Mất ngủ sẽ làm cơ thể mệt mỏi, nhức đầu, tinh thần bị ảnh hưởng xấu. Ảnh: M.H
|
Tình trạng mất ngủ diễn ra khá phổ biến trong xã hội hiện đại, nguyên nhân do nhiều yếu tố tác động như tâm lí, ngoại cảnh, bệnh tật… Nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất nguy hiểm, nó ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của chúng ta…
Nhiều lý do mất ngủ
BS.CKII Đàm Ngọc Tuấn (Giám đốc Phòng khám đa khoa Thiên Hậu) cho biết: “Tình trạng mất ngủ do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như ngoại cảnh, bệnh tật sẵn có trong cơ thể, vấn đề về tinh thần, do chu kì ngày đêm bị rối loạn… Cách điều trị tình trạng này tùy vào từng nguyên nhân”.
Chị Nguyễn Thị Xuân Quỳnh – nhân viên một phòng kinh doanh ở quận 7, TP.HCM chia sẻ: “Là nhân viên đang trong quá trình thử việc, công việc cũng không đến nỗi quá sức với tôi. Nhưng tôi lại cảm thấy bị áp lực bởi chính môi trường làm việc. Sau khi rời phòng làm việc tôi muốn vứt bỏ tất cả những thứ không cần thiết ra khỏi tâm trí, nhưng khi về nhà tôi vẫn thấy lo lắng, căng thẳng đến mất ăn, mất ngủ”. Đây chính là do yếu tố về tinh thần, tình trạng này khá phổ biến nhất là đối với sinh viên, học sinh khi bước vào các kỳ thi. Hay những người mới đi làm do áp lực về công việc, áp lực về cách cư xử với mọi người xung quanh, thậm chí là áp lực từ sếp…
Các yếu tố ngoại cảnh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giấc ngủ, nhất là việc sử dụng các chất kích thích như rượu, chè, thuốc lá, cà phê… BS. Tuấn cho biết: “Trước khi đi ngủ, không nên sử dụng các chất kích thích này vì nó có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, khiến chúng ta khó đi vào giấc ngủ”. Đặc biệt, đối với những người công nhân phải làm theo ca ngày – đêm hay những người đang sống ở các nước có múi giờ chênh lệch với Việt Nam, khi về nước rất khó có thể thích nghi.
Tình trạng mất ngủ còn xảy ra đối với những người mà trong cơ thể mang bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nội khoa, kích thích thần kinh gây đau đớn như bệnh gan, thận, dạ dày… Bà Bùi Thị Phương (quận 7) cho biết: “Tôi bị đau dạ dày đã nhiều năm, thỉnh thoảng vào lúc đêm khuya tôi bị đau, dậy uống thuốc, rồi đi tiểu, sau đó thì rất khó ngủ lại”. BS. Tuấn cho biết để khắc phục tình trạng này thì biện pháp tốt nhất là sử dụng thuốc giảm đau, thuốc ngủ. Tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng các loại thuốc này mà khi sử dụng cần có sự chỉ định của BS điều trị.
Tình trạng mất ngủ nếu diễn ra trong một thời gian dài sẽ gây nên trạng thái rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, mất ngủ mãn tính. Mất ngủ sẽ làm cơ thể mệt mỏi, nhức đầu, tinh thần bị ảnh hưởng xấu, rất dễ nổi nóng, cáu giận, trở nên nhạy cảm hay vô cùng “hiếu chiến”, mất khả năng tập trung giải quyết vấn đề. Thậm chí ảnh hưởng đến hành vi của bản thân, gây nên việc xử lí tình huống bị sai lạc, mất bình tĩnh… Về lâu dài, tình trạng mất ngủ dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố, tụt huyết áp, tim mạch, giảm khả năng miễn dịch, dễ bị kích thích, chóng mặt và có nhiều khả năng mắc bệnh trầm cảm.
“Giải thoát” chứng mất ngủ
Theo BS. Tuấn: “Để tránh những hậu quả trên cần ngủ đủ giấc, giấc ngủ phải sâu, không chập chờn. Đối với trẻ em nên ngủ từ 10-12 tiếng/ngày để có một trí nhớ tốt và thông minh, còn đối với người lớn thì ngủ từ 8-10 tiếng/ngày. Bên cạnh đó, không nên căng thẳng, luôn có suy nghĩ lành mạnh. Giấc ngủ góp phần làm cho con người ta trở nên minh mẫn, suy nghĩ thấu đáo hơn”.
Trong chương trình tư vấn trực tuyến “Bệnh mất ngủ và phương pháp điều trị hiệu quả”, GS. Nguyễn Văn Chương (Chủ nhiệm bộ môn nội thần kinh, Viện Quân y 103) cho biết: “Khi bắt đầu mất ngủ, nên áp dụng các phương pháp đơn giản nhất thích hợp với từng người như đếm số, nghe nhạc, tắm… Những trường hợp mất ngủ vài chục năm, việc điều trị sẽ không đơn giản là uống viên thuốc mà phải mang tính tổng thể như luyện tập, thay đổi chế độ sinh hoạt, dùng các loại thuốc để điều hòa các hoạt động của não, việc làm này phải được giám sát, theo dõi thường xuyên. Và tốt nhất là đi khám các BS chuyên khoa thần kinh để xin ý kiến tư vấn và có phác đồ điều trị cho chặt chẽ”.
Những người mất ngủ luôn có một khao khát thoát ra khỏi tình trạng này càng sớm càng tốt. Chính vì vậy người bệnh thường dùng thuốc ngủ hoặc thuốc an thần để đảm bảo có một giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, BS. Tuấn khuyến cáo: “Không nên lạm dụng thuốc an thần và các thuốc có chất gây ngủ vì các loại thuốc này tác động đến thần kinh, gây căng thẳng, nên có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc hợp lí. Luôn để cơ thể ở trong trạng thái thoải mái, giảm bớt căng thẳng, không suy nghĩ lan man, quên đi những lo toan, nơi nghỉ cần sự yên tĩnh, thoáng khí…”.
Nghiêm Quế
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam có khoảng 30% số người lớn tuổi bị mất ngủ, 15% thường xuyên rối loạn giấc ngủ, trong đó người lao động trí óc, doanh nhân… chiếm tỉ lệ cao hơn. |
Bình luận (0)