Hôm nay 24.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trước đó, Bộ trưởng cũng đã có văn bản trả lời xung quanh những vấn đề nóng của GD-ĐT.
Hiệu trưởng và giáo viên trực tiếp chịu trách nhiệm
Về tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, Bộ trưởng thừa nhận: “Một số tỉnh, thành phố vẫn chưa khắc phục có hiệu quả. Nguyên nhân là việc quản lý dạy thêm, học thêm ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa nghiêm; một số giáo viên còn có tư tưởng vụ lợi; công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT về vấn đề này chưa thường xuyên, hiệu quả; các vi phạm tràn lan chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh”.
Để chấm dứt tình trạng này, Bộ trưởng Luận cho biết: “Sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cấp quản lý, các ngành chức năng đề cao vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm. Mở rộng công tác tham gia giám sát của các đoàn thể ở địa phương và trong nhà trường, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, kịp thời các sai phạm trong việc thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm”. Bộ trưởng còn hứa hẹn: “Sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách cải thiện đời sống của giáo viên”.
Xung quanh vấn đề lạm thu, Bộ trưởng cho biết Bộ GD-ĐT cho biết đã và sẽ chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các sai phạm. Trong đó, xử lý kỷ luật nghiêm khắc với giáo viên và hiệu trưởng ở các cơ sở giáo dục còn để xảy ra tình trạng lạm thu và các sai phạm khác.
Về chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng cho rằng trước mắt, Bộ đã hướng dẫn thực hiện có hiệu quả việc điều chỉnh những bất hợp lý trong chương trình, sách giáo khoa theo hướng tinh giảm nội dung, dành nhiều cơ hội cho giáo viên được chủ động, sáng tạo trong quá trình dạy học… “Về lâu dài, Bộ sẽ nghiên cứu và tiến hành đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng bồi dưỡng năng lực và thái độ, tình cảm mà học sinh đạt được sau khi học tập”, Bộ trưởng cho hay.
Điều chỉnh quy mô ĐH
Việc quy hoạch mạng lưới, thành lập, nâng cấp các trường ĐH-CĐ, Bộ trưởng cho biết: trong 6 năm qua (2006-2011), đã thành lập 84 trường ĐH, trong đó 51 trường nâng cấp từ trường CĐ và 33 trường thành lập mới, bình quân mỗi năm thành lập 14 trường. Tuy nhiên, số lượng trường ĐH thành lập mới trong 3 năm gần đây đã giảm nhiều so với trước và chủ yếu là nâng cấp từ các trường công lập.
Trước những chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp hạn chế mở trường ồ ạt, ông Luận cho rằng: “Các điều kiện thành lập trường và cho phép trường ĐH hoạt động cũng đã được điều chỉnh theo hướng nâng cao. Ví dụ, sau khi các trường được thành lập, nếu đảm bảo các điều kiện, tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên chuyên ngành theo quy định thì Bộ mới cho phép hoạt động đào tạo, mở ngành và tuyển sinh”. Về việc năm nay một số trường ĐH, CĐ tuyển sinh không đủ chỉ tiêu được giao, Bộ trưởng lý giải rằng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ, một số ngành sau khi tốt nghiệp khó xin việc; một số trường không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; nhiều trường có ngành đào tạo giống nhau nên chia sẻ số lượng sinh viên vào các trường này. Bộ trưởng cũng khẳng định: “Qua thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay, đến thời điểm này, Bộ chưa phát hiện trường ĐH nào hạ điểm chuẩn xét tuyển thí sinh có kết quả thi quá thấp vào học ĐH”.
Dạy thêm – học thêm vẫn là một trong những vấn đề bức xúc cần được giải quyết triệt để – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Để nâng cao chất lượng đào tạo, một trong những giải pháp, theo ông Luận, là sẽ xem xét đánh giá lại kết quả, hiệu quả của việc mở trường trong giai đoạn 2001-2010 để đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng sửa đổi, điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. “Trong công tác chỉ đạo, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục quan tâm, chú trọng đến chất lượng và nâng cao chất lượng đào tạo, xem đây là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình đổi mới giáo dục ĐH”, người đứng đầu ngành hứa hẹn.
Giải pháp chưa thấu đáo
Những lý do mà Bộ trưởng đưa ra cho tình trạng dạy thêm, học thêm đều đúng nhưng chưa cơ bản. Theo tôi, nguyên nhân chính là chương trình quá nặng so với trình độ của học sinh, và giáo viên không đủ sống. Vì các nguyên nhân được xác định chưa cơ bản nên các giải pháp đưa ra cũng chưa thực sự giải quyết được nạn dạy thêm, học thêm. Theo tôi, cần phải có thêm các giải pháp sau: ngay lập tức cải thiện đời sống giáo viên để có thể sống được bằng lương, giảm tải chương trình phải đi kèm với việc nhanh chóng cho phép có nhiều bộ sách giáo khoa, vì mỗi bộ sách sẽ phục vụ một loại đối tượng.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh
Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Chưa thỏa đáng
Một số câu trả lời của Bộ trưởng chưa thực sự thỏa đáng, không cho thấy được sự đánh giá, nhận trách nhiệm về việc mình đã làm tốt hay chưa tốt, mà chỉ là sự giải thích chung chung. Đặc biệt, về việc khó tuyển sinh không đủ chỉ tiêu ở một số ngành, các nguyên nhân mà Bộ trưởng đưa ra lại càng chung chung như: do nhiều trường có ngành đào tạo giống nhau. Trong khi, đáng ra Bộ phải có trách nhiệm trong việc quản lý việc mở ngành đào tạo của các trường để không xảy ra tình trạng này.
Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống
Nguyên Chủ nhiệm ngành Kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM Còn chung chung
Bộ trưởng nói về việc điều chỉnh chương trình sách giáo khoa còn chung chung và trong thực tế thì việc điều chỉnh đó chưa giải quyết được những bất hợp lý của chương trình. Nói là sách giáo khoa biên soạn theo hướng tinh giảm nhưng có nhiều môn, học sinh không hứng thú học vì kiến thức lặp đi lặp lại. Nếu đã thực sự tinh giảm thì phải làm đồng bộ chứ không nên lấy từng cuốn ra làm cho có lệ.
Ông Nguyễn Văn Vượng
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TP.HCM Bộ trưởng đổ trách nhiệm
Nói về nguyên nhân của việc dạy thêm – học thêm, Bộ trưởng đã đổ trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục mà quên đi việc tìm hiểu nguyên nhân thực tế xảy ra vấn nạn này. Chương trình nặng nề, đòi hỏi cao ở người học nên phụ huynh phải cho con em mình đi học thêm. Ngay ở bậc THCS, hiện nay có 14 môn mà môn nào cũng quan trọng, cũng đánh giá xếp loại nên học sinh nào dám lơ là. Nếu Bộ trưởng cứ thực hiện được lời hứa giáo viên sống được bằng lương, đổi mới chương trình học nhẹ nhàng, thích thú thì sẽ không còn vấn nạn này nữa.
Ông Trần Mậu Minh
Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM B.Thanh – H.Ánh (ghi)
|
Theo Tuệ Nguyễn
(ThanhNien)
Bình luận (0)