Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giải quyết người lang thang ăn xin: Không để trách nhiệm chung chung như hiện nay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cảnh trẻ em ăn xin như thế này vẫn còn là một khó khăn cho các cơ quan chức năng trên địa bàn TP

Sáng ngày 6-7, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã tổ chức buổi họp bàn hướng giải quyết vấn đề người lang thang ăn xin sinh sống trên địa bàn thành phố. Tại buổi họp nhiều ý kiến cho rằng vấn nạn người lang thang ăn xin hiện nay chưa có chiều hướng giảm và hướng giải quyết vẫn còn bỏ ngỏ.
Đổ xô về TP.HCM
Ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: “Hiện TP có khoảng 1.100 trẻ em lang thang và gần 2.000 người ăn xin. Trong đó có tới 95% số người lang thang ăn xin là người từ các tỉnh thành khác đến và từ nước bạn Campuchia qua. Trong khi đó trẻ em bị “chăn dắt” bằng những thủ đoạn hết sức tinh vì những người này có cả một “công nghệ” ăn xin. Điều đó đã gây khó khăn rất lớn đối với các cơ quan chức năng quản lý trong quá trình bắt đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm nhân đạo”.
Đại diện ngành LĐ-TB-XH quận 6 trăn trở: “Từ đầu năm 2009 đến nay quận đã đưa được 152 người ăn xin, sinh sống lang thang vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy vậy chỉ vài tháng sau những người này lại xuất hiện ở những nơi cũ”. Còn ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến người ăn xin vẫn có “đất” để tồn tại là do lòng hảo tâm của người thành phố quá rộng rãi, đặc biệt là những em học sinh. Ông lấy ví dụ: Ở Đà Nẵng người dân rất ít cho những người ăn xin tiền mà nếu có thì họ mang tới các trung tâm bảo trợ xã hội, tổ chức nhân đạo để đảm bảo rằng những đồng tiền họ cho đúng địa chỉ, đúng người chứ không rơi vào tay những kẻ chăn dắt. Tuy vậy, đại biểu quận Phú Nhuận lo lắng: “Nếu chúng ta phát động người dân “quay lưng” với những cảnh đời khổ cực có thể sẽ làm xói mòn lòng nhân ái của mọi người đặc biệt là các em học sinh”.
Thiếu sự liên kết
Bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng BVCSTE (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: “Vấn đề trên thật sự khó khăn trong việc giải quyết bởi đôi khi người chăn dắt các cháu ăn xin chính là cha mẹ các cháu. Thậm chí nhiều người cha, người mẹ làm giấy ủy quyền cho những người chăn dắt”. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nhìn nhận: “Việc giải quyết người lang thang ăn xin sẽ làm được bởi những đối tượng này thực sự chưa khó khăn như các đối tượng nghiện ma túy hay gái bán dâm”.
Bà Mai Thị Hoa, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: “Rất nhiều người than phiền về công tác xử lý ở những địa bàn giáp ranh vì đối tượng chạy qua chạy lại hay những điểm nổi cộm”. Bà Hoa lấy ví dụ, như khu vực Công viên Gia Định, đường Hồng Hà (Q.Tân Bình), ngã tư An Sương (Q.12), khu vực Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình)…
Đại diện quận Gò Vấp cũng nêu khó khăn: “Một thực tế là khi phát hiện có sự chăn dắt trẻ em ăn xin, các cơ quan chức năng đến thì họ đã chuyển đi nơi khác. Như trường hợp ở phường 13”. Bà Phan Thanh Minh đồng tình và đưa thêm ví dụ: Đầu 2009 tại đường Triệu Đà (Q.12) có 77 trẻ em, trên đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) có 11 em bị chăn dắt, nhưng khi chúng tôi đến thì họ đã chuyển sang quận khác. Về vấn đề này ông Nguyễn Thành Tâm cho rằng, thời gian tới sẽ có kế hoạch phối hợp liên quận, liên phường để truy đến cùng, không “mất dấu” trong quá trình phát hiện. Đồng thời phải phối hợp với những tỉnh thành khác để đưa những người này về địa phương. Mặt khác chúng ta sẽ có kế hoạch đưa những đối tượng này đi học nghề mới có thể giải quyết cơ bản.
“Từ nay đến năm 2010 phải cơ bản giải quyết được người lang thang ăn xin, sinh sống ngoài cộng đồng theo chỉ đạo của Đại hội Đảng bộ TP.HCM vừa qua. Vì thế hướng tới sẽ rà soát khu vực, tuyến đường trọng điểm, phân rõ trách nhiệm của quận, huyện, không để trách nhiệm chung chung như hiện nay”, ông Tâm quả quyết.
Văn Mạnh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)