Vũ Mai Lan |
Ngày 26-2, tại Hà Nội sẽ diễn ra Lễ trao giải cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-learning” do Bộ GD-ĐT kết hợp cùng Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng tổ chức. Có 15 đơn vị đoạt các giải cao của cuộc thi. Đặc biệt, ba giải nhất trao cho những môn học tưởng như rất khó ứng dụng CNTT vào giảng dạy là âm nhạc, hóa học và văn học.
Vui và hạnh phúc khi giành được giải nhất của cuộc thi, ba cô giáo Vũ Mai Lan (Hà Nội); Nguyễn Cửu Minh Thư và Đinh Thị Thiên Ân (TP.HCM) đều có chung tâm niệm: “Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Khó đến mấy cũng phải làm được
Những ngày qua, mỗi khi đến lớp, cô Vũ Mai Lan, giáo viên (GV) môn âm nhạc Trường THCS Chu Văn An, Tây Hồ, Hà Nội luôn nhận được những lời chúc mừng cùng những bó hoa tươi thắm từ đồng nghiệp và học trò. Cô Mai Lan bật mí: “Ở nhà, người thân cũng trao tặng mình niềm hạnh phúc như vậy đó”. Thấy chúng tôi có đôi chút băn khoăn về việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy âm nhạc, cô Mai Lan cho biết: “Âm nhạc là môn nghệ thuật của âm thanh, việc ứng dụng CNTT được khai thác và sử dụng rất phức tạp. Ngoài các phần mềm thông thường như Microsoft Word, Power Point…, để thiết kế một bài giảng môn âm nhạc cần phải sử dụng thêm các phần mềm chuyên dùng như: phần mềm chép nhạc (Encore, Finale, Sibelius…); chương trình để thu phát và soạn nhạc (Cubase, Cakewalk, Band-in-a-box…); phần mềm để sao chép, cắt dán âm thanh (Sound Forge, Wavelab)… Không những thế, để chất lượng âm thanh của một đoạn nhạc, một bài hát minh họa cho bài giảng điện tử E-learning thật sự tốt thì cần phải có nhạc sĩ phối khí, có phòng thu âm”. Vượt qua những trở ngại đó, cô Mai Lan đã thiết kế thành công một tiết giảng theo chương trình Âm nhạc lớp 6, tiết 14 với 3 nội dung: Ôn tập bài hát Đi cấy; Ôn tập tập đọc nhạc và Âm nhạc thưởng thức: Sơ lược về một số nhạc cụ dân tộc phổ biến. Bài giảng này, ngoài việc dạy các em học sinh ôn bài học hát, tập đọc nhạc, trò chơi âm nhạc để củng cố kiến thức, còn giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc giúp các em thêm hiểu biết về những nhạc cụ này. Qua đó, giúp các em biết trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Cô Mai Lan nhấn mạnh: “Với lượng kiến thức đưa vào bài giảng khá nhiều nên khi thực hiện giảng dạy trong một tiết học, GV cần chủ động truyền đạt cho HS những kiến thức cơ bản, đúng với yêu cầu của bài theo SGK. Bài giảng E-learning sẽ rất hiệu quả nếu các em được xem lại, tự mình tìm hiểu các kiến thức mở rộng thông qua mạng internet hoặc bài giảng được đóng gói trên đĩa CD”.
Dạy học không có nghĩa là ngừng học
Nguyễn Cửu Minh Thư |
Cất chén cơm đang ăn vội sau giờ dạy thêm tại Trung tâm Văn hóa cộng đồng quận Tân Phú, cô Nguyễn Cửu Minh Thư, GV môn hóa, Trường THCS Võ Thành Trang (Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ về đề tài của mình: “Bài giảng dự thi của tôi là bài 18 “mol” trong chương trình Hóa học 8 và đây là một trong những kiến thức nền quan trọng và cơ bản của bộ môn hóa học. Đồng thời, bài học này cũng là một trong những kiến thức trừu tượng và khô khan nhất trong việc truyền tải cho HS”.
Trong bài giảng, cô Minh Thư đã đưa ra những hình ảnh gần gũi về lượng như: một chục bút chì, một tá trứng còn gọi là 10 bút chì, 12 quả trứng từ đó giúp cho các em HS đơn giản hóa khái niệm trừu tượng “mol”. Trong phần nội dung bài học, cô Minh Thư chừa ra những phần điền khuyết và dành một khoảng thời gian để HS tự suy nghĩ và chiếm lĩnh kiến thức. Sau mỗi phần bài giảng đều có phần bài tập áp dụng nhằm giúp HS tự đánh giá mức độ hiểu bài của mình. Ngoài phần bài học còn có phần ghi hình GV, nhằm hướng dẫn cho HS từng bước của bài học và cách học. Trong phần III, GV có ý tưởng sử dụng film minh họa được làm bằng phần mềm flash rất sinh động và cụ thể giúp ích rất nhiều cho HS. Sau phần bài giảng lại có phần tóm tắt lại nội dung bài học nhằm hệ thống hóa kiến thức cho HS.
Là một giáo viên trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề, cô Minh Thư luôn tự nhận thấy cần phải luôn học hỏi và hoàn thiện mình hơn nữa để phục vụ tốt hơn cho công tác “trồng người”. “Cô Minh Thư đã gặp khó khăn gì khi thực hiện bài thiết kế này?”, chúng tôi hỏi. Cười thật hồn nhiên, cô tâm sự: “Do thời gian tập huấn quá ngắn (một tuần) và khái niệm E-learning còn khá mới mẻ nên việc kết hợp phần mềm presenter 7 và E-learning tôi còn khá mơ hồ. Ngoài ra, vì là phần mềm mới nên việc cài đặt và sử dụng cũng còn nhiều hạn chế, nhưng tôi rất mừng là mình đã thành công”.
Bảo vệ thiên nhiên là trách nhiệm không của riêng ai
Đinh Thị Thiên Ân |
Tại sao người Việt Nam luôn giữ gìn cho căn nhà mình sạch sẽ, ngăn nắp nhưng khi bước chân ra ngoài xã hội lại không được như vậy? Những câu hỏi của bạn bè nước ngoài đặt ra luôn khiến cô Đinh Thị Thiên Ân, GV môn văn, Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM không thôi trăn trở. Và rồi, cô cũng tìm được lời giải cho thắc mắc ấy bằng cách truyền đạt những kiến thức về bảo vệ môi trường, thiên nhiên… cho HS thông qua những giờ học trên lớp cũng như các tiết ngoại khóa. Cô Thiên Ân tâm sự: “Tham dự cuộc thi thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-learning, đề tài của tôi có chủ đề bảo vệ thiên nhiên dành cho HS khối lớp 6. Tôi chọn đề tài này là vì thấy rằng, thiên nhiên rất cần thiết cho nhu cầu vật chất, sức khỏe và tinh thần con người. Vì thế, chúng ta phải biết trân trọng, yêu quý và bảo tồn thiên nhiên. Bởi nếu chỉ biết khai thác tới “tận cùng”, cuộc sống của con người sẽ dần dần bị “tàn phá”. Muốn bảo vệ chính mình, con người cần khôi phục lại tình yêu, lòng tôn trọng đất đai và thiên nhiên”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)