Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giải thưởng ảnh báo chí thế giới: Giữ lấy đời thật trong đời thường

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tin bức ảnh đen trắng của Justin Maxon – 24 tuổi, sinh viên nhiếp ảnh báo chí Trường đại học San Francisco – chụp mẹ con chị Mùi đứng ven sông Hồng (Hà Nội) đoạt giải nhất mảng ảnh “Cuộc sống thường ngày” ở cuộc thi ảnh báo chí thế giới (WPP) 2007 đã khiến các nhà báo ảnh VN phải suy nghĩ…

Mẹ con chị Mùi bị nhiễm HIV tắm ở ven sông Hồng, Việt Nam. Giải nhất ảnh đơn mảng “Cuộc sống thường ngày”, giải báo chí thế giới lần thứ 51-2008. Justin Maxon (Max “điên” và dự án ảnh về người điên: Hạnh phúc của bốn bàn tay trắng, Tuổi Trẻ ngày 22-4-2007) đã chụp bức ảnh trên bằng chiếc máy Nikon D200 và ống kính 105mm rất bình thường! Để làm được điều đó, Maxon đã kiên nhẫn đeo bám chủ đề suốt hai tuần liền tại một đất nước xa xôi là VN.Cho đến trước ngày giải thưởng WPP năm 2007 được công bố (tháng 2-2008), vẫn có khá nhiều ý kiến của nhiều bậc “trưởng tràng” trên một số diễn đàn cho rằng: “Việt Nam đang ở thời điểm hòa bình, giai đoạn xây dựng đất nước… nên khó thể có được những sự kiện đủ “nóng” và đủ “lớn” thu hút sự chú ý của ban giám khảo cuộc thi ảnh WPP danh giá nhất hành tinh”.

Cũng chính suy nghĩ này đã trở thành một sức ì khiến không ít nhà báo ảnh nước ta đặt WPP ra ngoài tầm ngắm!

Với độ uy tín ngày càng cao, cuộc thi WPP hằng năm thu hút khoảng 5.000 nhà báo ảnh thuộc 130 quốc gia trên thế giới gửi ảnh tham dự (gần 80.000 ảnh). Điều đáng lưu ý thêm là WPP miễn hoàn toàn lệ phí dự thi. Riêng năm 2007, WPP thống kê số lượng tác giả VN góp mặt là chín người. Nhiều nhà nhiếp ảnh thành thật thú nhận không mong cơ hội đoạt giải mà chỉ nhằm mục đích có thêm một sách ảnh (catalogue) để học hỏi.

Nhưng sự việc đáng bàn ở chỗ 99% những tác giả gửi ảnh dự thi ấy đều thuộc giới chuyên chụp ảnh nghệ thuật?! Nghĩa là những tay máy vốn được đào tạo sáng tác ảnh theo phương pháp dàn dựng, lấy tính mỹ cảm làm tiêu chí hàng đầu, trong khi ảnh báo chí cần thông tin nhanh nhạy, tôn trọng sự thật, thuộc phạm trù tin tức và tài liệu! Do vậy, ảnh vấp phải những điều cấm kỵ tối thiểu và nghiêm ngặt của WPP là: không được bố trí, không được chỉnh sửa, không được chắp ghép và có đầy đủ các thông tin cần thiết tựu trung ở năm chữ W (Ai? Khi nào? Việc gì? Ở đâu? Tại sao?).

Còn nhớ ngay cả các cuộc thi ảnh báo chí do Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán vẫn có nhiều bức ảnh rất thiếu thông tin như vậy! Đằng sau lưng ảnh chỉ ghi các tên chung chung như: Nhịp điệu, Quà của biển, Cuộc sống ven sông, Ánh mắt giữa đại ngàn…

Bức ảnh của Justin Maxon được trao giải vào ngày 27-4-2008 tại Amsterdam (Hà Lan) đã đặt trước mỗi nhà báo ảnh nước ta chiếc chìa khóa trên con đường chinh phục cuộc thi WPP danh giá. Không nhất thiết phải vận dụng các phương tiện tác nghiệp quá tối tân và cũng không nhất thiết phải bỏ ra chi phí tốn kém đặt chân đến những “điểm nóng” xa xôi săn tìm các khoảnh khắc vàng.

Hiện thực phong phú của đất nước vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các con mắt tinh đời khám phá. Và cái “khoảnh khắc vàng” một phần ngàn của giây, giữ lấy đời thật trong đời thường chỉ đến với những trái tim nhiệt huyết, biết kiên trì, chủ động đeo bám sự kiện chứ không phải một kết quả ăn may!

Đáp án nằm ở chỗ biết phát hiện, đào sâu đề tài với tinh thần trách nhiệm và trái tim nhạy cảm – nhân hậu của mỗi nhà báo cầm máy ảnh! Cần có đột phá về tư duy và đổi mới phương thức tác nghiệp để chuẩn bị đón bắt các cơ hội, góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa Việt thấm đẫm tính nhân văn.

Theo Tuổi trẻ Online

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)