Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giải quyết nợ xấu để phá băng tín dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Thành lập công ty mua bán nợ vừa giải quyết vấn đề niềm tin của ngân hàng với DN, lại vừa phá băng tín dụng và giải quyết được nợ xấu.
Sản xuất đình đốn, kinh tế tăng trưởng thấp và nợ xấu tăng cao dẫn đến thị trường đóng băng và suy kiệt vốn. Đây chính là căn bệnh chính của nền kinh tế hiện nay.
Suy kiệt vốn
Nền kinh tế suy kiệt nguồn vốn không phải do ngân hàng (NH) cố tình đóng băng tín dụng mà do tự nền kinh tế rơi vào cảnh không ai còn muốn vay làm gì nữa. Bởi, người có khả năng vay thì không muốn vay, còn những người đói vốn thì lại không được cho vay. Doanh nghiệp (DN) tốt có khả năng chi trả thì không vay hoặc cùng lắm chỉ vay vốn lưu động trong vài ba tuần để kinh doanh cầm chừng chứ không đầu tư chiều sâu. DN khát vốn chủ yếu là DN vừa và nhỏ và trên thực tế thường là những DN không đạt chuẩn. Căn bệnh này có thể giết chết bất cứ nền kinh tế nào kể cả các nước phát triển.
Nhật Bản từ năm 1988-1990 giống như nước ta, tình trạng nợ xấu tăng, DN đình đốn, nền kinh tế suy kiệt, báo cáo thiếu chính xác về con số nợ xấu. Con số báo lên chính phủ là 2.000 tỉ yen và chính phủ cảm thấy tình hình chưa quá tệ, quyết định chọn chính sách tài khóa nên đã tăng cường đầu tư vào những ngành cơ bản để phục hồi kinh tế. Nhưng năm năm kích thích, nền kinh tế không phục hồi được mà còn tệ hơn. Con số nợ xấu cao gấp 20 lần số báo cáo là 40.000 tỉ yen. Lúc này Nhật Bản mới tập trung vào xử lý nhưng đã quá muộn vì giữa các NH và DN không còn lòng tin với nhau. Đặc biệt, các NH đã tự đưa ra các kế hoạch dài hạn để xử lý nợ xấu. Chính phủ Nhật còn cãi nhau trong việc không thành lập công ty mua bán nợ. Cuộc cãi nhau này mất bốn năm trời! Nền kinh tế Nhật suốt 16 năm rơi vào tăng trưởng GDP bằng 0. Đó là bài học đắt giá nhất từ thế giới.

Nếu thành lập được công ty mua bán nợ, DN và NH sẽ lưu thông được đồng vốn đôi bên. Ảnh: HTD
Tốt nhất: Lập công ty mua bán nợ xấu
Ở ta, giả sử chúng ta để các ngân hàng thương mại (NHTM) tự xử lý nợ xấu? Câu chuyện sẽ giống như Nhật Bản, các NHTM sẽ mất khoảng 7-10 năm để tự xử lý nợ xấu. Trong khoảng thời gian ấy, NHTM phải rà soát toàn bộ tín dụng. NH sẽ kiểm soát rất chặt tín dụng và hạn chế cho vay mới. Mặt khác, mặc dù lãi suất có thể giảm nhưng NHTM sẽ không giảm lãi suất hoặc chỉ giảm ở mức độ nào đó vì họ mất từ 1,5% đến 2% lãi suất để bù đắp cho nợ xấu. Một quốc gia như Nhật Bản cũng mất 16 năm, thì liệu chúng ta sẽ mất bao lâu?
Xử lý nợ xấu theo cách cổ điển là giãn nợ. Cụ thể, nợ ba năm thì giãn thành năm năm, nợ năm năm thì giãn thành 10 năm. Hoặc, nợ nhóm ba thì chuyển sang nợ nhóm hai. Tuy nhiên với cách này, NH vẫn không cho vay vốn ra, mà như vậy thì DN cũng sẽ… chết.
Lại còn cách khoanh nợ cũ không tính lãi, hạch toán ngoài bảng sau đó cho vay mới hoặc xóa nợ và thanh lý. Tuy nhiên, phần lớn những cách này dường như chỉ DN nhà nước mới được hưởng trong khi đó hôm nay những con nợ tư nhân còn lớn hơn DN quốc doanh nhiều. Chúng ta bảo Vinashin có nợ lớn nhưng thực chất vẫn có những con nợ lớn hơn gấp ba, bốn lần Vinashin. Vì vậy, cách này chỉ áp dụng ở chừng mực nào đó với DN vừa và nhỏ.
Cách khác là xóa nợ. NHTM đang có khoảng 38.000-40.000 tỉ đồng dự phòng rủi ro. Khoản này lẽ ra phải đưa vào ngân sách nhưng ngân sách cho phép để lại cho NH. NH dùng khoản này để xóa các khoản nợ ấy…
Ngoài việc xử lý nợ xấu theo cách cổ điển thì chúng ta có thể quốc hữu hóa NH nào có nợ xấu lớn nhưng giải pháp này không thể nào thực hiện được toàn diện cho toàn hệ thống NH.
Bởi vậy, tốt nhất vẫn là thành lập công ty mua bán nợ! Hiện nay NH nói DN phải trả nợ cũ mới cho vay. DN thì bảo NH cứ cho vay mới rồi làm trả dần. Hai bên không thống nhất được vì thiếu lòng tin. Bởi vậy, khi thành lập, công ty mua bán nợ sẽ đứng ra mua lại toàn bộ nợ của DN. Tất cả các khoản DN nợ NH nay chuyển sang công ty. Đây cũng là việc Chính phủ có thể giải quyết lòng tin của DN và NH. Đương nhiên NHNN sẽ quy định mua nợ NH nhóm ba khác với giá NH nhóm bốn, NH nào tham lam không bán thì NHNN sẽ có biện pháp xử lý riêng. Hoặc, công ty cũng có thể đàm phán để mua lại một phần tài sản DN, DN có thể dùng số tiền này để trả nợ cho NH. Nhiệm vụ của công ty là cắt cục “máu đông” nợ xấu để đoàn tàu tiếp tục chạy.
Đừng mua nợ xấu rồi… “nhốt” lại!
Việc thành lập công ty mua bán nợ xấu là điều hợp lý, một số nước đã thành công. Điều quan trọng là phải xác định lộ trình, kế hoạch.
Trước đây Ireland đã từng thất bại khi dùng vốn nhà nước mua tất cả nợ xấu của các NHTM rồi “nhốt” lại gây kiệt quệ ngân sách.
Mua bán nợ xấu theo đúng nghĩa là phải định giá khoản nợ xấu như thế nào cho chính xác. NHNN phải định cho rõ cơ chế hoạt động của công ty, định giá các khoản nợ xấu cho hợp lý, nếu không hoạt động của công ty này sẽ rối ngay từ phần định giá.
Công ty phải xử lý khoản nợ xấu đã mua bằng việc giải quyết “đầu ra”. Ví dụ, nợ xấu thuộc các DN kinh doanh bất động sản thì phải làm cho DN hồi phục lại theo tính chất thị trường. Đối với những DN nợ xấu do yếu tố cầu trên thị trường suy giảm thì phải có cách nào đó lăn lộn ra châu Âu, sang Nhật, Hàn Quốc để chuyển hướng bán hàng.
Nguồn vốn để cho công ty này hoạt động chắc chắn phải lấy từ ngân sách nhà nước, không có công ty nào dám hùn vốn vào bởi sản phẩm của công ty này chính là các khoản nợ xấu.
TS NGUYỄN TRỌNG TÀI, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng – Học viện Ngân hàng
TRÀ PHƯƠNG ghi
TS LÊ XUÂN NGHĨA, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
YÊN TRANG ghi (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)