Y tế - Văn hóaThư giãn

Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2014

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 26-1, Hội Nhà văn TPHCM đã công bố giải thưởng văn học năm 2014, với Giải thưởng chính thức được trao cho tập thơ Hát đi em của tác giả Prékimalamak, Giải thưởng Nhà văn trẻ cho tập truyện ngắn Cỏ đồi phương Đông của Tiểu Quyên, 3 tặng thưởng cho tập truyện ngắn Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân của Tiến Đạt, tập thơ Cảm thức sông của Huệ Triệu và tập thơ Nhen lửa từ trăng của Lệ Bình.
Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2014 mang đến sự bất ngờ khi người đoạt giải thưởng cao nhất là nhà thơ Prékimalamak (tên Việt là Trần Vĩnh), người dân tộc Châu Ro. Ông sinh năm 1937 ở Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu), tham gia cách mạng từ kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc học tập và giảng dạy ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau ngày đất nước thống nhất về Nam giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM đến năm 1994. Nhà thơ Prékimalamak là hội viên sáng lập của Hội Nhà văn TPHCM.
Đối với người đọc, cái tên Prékimalamak khá xa lạ, nhưng riêng trong giới văn học, nhất là thế hệ nhà thơ chống Mỹ thì thi sĩ người dân tộc Châu Ro đã được biết đến từ thập niên 60 của thế kỷ trước, cùng lúc với các nhà thơ như Thanh Quế, Diệp Minh Tuyền, Lệ Thu, Lữ Huy Nguyên, Xuân Tùng… Ông là người làm thơ khó tính, viết chậm và ít, cũng ít đăng báo. Hát đi em (NXB Văn hóa văn nghệ 2014) là tập thơ đầu tay và gần như tổng kết cả đời thơ của ông, gồm 18 bài thơ độc đáo được viết trong nửa thế kỷ qua. Không phải bài thơ nào của Prékimalamak cũng hay, nhưng thơ ông không lẫn vào ai và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Châu Ro, cho dù ông viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hay tự sự về thân phận dân tộc thiểu số của mình. Sự tôn vinh đối với “tiếng hát” Châu Ro của nhà thơ lão thành Prékimalamak là xứng đáng.
Kể từ khi nhà văn trẻ Trần Minh Hợp nhận Giải thưởng Nhà văn trẻ đầu tiên dành cho các cây bút từ 30 tuổi trở xuống, với tập truyện Cô gái bán ô màu đỏ năm 2011 thì đến nay mới có thêm một nhà văn trẻ được trao giải này. Đó là Tiểu Quyên với tập truyện ngắn Cỏ đồi phương Đông (NXB VHVN 2014), được viết thiên về yếu tố kỳ ảo, có sức ám ảnh, thể hiện một phần tâm trạng, xúc cảm của giới trẻ ngày nay trước những bộn bề phức tạp của đời sống. Cỏ đồi phương Đông là tập truyện ngắn thứ 3 của nhà văn trẻ Tiểu Quyên (30 tuổi) ở Long An, hiện đang là phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM.
Tập truyện ngắn Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân (NXB VHVN 2014) được trao tặng thưởng là tác phẩm thứ 5 của nhà văn Tiến Đạt xuất bản trong 15 năm qua. Nhà phê bình Trần Hoài Anh nhận định: “Thoạt nghe nhan đề tập truyện tưởng đây là tập hợp những câu chuyện về vụ án hình sự ly kỳ nhưng thực ra không phải thế. Phủ lên toàn bộ tập truyện là một sắc màu huyền ảo và một chuỗi những giả định về thân phận con người trong cuộc sống đầy lo âu, bất trắc, biến ảo đã làm nên “linh hồn” của tập truyện”.
Cùng nhận tặng thưởng với nhà văn Tiến Đạt là hai nhà thơ Lệ Bình và Huệ Triệu. Với nhà thơ thâm niên Lệ Bình, tác giả những bài thơ phổ nhạc quen thuộc như Thành phố mười mùa hoa, Tia nắng hạt mưa, tập thơ Nhen lửa từ trăng (NXB Hội Nhà văn 2014) là một cố gắng mới của anh trên hành trình đi, nghĩ và viết không ngừng. Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh cảm nhận: “Từ những lời thơ của anh, ta nhận ra một vòng quay của những tâm tình: ký ức đồng đội, nỗi bất hạnh riêng, mùa trồng được mất, thiên nhiên tươi đẹp và Em… thật trọn vẹn”!
Một tập thơ khác cũng được nhận tặng thưởng là Cảm thức sông (NXB Hội Nhà văn 2014) của nhà thơ Huệ Triệu. Đây là tập thơ thứ 3 trong vòng 5 năm qua của cô giáo dạy văn quê gốc Hưng Yên, như một phần kết quả từ những chuyến đi thực tế Trường Sa, Trường Sơn và nhiều vùng đất khác, cùng những suy tư về nghề nghiệp, cuộc sống, thời gian đời người. Tập thơ chủ yếu vẫn viết theo thẩm mỹ truyền thống nhưng tác giả cũng cho thấy ý thức “muốn bứt khỏi thói quen” để tìm đến những cái mới trong sáng tạo thi ca.
Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)