Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giải quyết gút mắc hợp tình, hợp lý

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học tiếng Anh do giáo viên bản ngữ đứng lớp (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Năm học 2012-2013, ngành giáo dục khuyến khích các trường tiểu học có điều kiện thì đưa môn tiếng Anh vào dạy cho học sinh (HS). Trường X. là trường có cơ sở vật chất yếu kém nhưng cũng muốn cho các em HS được học tiếng Anh. Đây là năm đầu tiên trường được sự chấp thuận của ngành áp dụng chương trình dạy tiếng Anh bằng phần mềm Phonix vào chương trình học chính khóa, từ khối 1 đến khối 5. Khi nghe thông tin trên, HS rất háo hức, còn giáo viên (GV) cũng cảm thấy vui vì các em bớt thiệt thòi hơn so với HS trường bạn.
Trong hội đồng sư phạm, hiệu trưởng phân công GV chủ nhiệm các lớp thu hộ học phí 70.000 đồng/tháng/HS, nhà trường sẽ có chế độ bồi dưỡng từ nguồn thu này. Theo văn bản quy định, trung tâm sẽ để lại 15% học phí (10.500 đồng/tháng/HS) cho nhà trường tự sử dụng.
Đầu tháng 11, GV được ký nhận hỗ trợ nửa tháng 10 là 3.000 đồng x sĩ số HS lớp; công nhân viên ký  nhận 30.000 đồng/người. Mọi việc diễn ra tốt đẹp, chưa có điều gì xảy ra. Đầu tháng 12, GV ký nhận một tháng hỗ trợ từ học phí là 5.000 đồng x sĩ số HS lớp, công nhân viên ký nhận 80.000 đồng/người. Hai ngày sau, có 3 GV lên gặp trực tiếp hiệu trưởng thắc mắc: “Tại sao nửa tháng 10 GV được nhận hỗ trợ là 3.000 đồng/HS, trong khi tháng 11 lại giảm còn 5.000 đồng/HS?”, các công nhân viên cũng thắc mắc: “Tại sao họ cũng làm việc trong giờ dạy tiếng Anh mà chỉ được hỗ trợ quá ít?”. Tập thể GV xôn xao số tiền còn lại sử dụng như thế nào? Ai sử dụng? Hiệu trưởng chưa vội giải thích nên không khí nhà trường lúc này rất căng thẳng.
Cách giải quyết của hiệu trưởng
Hiệu trưởng vốn là người rất nguyên tắc nhưng nhạy cảm, sống thiên về tình cảm, ít nói, dễ xúc động nên khi nghe GV thắc mắc đã rất buồn. Do đó, hiệu trưởng đã đưa vấn đề trên vào họp bàn trong chi bộ và liên tịch nhà trường nhằm tìm cách giải đáp thắc mắc. Trong cuộc họp, hiệu trưởng đã trình bày bằng văn bản và bảng chi hỗ trợ học phí tiếng Anh rất cụ thể, rõ ràng… Sau đó, hiệu trưởng đề nghị đại diện các bộ phận có bước giải đáp trước ở tổ và xem còn thắc mắc nào xoay quanh vấn đề này để hiệu trưởng giải đáp trong cuộc họp hội đồng sư phạm sắp tới. Và trong cuộc họp hội đồng, hiệu trưởng cũng công khai mọi việc chi liên quan đến nguồn thu hỗ trợ tiếng Anh, rồi sau đó dán lên bản thông tin của trường. Giờ đây mọi thắc mắc đã được sáng tỏ, xua tan cái không khí âm ỉ, nằng nặng của một tuần trước.
Phân tích
Theo tôi, cách giải quyết của hiệu trưởng trong tình huống trên vừa mang tính nguyên tắc quản lý Nhà nước, vừa thể hiện tính nhân văn trong hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Ngay từ đầu, hiệu trưởng đã thể hiện nguyên tắc đảm bảo tính chính trị trong cách giải quyết của mình. Từ văn bản của ngành giáo dục, hiệu trưởng đã mạnh dạn tham mưu với cấp trên để HS của trường được học tiếng Anh. Việc chi từ nguồn hỗ trợ cũng đã được thực hiện theo văn bản phù hợp với tình hình thực tế đơn vị.
Khi có những thắc mắc xảy ra xung quanh việc chi hỗ trợ, hiệu trưởng không nóng vội giải đáp mà thể hiện chức năng thông tin và giao tiếp nhằm nắm bắt thông tin từ nhiều phía vì đó là công cụ trong hệ quản lý. Ngoài ra, hiệu trưởng đã vận dụng rất khéo nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc đưa vấn đề ra cuộc họp Chi bộ và liên tịch nhà trường để tranh thủ mọi ý kiến, hiến kế cách giải đáp và hơn hết hiệu trưởng không cần giải đáp thắc mắc nữa mà tập thể sẽ giải đáp giúp hiệu trưởng. Qua cách giao tiếp với các thành viên trong cuộc họp, hiệu trưởng đã khẳng định được năng lực quản lý, giữ chữ tín trong quản lý qua việc công khai minh bạch bằng văn bản các khoản chi hỗ trợ…
Cách giải quyết trên còn cho thấy hiệu trưởng đã giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, khoa học mang lại hiệu quả cao nhất đó là giải đáp được thắc mắc mà vẫn giữ được các mối quan hệ, giữ được khối đoàn kết thống nhất trong đơn vị. Đây chính là một trong những mục tiêu lâu dài để xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh.
Bài học kinh nghiệm
Qua cách giải quyết trên, bản thân tôi rút ra cho mình một số bài học kinh nghiệm trong quá trình công tác. Nếu như ngay từ đầu hiệu trưởng xây dựng cho đơn vị kế hoạch chi từ nguồn hỗ trợ học phí tiếng Anh và công khai trong hội đồng sư phạm thì đã không có những thắc mắc xảy ra. Để xây dựng được kế hoạch chi phù hợp cũng nên đưa chủ định chi của mình vào hội đồng sư phạm để tập thể bàn bạc thể hiện tính tập trung dân chủ.
Nguyên tắc quản lý là những tri thức cơ bản mang tính chuẩn mực. Phương pháp quản lý là lĩnh vực sáng tạo của người quản lý. Việc thể hiện các nguyên tắc quản lý trong khi vận dụng các phương pháp quản lý cần mềm dẻo, linh hoạt, kết hợp tối ưu các phương pháp phù hợp với nguyên tắc nhằm đạt kết quả cao nhất đó là nghệ thuật và tài năng của người quản lý. Do vậy, người hiệu trưởng phải có tri thức, vừa phải có kinh nghiệm nghề nghiệp, vừa phải tự bồi dưỡng nghệ thuật giao tiếp, ứng xử tinh tế và đầy thông cảm với con người để tự mình giải quyết các tình huống cụ thể, đa dạng, biết tổ chức một cách khoa học hoạt động quản lý nhằm đạt kết quả cao nhất.
Mai Ngọc Trường Hận

Bình luận (0)