Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình

Tạp Chí Giáo Dục

Trong cuộc phỏng vấn với Thanh Niên vào trưa qua tại diễn đàn an ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Singapore, Thứ trưởng Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định Việt Nam theo đuổi chính sách giải quyết căng thẳng bằng đối thoại hòa bình.

Thứ trưởng Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên – Ảnh: Thục Minh

Thưa trung tướng, trong tất cả các cuộc họp từ khi diễn đàn khai mạc tới nay, vấn đề biển Đông luôn được nhắc đến với hàm ý không đồng tình về sự vô lý của Trung Quốc (TQ). Ông có nghĩ rằng, ngay tại hoặc sau diễn đàn, TQ sẽ có những điều chỉnh phù hợp?

Nói đến biển Đông, người ta thường nhìn vào vấn đề tranh chấp và xung đột. Nhưng cần phải nhìn biển Đông một cách toàn diện để tìm đến căn nguyên của những vấn đề đó. Trước hết, biển Đông là một khu vực ngày càng đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, không chỉ các quốc gia ven biển. Ví dụ như giao thông hàng hải, tài nguyên trên bờ, nguồn lợi thủy sản và rất nhiều nguồn lợi khác. Vì vậy, ai cũng muốn can dự vào để có lợi ích ở đó. Sự can dự của các nước vào đây càng ngày càng nhiều, với những lợi ích khác nhau. Đương nhiên có những lợi ích cùng chia sẻ, nhưng cũng có những mâu thuẫn, tranh chấp vì lợi ích. Vì thế, nói tranh chấp biển Đông không chỉ nói giữa VN và TQ, mà tất cả những nước có lợi ích ở khu vực.

Tiếng nói của cộng đồng quốc tế tại đây, theo tôi hiểu, là họ nói vấn đề chung đó, rằng đây là "sân" chung, trước hết phải tôn trọng chủ quyền của các nước theo luật pháp quốc tế, không ai được quyền giữ làm "sân" riêng của mình, không ai được quyền khống chế biển Đông, không ai được quyền tài phán ở các khu vực tranh chấp.

Còn sự việc vừa qua đối với tàu Bình Minh 02 của chúng ta là một trong nhiều sự việc khiến người ta quan tâm. Quan tâm cái gì? Năm ngoái, TQ đưa ra khái niệm "đường lưỡi bò" và năm nay họ chính thức gửi tài liệu lên LHQ. Người ta đặt câu hỏi liệu hành động này có phải là một bước đi đầu tiên để biến "đường lưỡi bò" từ lời nói sang hiện thực hay không. Đây là câu hỏi của cộng đồng thế giới chứ không còn là của riêng VN, bởi nếu đó là sự thật thì sẽ phương hại đến lợi ích của tất cả các nước có liên quan.

Tôi hoàn toàn kỳ vọng vào sự điều chỉnh, sự nhận thức đúng đắn hơn của TQ trước những tiếng nói của cộng đồng quốc tế như vậy. Mà có điều chỉnh hay nhận thức đúng hơn thì cũng là vì lợi ích của TQ mà thôi. TQ bây giờ cần gì? Thứ nhất là môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Thứ hai, vô cùng cần, là một hình ảnh đẹp trên thế giới, cũng để phát triển. Hình ảnh đẹp đó không phải cho thêm phần mỹ miều, mà, rất thực tế, là để họ phát triển kinh tế, phát triển quan hệ chính trị và uy tín của mình. Đứng về góc độ lợi ích như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng sự điều chỉnh của TQ.

Liên quan đến vụ tàu Bình Minh 02, một chuyên gia luật quốc tế tại Singapore đưa ra ý kiến VN nên đưa vụ này lên Tòa án Trọng tài quốc tế. Tòa án này có thể giải quyết vụ kiện bất chấp TQ có đồng ý ra tòa hay không. Trung tướng nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi cho đó là một lựa chọn. Nhưng, theo tôi, để xác định về chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý… thì Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) đã nói rõ. Không cần tòa án nào cả. Theo tôi, trước hết và sau cùng vẫn là VN và TQ giải quyết với nhau. Cho nên, giải pháp mà chúng ta kiên trì lựa chọn là giải quyết với TQ, công khai và minh bạch. Chúng ta công khai cho cộng đồng quốc tế biết, như ở hội nghị hôm nay, để người ta có tiếng nói và để TQ suy nghĩ về hành vi của mình.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là hết sức vững vàng, hết sức đúng đắn, khôn khéo và linh hoạt. Đó là kinh nghiệm bảo vệ Tổ quốc được đúc kết từ hàng ngàn năm lịch sử. Đó là gì? Là tăng cường hợp tác, tăng cái đồng về lợi ích, giảm bớt cái bất đồng, trong khi ta vẫn giữ vững chủ quyền lãnh thổ. VN luôn kiềm chế và không để vấn đề vượt qua tầm kiểm soát mà ranh giới là xung đột. Nói như thế, chúng ta cần rất kiên trì – kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, kiên trì giữ hòa hiếu, hữu nghị với nước láng giềng. Không còn cách nào khác.

Tôi nhắc lại, đưa ra tòa án quốc tế cũng là một lựa chọn. Nhưng trước hết và sau cùng vẫn là giải quyết với TQ. Và vì vậy, sự lựa chọn của Đảng và Nhà nước ta sẽ giải quyết được vấn đề, dù là rất lâu dài.

Bây giờ mọi người nhìn vào sự kiện ngày 26.5 một cách rất bức xúc. Tôi đồng ý. Nhưng nếu nói về kết quả, chúng ta hãy nhìn: Trước hết, TQ đâm tàu, cắt cáp của ta, ta phản đối, đòi bồi thường, sửa xong ta lại tiếp tục thăm dò ở chỗ ấy, ta có bỏ chỗ ấy đâu! Thứ hai, chúng ta tuyên truyền rộng rãi cho cộng đồng thế giới để họ nhìn thấy cái nào đúng, cái nào sai, cái nào đẹp, cái nào xấu. Sự kiện quá rõ ràng, mọi người đều biết rõ. Còn đối với TQ, một lần nữa ta nói với họ rằng: “Các đồng chí đã, thứ nhất, vi phạm luật pháp quốc tế; thứ hai, xâm phạm chủ quyền VN; thứ ba, không tôn trọng các điều khoản Tuyên bố các bên về ứng xử ở biển Đông đã ký với ASEAN". Chúng ta cũng nói với họ rằng: "Chúng tôi đã làm đúng với nhận thức chung của lãnh đạo hai nước là kiềm chế, là giải quyết song phương, là công khai minh bạch, và tuyệt đối "không sử dụng vũ lực". Đồng thời, chúng ta cũng chứng minh quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tóm lại, tôi muốn nói, hãy nhìn sự kiện 26.5 một cách tích cực về phía VN.

Thưa trung tướng, có người cho rằng tại sao lực lượng của ta không phát hiện sớm và can thiệp đối với tàu hải giám của TQ mà để họ tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của ta?

Trước hết, vùng đặc quyền kinh tế là của ta, ta có toàn quyền quản lý, khai thác, xây dựng…, và bảo vệ chủ quyền. Nhưng theo UNCLOS, tàu các nước có thể đi lại vô hại trong khu vực này thì chúng ta không có quyền ngăn cấm, thậm chí ta còn có trách nhiệm bảo vệ họ. Vấn đề ở đây là, khi họ hành động uy hiếp, cắt cáp tàu Bình Minh 02 của ta là họ đã vi phạm luật pháp VN và luật quốc tế.

Quân đội đương nhiên có trách nhiệm bảo vệ vùng biển, vùng trời và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, đây là sự va chạm giữa hai con tàu dân sự. Đây là vụ va chạm dân sự, nên hai chủ thể va chạm phải giải quyết với nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế và báo cáo lên các cơ quan luật pháp, cơ quan quản lý của hai nước. Tuy nhiên, quân đội phải theo dõi sát tình hình, không để sự việc diễn biến phức tạp, leo thang. Còn nếu với một hành động là bạo lực vũ trang thì dứt khoát quân đội sẽ tham gia bảo vệ.

Xin cảm ơn trung tướng!

Lợi ích và sự tin cậy

Thưa trung tướng, trong bài phát biểu sáng nay (4.6 – PV), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói: "Mỹ và VN đã tiến đến phía trước và xây dựng quan hệ song phương mạnh mẽ và sinh động". Theo ông, mối quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai bên sẽ có nét mới nào?

Không nên lấy những lời phát biểu tốt đẹp của một chính khách để đo lường quan hệ giữa hai quốc gia. Tuy nhiên tôi có thể nói quan hệ giữa Mỹ và VN đang phát triển, vì 2 lý do. Thứ nhất, lợi ích. Mỹ có lợi ích khi quan hệ với các nước trong khu vực, mà ở đó VN có một vị thế rất đáng tự hào: Có tiếng nói chính nghĩa, có vị trí địa chính trị quan trọng với hơn 80 triệu dân. Mỹ quan tâm đến VN là điều đương nhiên. Thứ hai, Mỹ tôn trọng VN, tôn trọng độc lập, chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng luật pháp và chế độ xã hội chủ nghĩa của VN. Chính nhờ 2 lý do đó mà quan hệ Mỹ – VN ấm dần lên, trong đó có quan hệ quốc phòng.

Thời gian vừa qua VN và Mỹ có sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Trước hết là việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích ở VN. Năm ngoái hai bên đạt được một thỏa thuận quan trọng là Mỹ hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cách mạng VN trong thời kỳ chống Mỹ. Họ cũng đồng ý xây dựng với ta hành trình tìm di sản chiến tranh, những quyển nhật ký, tranh vẽ, bút thư các chiến sĩ ta gửi cho gia đình. Tôi là người trực tiếp chuyển những thứ ấy đến gia đình người đã mất sau 40 năm, điều đó là vô giá đối với gia đình họ và với nhân dân ta. Và tôi nói với người Mỹ, không có gì tốt hơn là các ông phải làm điều ấy.

Trong lĩnh vực quốc phòng, hai bên hợp tác về quân y, đào tạo tiếng Anh, rà phá bom mìn, giải độc… Những việc này nằm trong khuôn khổ hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Tôi cho rằng VN cũng có lợi ích trong những việc này, đồng thời cũng tăng sự tin cậy giữa hai bên.

Thục Minh (Theo TNO)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)