Ngoài mối quan hệ với người thân, trẻ còn có mối quan hệ thân thiết với bạn bè. Ảnh: N.Trinh
|
Đến tuổi đi học, ngoài mối quan hệ với cha mẹ, người thân, thầy cô, trẻ đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ với bạn bè. Đối với các em, không gì đau khổ bằng bị bạn bè tẩy chay vì nảy sinh xung khắc.
Tuy nhiên, kinh nghiệm sống và vốn hiểu biết của các em còn hạn chế nên việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong tình bạn không phải là dễ. Là cha mẹ, chúng ta hãy giúp trẻ dàn xếp hợp lý những xung khắc mà các em gặp phải. Đó cũng là cách giáo dục kỹ năng và giá trị sống cho các em trong thiết lập các mối quan hệ xã hội sau này.
Vì sao trẻ hay cãi nhau?
Chị Hương Thảo (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bày tỏ bức xúc khi nói về cách xử lý các tình huống trong quan hệ tình bạn của đứa con gái năm nay lên 8 tuổi. Hầu như ngày nào cũng có chuyện xảy ra, không cãi nhau, gây chuyện thì la hét, khóc lóc, chạy vào nhà đóng sầm cửa lại. Chị tâm sự: “Tôi vẫn biết trẻ chơi với nhau thì không thể tránh khỏi chuyện cãi nhau. Nhưng ngày nào cũng tức tối, đánh nhau, xích mích dẫn đến không khí căng thẳng mà chính cha mẹ cũng phải bó tay, buộc đứa nào về nhà đứa đó thì quả là đau đầu”.
Thực tế, không ít bậc cha mẹ đã rơi vào tình huống khó xử như chị Hương Thảo. Song, suy cho cùng, bất kể trẻ nào ở gần nhau quá lâu rồi cũng sẽ có lúc cãi nhau. Vấn đề là ở chỗ các em xử lý tình huống đó như thế nào để không dẫn đến mất mát, đổ vỡ trong tình bạn. Trẻ vốn vô tư, nên có thể rất dễ bỏ qua cho nhau để chơi tiếp. Nhưng không tránh khỏi những day dứt, tổn thương khi có xung đột xảy ra. Do đó, cha mẹ cần giúp trẻ xây dựng kỹ năng để vượt qua những mâu thuẫn trong quan hệ tình bạn.
Những điều cha mẹ nên làm
Cha mẹ có thể giúp trẻ đưa ra một số cách để xin lỗi bạn như trực tiếp gọi điện thoại trò chuyện, cùng trao đổi, đề nghị bạn cùng nhau bỏ qua và chắp lại mối quan hệ…
|
Đầu tiên là bày tỏ thông cảm. Các cuộc cãi nhau giữa bạn bè là điều gay cấn đối với mọi người, đặc biệt giữa các trẻ với nhau. Khả năng xảy ra nhiều nhất là các bên đều bị tổn thương. Do đó, cha mẹ hãy bày tỏ thái độ nhận biết sự tổn thương đó. Chẳng hạn như: “Ngày trước bác cũng đã từng rơi vào tình huống như thế, các bạn của bác đã khó khăn lắm mới giảng hòa được”, hay “Bác biết đứa nào cũng cảm thấy bức xúc, khó chịu”… Thứ hai là tìm ra nguyên nhân thật của cuộc xung đột. Cha mẹ hãy trao đổi với trẻ là chuyện gì thực sự dẫn đến các cuộc cãi nhau này. Nguyên nhân xuất phát từ đâu? Có ai trong cuộc cảm thấy không được lắng nghe hay bị ức hiếp không?… Phụ huynh cần hỏi thêm ý kiến của bạn bè trẻ, giáo viên để biết rõ về con mình. Hãy so sánh các nhận xét một cách tế nhị để trẻ cảm thấy được tin tưởng, tìm về căn nguyên của vấn đề và bắt đầu từ đó để thay đổi tình hình. Thứ ba là khuyến khích trẻ tự giải quyết vấn đề. Suy cho cùng, luyện tập giải quyết các tình huống có thật trong cuộc sống thực tế là cách tốt nhất cho trẻ học kỹ năng sống. Tuy nhiên, không phải cuộc tranh cãi nào trẻ cũng tự giải quyết được. Do đó, cha mẹ cần vào cuộc kịp thời để định hướng cho chúng cách xử lý tình huống. Thứ tư là dạy cách giải quyết xung khắc để tất cả mọi trẻ đều bằng lòng, nhưng đừng nóng vội. Cha mẹ hãy là người trọng tài công minh nhất, hướng dẫn các trẻ biết dừng lại và lấy bình tĩnh. Giải thích cho trẻ hiểu chuyện cãi nhau sẽ chẳng đi đâu tới đâu, mà chỉ thêm căng thẳng. Khi trẻ bắt đầu biết im lặng để lắng nghe thì cha mẹ nên đưa ra một số quy tắc nói chuyện như: Đồng ý nghe, không ngắt lời, không bỏ ngang… Do đó, cần phải cố gắng tìm ra một giải pháp công bằng cho cả hai bên. Đồng thời, khuyến khích trẻ phải biết sống vị tha, biết bỏ qua lỗi lầm của bạn để sống tốt hơn. Tuy nhiên, tình bạn của trẻ chỉ có thể bền vững khi chúng biết tự giải quyết êm xuôi các vấn đề của mình. Do đó, cha mẹ phải biết rút lui đúng lúc. Thứ nămlà khuyến khích trẻ sửa sai. Sau khi cuộc xung đột được giải quyết, cha mẹ cần giúp các trẻ nhận thấy lỗi lầm của mình khi đã làm tình bạn bị tổn thương và khuyến khích trẻ sửa sai. Cha mẹ có thể giúp trẻ đưa ra một số cách để xin lỗi bạn như trực tiếp gọi điện thoại trò chuyện, cùng trao đổi, đề nghị bạn cùng nhau bỏ qua và chắp lại mối quan hệ với nhau. Đồng thời rút kinh nghiệm để những lần sau có chơi với nhau cũng không làm nảy sinh xung đột nữa. Nhưng trẻ vốn cố chấp, rất đề cao cái tôi nên khó để chấp nhận cái sai của mình và thay đổi nó. Do đó, cha mẹ phải luôn động viên trẻ rèn tính kiên nhẫn để giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong khi chơi với các bạn.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học, Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Giải quyết tốt các xung đột trong tình bạn là một trong những kỹ năng rất cần thiết để trẻ có thể tiếp tục tồn tại và phát triển trong đời sống xã hội đa dạng. Điểm then chốt là trẻ vừa phải học được cách giải quyết các vấn đề vừa học cách thực hiện được những điều đó êm xuôi, biết cách bình tĩnh để tất cả các trẻ có liên quan đều cảm thấy mình không bị thua thiệt. Đó là cách tốt nhất để giảm thiểu cãi nhau và khôi phục lại tình bạn giữa các trẻ. |
Bình luận (0)