Hơn 600 năm qua, ngạo nghễ và duyên dáng bén rễ tại thôn Dương Phạm (xã Yên Nhân, Ý Yên – Nam Định), cây dã hương cổ thụ – 1 trong 3 cây ít ỏi còn sót lại của cả thế giới đã là chứng nhân cho bao điều kỳ thú của một làng quê yên bình…
Giai thoại gắn liền với mỹ nữ của vua Lê
Với người dân thôn Dương Phạm, cây dã hương không chỉ là loại cây cổ thụ chứa tinh dầu quý hiếm. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, “đại lão mộc” này luôn là biểu tượng của sự uy nghiêm, một người lính canh gác giấc ngủ cho nàng quý phi xinh đẹp, đức độ của vua Lê Thánh Tông. Từ người già đến trẻ nhỏ ở thôn đều thuộc lòng sự tích của cây dã hương với niềm tự hào và thành kính.
Gần 600 năm trước, xã Yên Nhân nằm bên cửa sông tấp nập tàu bè qua lại. Trong một chuyến vi hành qua đây, vua Lê Thánh Tông đã cảm mến tiếng hát trong trẻo của nàng thôn nữ đang cắt cỏ ven sông.
Không chỉ có tiếng hát mê đắm lòng người, cô gái trẻ họ Ngô còn xinh đẹp, thông minh. Vấn vương tài, sắc của nàng thôn nữ, sau chuyến đi, vua Lê Thánh Tông đã quay lại làng Dương Phạm và đón cô về kinh thành, phong làm Nhị cung phi tần. Nhưng chỉ ở trong cung được 3 năm, Nhị cung phi tần đổ bệnh rồi mất. Chiều theo ý nguyện của bà, vua Lê Thánh Tông đã đồng ý đưa bà về quê an táng.
So với cây dã hương ở Bắc Giang, “đại lão mộc tinh” thôn Dương Phạm đẹp và quý hiếm không kém.
Nhà vua cho chở theo 9 thuyền cát ngũ sắc và đá xanh để xây mộ. Nhưng mộ chưa kịp xây, trời đất đã nổi dông bão, chỉ qua một đêm, khu đất quàn thi hài của bà đã đùn lên một đống mối to. Những người xây mộ bèn trồng bên cạnh một cây lạ, từ lá đến thân, rễ đều tỏa hương thơm. Không ai biết tên gọi chính xác của loài cây này, người dân thôn Dương Phạm đều gọi bằng cái tên cây xoan rã.
“Đại lão mộc tinh” đang lâm bệnh
Theo lời kể của các cụ già trong thôn, trước đây, không ai biết cây xoan rã ở Miếu Nhà Bà là cây quý hiếm được đưa vào Sách Đỏ, trên thế giới chỉ còn 2 cây cổ thụ hiếm hoi ở Việt Nam. Các cụ chỉ biết rằng, mỗi khi cảm cúm, hay ốm đau, người làng thường ra lấy lá hoặc vỏ cây đem về đun nước xông rất nhanh khỏi.
Một điều lạ nữa là quanh khu vực cây dã hương không hề có sự xuất hiện của ruồi muỗi. Có một cành cây bị gãy từ trận bão cách đây đã vài chục năm, người dân trong thôn giữ lại, mỗi lúc có khách phương xa về thăm lại chặt một miếng nhỏ đưa ra làm quà. Gỗ cây đã héo vì năm tháng, nhưng vẫn lưu được hương thơm đậm đặc, thanh tao.
Một người dân tên Kiên bồi hồi nhớ lại, khi còn là một cậu bé để chỏm trái đào, mỗi khi Tết đến, bác thường được bố mẹ sai đến nhặt cành cây xoan rã rụng mang về cho vào lư đốt thay trầm.
Sau khi biết thông tin về cây dã hương 600 tuổi ở Nam Định, tháng 8/2007, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học – Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội đã được mời về thôn Dương Phạm tìm hiểu và nghiên cứu. Trung tâm này đã từng có đề tài khoa học nghiên cứu về cây dã hương 1.000 tuổi tại thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang – cây đã được xếp hạng Di sản văn hóa quốc gia năm 1989.
Kết luận của các nhà khoa học cũng giống như điều người dân thôn Dương Phạm mong đợi. Đây chính là cây dã hương cổ quý hiếm còn sót lại trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng phát hiện, tuy cây còn vững chãi nhưng đã có những dấu hiệu bị hư hại nghiêm trọng.
Theo PGS.TS Vũ Quang Mạnh, giảng viên Khoa Sinh học – Kỹ thuật nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh vật học (Đại học Sư phạm I Hà Nội), để bảo tồn được cây dã hương cổ thụ tại thôn Dương Phạm, tỉnh Nam Định cần có đề án nghiên cứu tổng thể về địa lý, thảm thực vật khu vực cây, trên cơ sở đó mới đưa ra được cách chăm sóc, bảo vệ hiệu quả.
Cũng theo PGS Mạnh, việc cấp bách hiện nay cần phải xử lý được cây sanh sống ký sinh trên cây dã hương, nếu không cây dã hương sẽ bị kéo lệch tâm, chết dần và có thể đổ trước gió bão. Tuy nhiên, việc xử lý cây xanh này phải được tiến hành từng bước, trên cơ sở các phân tích khoa học, vì giữa chúng đã có sự cộng sinh lâu đời.
PGS.TS Vũ Quang Mạnh cũng đồng tình, so với cây dã hương ở Bắc Giang, “đại lão mộc tinh” thôn Dương Phạm đẹp và quý hiếm không kém.
Vì thế, có được một sự công nhận chính thức bằng văn bản của các cấp, ngành có liên quan với cây quý là điều mà người dân thôn Dương Phạm đang mong ngóng, trông chờ.
Theo Ngọc Yến, Hương Sen
Công An Nhân Dân
Công An Nhân Dân
Bình luận (0)