Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giải phóng tư duy của thầy và trò

Tạp Chí Giáo Dục

Việc đổi mới môn học theo hướng mở thể hiện quyết tâm đột phá mạnh mẽ, dứt khoát của Bộ GD-ĐT trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đổi mới, làm mới từ gốc đến ngọn, làm bài bản từ thấp đến cao; có sự dày công khảo sát, nghiên cứu, tổng hợp từ thực tiễn dạy và học trong thời gian qua.

Nhưng sự thụ động, trì trệ đã ăn sâu vào máu của ngành giáo dục hàng chục năm nay. Tư duy giáo dục còn đóng khung trong sách vở, không thể bay thoát ra ngoài bìa sách được. Bản thân tôi từng chấm một bài làm văn của học sinh; đề bài yêu cầu liên hệ với thực tế khi phân tích nhân vật chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố), em đã kết luận: “Tóm lại, từ xưa đến nay, người nông dân bao giờ cũng là người khổ nhất, người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội”. Tôi phải gặp riêng và nói nhỏ với em rằng: “Em viết như vậy, nếu bài thi tốt nghiệp THPT thì không những em rớt mà thầy… cũng rớt!”. Tư duy của tôi cũng nằm gọn trong trang sách, không ai cho bay xa.

Bây giờ học theo hướng mở, nếu học sinh viết như trên và có dẫn chứng, có lập luận vững chắc, thuyết phục thì theo tôi, vẫn đạt điểm cao. Chứ không phải các em tự dối lòng mình; thầy cũng tự dối lương tâm mình để viết ra những điều không đúng với suy nghĩ; nói cách khác là suy nghĩ một đằng nhưng khi viết thì phải viết một nẻo.

Đa dạng cách tiếp nhận kiến thức bởi cuộc sống luôn vận động, muôn hình muôn vẻ. Một khi tư duy được “cởi trói” thì tâm hồn, trí tuệ sẽ bay cao. Cũng không nên sợ học sinh không hiểu, không tiếp thu bài kịp vì các em bây giờ rất nhanh nhạy, thông minh. Nếu khơi được mạch ngầm tư duy bấy lâu bị dồn nén, tôi tin sẽ có những dòng nước mát của kiến thức sẽ tràn đầy cánh đồng cuộc sống. Và người dạy cũng phải xác định tầm quan trọng của việc dạy theo hướng mở. Hãy mạnh dạn, dù đau đớn cũng phải trút bỏ tư duy cũ, cách dạy cũ theo cách nghĩ thay, cảm nhận thay, hiểu thay cho trò!

Mạnh dạn tiếp nhận cách dạy theo hướng mở, biết mở theo hướng nào, dừng lại ở nơi nào để “dư âm” của bài giảng còn đồng vọng. Điều đó đòi hỏi người dạy không ngừng học hỏi, không giấu cái yếu kém của mình để tự hoàn thiện. Từ đó, chúng ta mới có được đầy đủ năng lực và bản lĩnh để “chiến đấu”.

Học theo hướng mở, bước đột phá để giải phóng tư duy thầy và trò, và cũng là cơ hội “lửa thử vàng, gian nan thử sức” của toàn ngành giáo dục.

Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)