Trong 3 ngày từ 20 đến 22-3, Bộ GD-ĐT phối hợp Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024. Kết quả, có 106 giải thưởng đã được trao cho học sinh; trong đó, 10 giải nhất, 17 giải nhì, 23 giải ba, 27 giải tư và 29 giải triển vọng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao giải nhất cho học sinh. Ảnh: Trung tâm Truyền thông và sự kiện (Bộ GD-ĐT)
Đây là năm thứ 12 cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Nhiều dự án tiếp cận hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Cuộc thi năm nay có 74 đơn vị tham dự, trong đó có 62/63 sở GD-ĐT và 12 đơn vị thuộc các ĐH, trường ĐH… Tổng số 149 dự án dự thi năm nay thuộc 21 lĩnh vực bao gồm: Khoa học động vật, khoa học thực vật, khoa học xã hội và hành vi, hóa sinh, y sinh và khoa học sức khỏe, kỹ thuật y sinh, sinh học tế bào và phân tử, hóa học, khoa học trái đất và môi trường, hệ thống nhúng, năng lượng hóa học, vật lý, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật môi trường, khoa học vật liệu, toán học, vi sinh, vật lý và thiên văn, robot và máy tính, phần mềm hệ thống, y học dịch chuyển…
Cuộc thi gắn hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh với việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập; góp phần phát triển phẩm chất, năng lực các em. Đồng thời, hình thành cho học sinh trung học tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Theo Trung tâm Truyền thông và sự kiện (Bộ GD-ĐT), đánh giá từ ban giám khảo cho thấy, các lĩnh vực nghiên cứu được học sinh lựa chọn tại cuộc thi năm nay khá phong phú, nhiều đề tài có nội dung và phương pháp phù hợp thực tiễn. Tiến trình nghiên cứu, trình bày và báo cáo khoa học được thực hiện theo đúng yêu cầu của một nghiên cứu khoa học. Một số đề tài đã tiếp cận được các vấn đề lớn, có tính khái quát, kỹ thuật cao, được thực hiện trong các phòng thí nghiệm hiện đại. Đặc biệt, rất nhiều dự án tiếp cận theo hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI. Điều này cho thấy các em đã phát hiện ra nhiều vấn đề mới, giúp rèn luyện và nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học cho bản thân.
Các đề tài năm nay cũng được chuẩn bị công phu hơn và đúng theo quy trình của một công trình khoa học dự thi. Trong đó, có những dự án đã quy tụ được những ý tưởng khoa học độc đáo, hàm lượng khoa học cao. Đa số các đề tài đều có sự đầu tư đáng kể cả về hình thức lẫn nội dung. Nhiều học sinh có kiến thức, hiểu biết tốt trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Đây là minh chứng cho sự học hỏi, tìm tòi và tham khảo các tài liệu khoa học cả trong và ngoài nước. Một số em còn cho thấy khả năng ngoại ngữ khi trình bày và trả lời lưu loát câu hỏi bằng tiếng Anh. Đây là thuận lợi để các dự án của học sinh Việt Nam tham gia vào cuộc thi quốc tế diễn ra tại Hoa Kỳ trong thời gian tới. Được biết, những dự án tốt nhất của cuộc thi lần này sẽ được tuyển chọn tham gia hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF) tại Hoa Kỳ năm 2024.
Những dự án tốt nhất sẽ được chọn dự thi quốc tế
Cũng theo Trung tâm Truyền thông và sự kiện (Bộ GD-ĐT), tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã ghi nhận và đánh giá cao sự phấn đấu học tập, say mê nghiên cứu khoa học – kỹ thuật của các học sinh để có những đề tài, dự án dự thi cấp trường, cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia. Các em đại diện cho hàng triệu học sinh trên mọi miền Tổ quốc, vinh dự của 74 đoàn với 149 dự án có mặt tại đây. Thứ trưởng gửi gắm, tuy cuộc thi có em đoạt giải, có em chưa; song những học sinh đoạt giải dù cao hay thấp hãy tiếp tục phấn đấu để khẳng định mình. Những em chưa đoạt giải không có nghĩa là thất bại, cần tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, khát vọng, hoài bão.
Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ GD-ĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013. Từ đó đến nay, cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần. Báo cáo của các đơn vị tham gia cho thấy, hằng năm có từ 200-300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để lựa chọn vào vòng chung kết cuộc thi cấp tỉnh, trên cơ sở đó tuyển chọn cho cuộc thi cấp quốc gia.
Các em học sinh tại cuộc thi. Ảnh: Trung tâm Truyền thông và sự kiện (Bộ GD-ĐT)
Cũng qua báo cáo của các địa phương thì số lượng dự án, số lượng học sinh THCS, THPT tham gia cuộc thi cấp địa phương tăng dần trong 12 năm qua. Bộ GD-ĐT cho rằng, kết quả này phản ánh đúng sự phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường trung học, gắn liền với việc đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh mà bộ đã chỉ đạo thực hiện để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Từ kết quả cuộc thi hằng năm, Bộ GD-ĐT lựa chọn những dự án đoạt giải cao nhất để tham gia hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học do Hoa Kỳ tổ chức. Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học được tổ chức từ năm 1952. Đến nay, đây là hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 8 đến lớp 12). Mỗi năm có khoảng 1.800 học sinh trung học từ khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia tranh tài ở 21 lĩnh vực.
Trước đó, ở hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023, Việt Nam có 7 dự án dự thi và nằm trong số 33 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đoạt giải với 1 giải ba và 1 giải đặc biệt của nhà tài trợ.
M.Tâm
Bình luận (0)