Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Giải tỏa lo lắng trước kỳ thi

Tạp Chí Giáo Dục

Bị cha mẹ gây áp lực phải thi đậu, quá kỳ vọng hoặc quá lo về tỉ lệ chọi… đều có thể gây tổn hại sức khỏe thể chất và tinh thần của thí sinh, ảnh hưởng không tốt cho kỳ thi đại học. Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ và thí sinh cần lưu ý một số điều để có thể giải tỏa lo lắng.

Phụ huynh cùng lo với nỗi lo của thí sinh (ảnh chụp ở bến xe miền Đông, TP.HCM mùa thi đại học 2008) – Ảnh: N.C.T.
Không tạo áp lực
Trước kỳ thi phần lớn thí sinh thường phải tập trung cao độ năng lực trí tuệ, song các bạn hay bị cha mẹ tạo áp lực như buộc học quá nhiều hoặc ra “tối hậu thư” phải thi đậu… Hậu quả là một số thí sinh rơi vào tình trạng rối nhiễu tâm lý như không tập trung chú ý được, rối loạn tri giác, tư duy kém linh hoạt, đồng thời biểu hiện cảm xúc tiêu cực…
Vì vậy, trong những ngày cận kề mùa thi, các thí sinh luôn cần những lời chia sẻ, động viên, hỗ trợ tinh thần của người thân, điều này giúp các bạn củng cố niềm tin vững chắc. Cha mẹ không nên đặt nặng chuyện đậu hay rớt, mà xem thi đại học như một lần thử sức của con. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên chuẩn bị những món ăn mà con mình thích nhất, những món ăn đảm bảo dinh dưỡng trước và trong những ngày thi.
Thư giãn, vui chơi
Trước những ngày thi các bạn thí sinh nên để tâm trạng ổn định, tránh những tác động tiêu cực, nên gác lại những vướng mắc không cần thiết. Đặc biệt, không nên quá nhồi nhét kiến thức mà dành thời gian củng cố lại những kiến thức đã học hoặc tìm tòi một nội dung mà mình yêu thích. Chuyên gia tâm lý cho rằng trước khi thi hai ngày nên gác lại chuyện học tập, bởi nếu cố gắng cũng không thể nào nạp được hết.
Nên thư giãn như nghe nhạc, đi dạo hay chơi thể thao nhẹ nhàng sẽ tạo hứng thú. Buổi tối trước ngày thi, thí sinh nên ngủ 8-9 tiếng để bảo đảm sức khỏe. Không nên dùng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu… có thể gây hưng phấn tạm thời nhưng dễ tạo ra ảo giác, thiếu tập trung hoặc có thể dẫn đến trí nhớ kém…
Đặc biệt, thí sinh không nên quá quan tâm đến tỉ lệ chọi, chuẩn bị tâm lý rằng mình đã sẵn sàng đủ khả năng để bước vào kỳ thi. Trong những ngày thi nên tập trung tư duy cao nhất suốt thời gian làm bài, tránh bị phân tán tư tưởng gây hoang mang, dao động.
Đồng thời các thí sinh hãy cởi bỏ lo toan phải thi đỗ. Chuyện thi trượt đại học là chuyện bình thường hằng năm đều có. Và cũng lưu ý rằng đại học không phải là con đường duy nhất vào đời, biết đâu bạn lại phù hợp và phát triển tốt hơn khi học một trường cao đẳng hay trung cấp nào đó.
NGUYỄN VĂN CÔNG (giảng viên tâm lý học)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)