Học viên khóa 1 gặp lại dịp Đại hội Nhà văn lần 5, tháng 3.1995: Trúc Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Ngọc Mộc (hàng trước, từ trái qua), Lê Thị Mây, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, Ngô Thị Kim Cúc, Đào Thắng, Lâm Thị Mỹ Dạ (hàng sau, từ trái qua) – Ảnh: Tư liệu |
Một trong những công việc hào hứng nhất khi học ở trường là tiếp cận với những tên tuổi tiêu biểu nhất của văn chương và học giới Việt Nam.
Để cung cấp kiến thức, gợi mở suy nghiệm cho học viên, nhà trường đã mời những chuyên gia giỏi nhất của từng chuyên ngành đến đứng lớp. Những tên tuổi như Nguyễn Tài Cẩn, Đặng Nghiêm Vạn, Trần Đình Hượu, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Từ Chi, Hồ Ngọc Đại, Phạm Hoàng Gia, Hồ Văn Thông, Tạ Quang Thành, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Huệ Chi… bên cạnh những cái tên Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Ngọc…, là những nhân vật mà học viên tiếp xúc hằng ngày.
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn giảng về ngôn ngữ, đánh thức trong nhà văn những suy nghĩ rộng lớn hơn câu chữ. Người cầm bút phải tự kiểm lại xem mình đã đối xử với ngôn ngữ ra sao: đã thật trân trọng, trau chuốt, yêu mến, đã biết tự làm giàu bằng cách khai thác ngôn ngữ từ dân gian hay chưa. Sự sâu sắc trong nội dung cùng cách diễn đạt rất tự nhiên trong cả lời nói lẫn điệu bộ của giáo sư đã hoàn toàn chinh phục người nghe. Và người ta hiểu ra vì sao người đàn ông Việt Nam nói giọng Nghệ và hay nhai trầu này lại lôi cuốn một cô gái Nga bỏ cả gia đình xứ sở sang Việt Nam làm dâu, trở thành một người vợ hệt như bao bà vợ Việt Nam bình thường khác.
Khi nhà văn Nguyễn Đình Thi xuất hiện trong buổi giảng đầu tiên, học viên lắng nghe như uống từng lời ông, từng cái khoát tay, từng bước đi, từng cái liếc mắt cau mày… Và quả thật ông Thi đã bộc lộ rất rõ cốt cách của một người viết kịch: từng cử động của cơ thể, từng chuyển động nhỏ nhất của gương mặt, ánh mắt, từng âm lượng lên bổng xuống trầm của mỗi câu nói, ông đều rất biết điều tiết để đạt hiệu quả cao nhất. Ông biết người ta đang lắng nghe, đang chú mục mình. Câu chuyện mà ông dùng để kết bài giảng là chuyện về con lừa, mà ông bảo rằng rất tiếc vì chỉ mới được đọc, quá trễ, khi tuổi đã lớn.
Nhà văn Nguyên Ngọc trong bài giảng của mình lại mượn câu chuyện về con cuốn chiếu. Ông kể rằng cuốn chiếu đã được các nhà báo phỏng vấn về việc hằng ngày đã bước đi như thế nào để hàng trăm cái chân không hề va chạm vào nhau. Và lần đầu tiên, cuốn chiếu phải tổng kết, hệ thống lại tất cả những kinh nghiệm đi đứng có được, để rồi sau đó, khi bắt đầu bước đi trở lại, nó bỗng… lạng quạng đâm quàng chân này vào chân kia một cách đầy hỗn loạn. Có nghĩa là học viên hãy cứ học, nhưng đừng để các thứ tri thức và lý luận làm mình rối tung lên và tắc tị luôn, chẳng còn viết lách gì được, giống như con cuốn chiếu.
Ngoại ngữ quả là một thử thách thực sự đối với nhiều học viên đã rời bỏ đèn sách từ hai mươi năm trước. Tuy nhiên, đó là môn bắt buộc và lớp đã chia ra làm hai, nửa này học Anh văn còn nửa kia học Nga văn. Cô giáo Nga văn Nguyễn Hoàng Giang là con gái một người Đức trong quân đội Pháp và lấy vợ Việt Nam. Gia đình đã qua Nga sinh sống khi cô Giang mới lên tám, nhưng lúc thành niên, cô quay về Việt Nam vào học trường sư phạm và sau đó đi dạy, rồi lấy chồng Việt Nam. Nhỏ nhắn, xinh xắn với một gương mặt hoàn toàn Tây nhưng phong thái lại rất Việt, cô chiếm được cảm tình của mọi người qua cung cách làm việc đầy trách nhiệm. Buổi học tiếng Nga nào cả lớp cũng cười bằng thích vì Chu Lai luôn nhiệt tình thái quá, lúc nào cũng xung phong đứng lên trả lời, nhưng lại đọc như quát vào mặt người đối diện. Rất nhiều học viên khác khi bị gọi đến cứ ấp úng ngập ngợ mãi, rồi bỗng nhiên buột ra mấy tiếng đầy hục hặc khiến cô giáo dù bặm môi cố nín cũng phải bật lên cười. Lớp Anh văn cũng chẳng hơn gì. Chỉ với cụm từ The teacher mà có học viên đã phải vật vã đi tới đi lui lầm bầm mãi như tụng thần chú cái câu đã được anh Việt hóa: “Đơ chích chòe… Đơ chích chòe”…
Người gây ấn tượng rất mạnh với học viên chính là nhà văn Nguyễn Tuân. Dù đã được nghe bao giai thoại về nhà tùy bút đầy cá tính một cách “khó chịu” này, mọi người vẫn bất ngờ khi tiếp xúc với ông. Vừa bước vào cái nhà kho đã được cải tạo để biến thành giảng đường cho các nhà văn, bác Tuân đã khiến mọi người bật cười bằng câu nói: “Điện rồi tắt cho mà xem”. Và ngay sau đó, đúng là điện tắt thật. Với vẻ hồng hào khỏe mạnh, bác cởi tất cả khăn mũ ra trước khi bắt đầu bài nói, trong khi hầu hết học viên vẫn mang khăn mũ vì trời rất lạnh. Luôn mang theo một chai rượu nhỏ cất trong áo, thỉnh thoảng bác lại rút ra thưởng thức vài ngụm, đôi khi bác còn ngồi hẳn xuống bục để nhấm nháp chút bánh mang theo, một cách rất thoải mái. Cũng có khi bác nhắp môi ly trà nóng đặc sánh mà học viên luôn pha để sẵn trên bàn thầy. Bác Tuân kể chuyện nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã lấy tài liệu ở bệnh viện bằng cách đăng ký là người bệnh, kể chuyện đi lao động ở Điện Biên Phủ… Vui là thế nhưng khi nhắc đến cái lớn nhất để chứng tỏ giá trị của nhà văn: tác phẩm, bác bỗng chớp chớp mắt, lặng thinh hồi lâu rồi mới nói tiếp. Bác không giấu rằng mình đã rơi lệ. Có vẻ như không phải bác đến để giảng bài mà chính là cơ hội để hai thế hệ cầm bút làm quen và cùng đứng cạnh nhau.
Người có giọng nói “lợi hại” nhất trong các giảng viên chính là Giáo sư Trần Quốc Vượng. Không lớn tuổi hơn bao nhiêu so với một số học viên, vị giáo sư vui tính này hết sức hòa đồng. Trên bục giảng, không chỉ cách tiếp cận lịch sử hay lời lẽ đanh thép của ông khiến mọi người thích thú, mà giọng nói lồng lộng của ông cũng rất có tác dụng. “Xin lỗi các đồng chí nữ 101 lần, xin lỗi các đồng chí bộ đội 1.001 lần…” là câu cửa miệng sau khi nói ra một điều mà ông nghĩ không dễ để mọi người chấp nhận. Giáo sư hay lặng thinh đi lại giữa các dãy bàn suốt từ đầu đến cuối lớp, và rồi bất ngờ, giọng nói mười hai thành công lực của ông bỗng vang lên, khiến vài học viên đang gà gật ngủ kinh hoàng bật dậy, như bị bỏ bom.
Ngày 18.11.2009, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã kỷ niệm 30 năm thành lập Trường viết văn Nguyễn Du với sự có mặt của nhiều nhà văn, nhà thơ trên khắp mọi miền đất nước. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Phùng Hữu Phú, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, và nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn VN đã đánh giá cao những đóng góp của trường trong 30 năm qua; ghi nhận kết quả đào tạo của nhà trường đối với sự trưởng thành của nhiều thế hệ nhà văn. Nhà văn Boris Taraxov, Hiệu trưởng Trường Đại học viết văn Maxim Gorki (Nga) sang dự lễ kỷ niệm đã vui mừng chúc mừng các đồng nghiệp ở Trường viết văn Nguyễn Du và nhân dịp này, đã trao kỷ niệm chương của Trường Đại học viết văn Maxim Gorki cho 5 nhà văn, nhà giáo: Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Vĩnh Cư, Hữu Thỉnh, Nguyễn Văn Cương và Ngô Văn Giá. (Việt Chiến) |
Ngô Thị Kim Cúc (Theo TNO)
Bình luận (0)