phương cần liên kết thành một thể thống nhất để tránh dẫm chân nhau về sản phẩm du lịch, cũng như sử dụng được các tài nguyên lẫn nhau một cách tối ưu.


Sở Du lịch TP.HCM và sở văn hóa, thể thao – du lịch 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL ký kết MOU về hỗ trợ các ứng dụng công nghệ

Đại diện TP.HCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, để liên kết vùng đạt hiệu quả cao trong CĐS ngành du lịch, cần xây dựng nền tảng dữ liệu về du lịch và đẩy nhanh xây dựng đề án trung tâm du lịch thông minh cho toàn vùng. Trong công tác điều hành, cần sử dụng phần mềm robot hoạt động 24/7 liên tục quét nội dung trên môi trường mạng, phân tích, theo dõi phát hiện các nội dung có mục đích xấu đến ngành du lịch để đưa ra các cảnh báo sớm.

Trong công tác quảng bá, cần mở rộng xuất hiện ở những kênh, nền tảng đang được người dùng sử dụng nhiều; thay vì chỉ ở những kênh truyền thống. Tiêu biểu như các nền tảng Zalo, Facebook, TikTok, Youtube…

Xác định vai trò quan trọng, là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, đại diện TP.Cần Thơ, ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND thành phố, chia sẻ: Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL được triển khai từ năm 2019, với mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các địa phương. Trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng, với kế hoạch, chương trình hành động cụ thể được các địa phương thống nhất và xây dựng hàng năm. Trong đó, CĐS du lịch là một trong những hoạt động trọng tâm của Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2023.


Các đại biểu tham quan, tìm hiểu tại các gian hàng giới thiệu nền tảng công nghệ trong du lịch

Thời gian qua, thực hiện CĐS trong ngành du lịch, Cần Thơ đã triển khai cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh TP.Cần Thơ trên thiết bị di động. Qua đó, đã góp phần phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ công tác quản lý hoạt động du lịch, kết nối người dân, du khách và doanh nghiệp tương tác, chia sẻ dữ liệu. Cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh TP.Cần Thơ đã thu hút hơn 8 triệu lượt khách truy cập, tương tác, với số lượng truy cập trung bình mỗi ngày hơn 7.000 lượt.

Phát biểu bế mạc ngày hội, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng  TP.HCM kỳ vọng 14 tỉnh, thành đấy mạnh tiến trình CĐS một cách đồng bộ không chỉ riêng từng địa phương, nhằm phát huy lợi thế, thế mạnh của nhau trong xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến và nhất là có thể chia sẻ dữ liệu về thị trường: “Để tiến trình CĐS của vùng hiệu quả, góp phần thúc đẩy du lịch vùng phát triển bền vững, TP.HCM đề xuất: Trong các hoạt động liên kết vùng sắp tới, tiếp tục tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về CĐS giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa doanh nghiệp nhằm giúp các đơn vị, tổ chức có thể cập nhật kịp thời sự phát triển chung của thế giới, tối ưu hóa tiến trình tiếp cận các giải pháp CĐS của đơn vị, địa phương mình hiệu quả. Tăng cường liên kết giữa các địa phương về CĐS, đặc biệt là hỗ trợ để ứng dụng các nền tảng công nghệ trong quản lý, quảng bá xúc tiến du lịch của từng địa phương. TP.HCM sẽ tích cực, chủ động chia sẻ, hỗ trợ các địa phương để cùng nhau CĐS hiệu quả. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp CĐS và vinh danh các doanh nghiệp tiên phong CĐS và thực hiện hiệu quả nhằm khuyến khích và thúc đẩy tiến trình CĐS trong du lịch” – ông Dương Anh Đức chia sẻ.

Đan Phượng

Bình luận (0)