Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Giải quyết quyền lợi cho lao động về nước trước hạn

Tạp Chí Giáo Dục

> Lao động xuất khẩu châu Á lao đao

> Lao động mất việc ở nước ngoài được bồi thường

Bên cạnh việc được bồi thường tiền lương, lo vé máy bay về nước, người lao động còn được doanh nghiệp hoàn trả một phần chi phí môi giới, dịch vụ

Thời gian qua, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều nhà máy, xí nghiệp ở hầu hết các thị trường tiếp nhận lao động VN phải thu hẹp sản xuất, đóng cửa. Điều đó làm cho một bộ phận lớn lao động VN  thiếu việc làm, giảm thu nhập hoặc mất việc làm phải về nước trước hạn. Tình hình trên có thể gia tăng trong những tháng tới. Nhằm giảm thiểu rủi ro, bảo đảm  quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ), mới đây, Cục Quản lý Lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB-XH đã có hướng dẫn giải quyết chế độ bồi thường cho NLĐ ở từng thị trường.

Lao động VN do Công ty Sovilaco tuyển chọn đang làm việc tại Malaysia

Được quyền chuyển đổi chỗ làm
Theo quy định chung, trường hợp rủi ro thiếu việc, mất việc, NLĐ có quyền chuyển đổi nơi làm việc. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định khác nhau. Về vấn đề này, Cục Quản lý Lao động ngoài nước hướng dẫn cụ thể như sau:

Tại Đài Loan, NLĐ có quyền đăng ký tìm chỗ làm việc mới và không bị hạn chế số lần chuyển chỗ làm việc. Sau 60 ngày, nếu NLĐ không tìm được chỗ làm mới thì phải về nước. Ở Nhật Bản, đối với lao động là kỹ sư hoặc lao động kỹ thuật cao, chủ sử dụng lao động phải thông báo trước một tháng để NLĐ chủ động tìm việc làm khác. Riêng tu nghiệp sinh và thực tập sinh, các nghiệp đoàn sẽ giúp họ tìm việc trong các xí nghiệp thành viên.

NLĐ làm việc tại Hàn Quốc sẽ được các trung tâm hỗ trợ tuyển dụng lao động nước ngoài (thuộc Bộ Lao động Hàn Quốc) đăng ký và giới thiệu việc làm mới. Sau 60 ngày, nếu NLĐ không có chủ mới tiếp nhận thì phải về nước. Còn tại Malaysia, nếu NLĐ sang làm việc thông qua công ty chuyên cung ứng nhân lực, công ty có trách nhiệm chuyển NLĐ sang chỗ làm việc mới, không hạn chế số lần chuyển. Trong thời gian chờ việc làm mới, công ty cung ứng nhân lực có trách nhiệm trả cho NLĐ 500 RM/tháng.

Đối với NLĐ làm việc tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, trường hợp công ty phá sản, bị thu hồi giấy phép, sáp nhập… NLĐ vẫn được phép chuyển chủ, nhưng phải được chủ sử dụng cũ cấp giấy chấp thuận và phải đóng phí (phí này thường do chủ sử dụng mới chịu). Ở CH Czech, không có quy định hạn chế số lần chuyển chủ, nhưng mỗi lần chuyển chủ mới, NLĐ phải xin giấy phép lao động của địa phương nơi chuyển tới làm việc.
Bồi thường lương, vé máy bay về nước
Về giải quyết bồi thường cho NLĐ, Cục Quản lý Lao động ngoài nước lưu ý các doanh nghiệp XKLĐ phải can thiệp, yêu cầu chủ sử dụng lao động bồi thường thiệt hại, giải quyết các chế độ liên quan cho NLĐ. Theo đó, ở thị trường Đài Loan, phải cung cấp vé máy bay về nước và bồi thường cho NLĐ một tháng lương theo hợp đồng cho mỗi năm làm việc (nếu  làm chưa đủ 2 tháng thì không bồi thường). Ở Nhật Bản, chủ phải mua vé máy bay và bồi thường một tháng tiền lương, hoặc trợ cấp tu nghiệp và giải quyết chế độ bảo hiểm (nếu có) cho NLĐ. Ở Hàn Quốc, nếu làm việc từ một năm trở lên, NLĐ được bồi thường một tháng lương cơ bản cho mỗi năm làm việc. Đối với  lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS, tiền vé máy bay được trích từ tiền bảo hiểm hồi hương mà NLĐ đã tham gia khi nhập cảnh Hàn Quốc.

Mức bồi thường ở Malaysia được tính bằng 2 tuần lương cơ bản cho mỗi năm làm việc, chủ chi trả tiền mua vé máy bay. Ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, NLĐ được trả tiền vé máy bay về và trợ cấp một tháng lương theo hợp đồng nếu làm việc dưới 12 tháng, trợ cấp 2 tháng lương nếu làm việc trên một năm. Riêng CH Czech, nếu NLĐ bị mất việc làm trước khi kết thúc hợp đồng (hợp đồng tối đa là một năm) thì chủ phải bồi thường 3 tháng lương.

Ngoài bồi thường như trên, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định hiện hành, chi trả các chi phí hợp lý cho NLĐ, kết  hợp xem xét từng hoàn cảnh cụ thể nhằm giúp NLĐ  giảm bớt thiệt hại.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động  ngoài nước:

Hoàn trả một phần phí môi giới, dịch vụ cho NLĐ

Trường hợp NLĐ rủi ro mất việc làm về nước trước hạn, khi thanh lý hợp đồng, các DN phải hoàn trả một phần phí môi giới và phí dịch vụ cho NLĐ. Đối với phí môi giới, DN có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả một phần phí môi giới mà NLĐ đã nộp trước theo nguyên tắc: NLĐ làm việc chưa đủ 1/2 thời gian hợp đồng thì được hoàn trả 50% tiền môi giới; nếu làm trên 1/2 thời gian hợp đồng thì không được hoàn trả. Trường hợp không thể đòi được, DN có trách nhiệm hoàn trả cho NLĐ theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý. Riêng  phí dịch vụ, nếu NLĐ đã nộp trước một lần (mỗi năm một tháng lương) thì DN phải hoàn trả một khoản tương ứng với  số tháng NLĐ không còn làm việc theo hợp đồng.

Bài và ảnh: DUY QUỐC (nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)